Đảo Síp đã được giải cứu
Thông tin vừa được các hãng tin AFP, AP và BBC đồng loạt đăng tải. Theo đó dự thảo thỏa thuận cuối cùng đã được chính phủ Síp và đại diện EU, ECB và IMF cùng các nhà lãnh đạo khu vực euzone thông qua. Chia sẻ trên trang tin cá nhân Twitter, Tổng thống đảo Síp Nicos Anastasiades cho biết ông “lạc quan”.
Tổng thống Síp Anastasiades đã có thể thở phào.
Trước đó, ông Anastasiades cũng cho biết sau nhiều giờ đàm phán căng thẳng kế hoạch “giải cứu” Síp đã đạt được một bước đột phá khi mà thời hạn chót ngày một gần. “Các nỗ lực đã đem lại kết quả”, ông Anastasiades viết trên trang Twitter.
Không lâu sau các nguồn tin của AFP từ EU cho biết Bộ trưởng tài chính các quốc gia khu vực eurozone đã phê chuẩn kế hoạch giải cứu. Theo đó, ngân hàng lớn thứ hai của quốc đảo này là Laiki (hay còn có tên là Popular Bank) sẽ bị chia nhỏ.
Phần tài sản tốt, gồm các khoản tiền gửi tiết kiệm dưới 100.000 euro sẽ được chuyển sang Bank of Cyprus, ngân hàng lớn nhất của Síp. Trong khi đó phần tài sản xấu còn lại của Laiki sẽ bị xử lý dưới sự giám sát của cơ quan chức năng.
Trong khi đó Bank of Cyprus, sẽ được giữ nguyên nhưng những người gửi tiền có giá trị lớn hơn 100.000 euro sẽ bị thiệt hại nặng. Hãng tin BBC dẫn lời một số nguồn tin cho biết có thể mức thuế suất bị đánh vào những khoản tiền gửi trên 100.000 euro tại hai ngân hàng trên sẽ lên đến 40%. Tuy nhiên mức thuế suất quy định cụ thể ra sao sẽ được công bố trong những tuần tới.
Các khoản tiền của người gửi tại Laiki bank sẽ được dùng để tạo quỹ giải cứu 5,8 tỷ euro mà các nhà tài trợ yêu cầu để đổi lại việc giải ngân khoản cứu tợ 10 tỷ euro.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng các biện pháp này sẽ không ảnh hưởng tới các khoản tiền gửi dưới 100.000 euro và không ai nên nghi ngờ về điều này”, ông Jeroen Dijsselbloem, Chủ tịch nhóm Bộ trưởng tài chính các quốc gia eurozone khẳng định trong buổi họp báo tại Brussels. “Chúng tôi tái khẳng định việc các khoản tiền gửi này được bảo hiểm đầy đủ tại EU”.
Theo hãng tin tài chính CNBC, phản ứng trước thông tin trên, đồng euro đã bật tăng 0,5% so với USD, lên 1 euro đổi 1,3047 USD. Trong khi đó các thị trường chứng khoán châu Á cũng đồng loạt tăng điểm sau khi mở cửa.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng tài chính đảo Síp Michael Sarris cho biết mục tiêu của chính phủ nước này là đưa hệ thống ngân hàng trở lại hoạt động nhanh nhất có thể. Ông cũng khẳng định Síp đã tránh được nguy cơ phá sản.
Nhận định về thỏa thuận này, ông Richard Iley, kinh tế gia trưởng của ngân hàng Pháp BNP Paribas khẳng định với CNBC rằng: “Đảo Síp có thể không mang tầm quan trọng có tính hệ thống nhưng nó có thể trở thành một tiền lệ. Nếu họ rời eurozone điều đó sẽ cho thấy việc một thành viên rời bỏ đồng tiền này không phải là không thể”.
Trong ngày hôm qua, trước làn sóng rút tiền ồ ạt của người dân, Bank of Cyprus đã một lần nữa hạ thấp giới hạn số tiền mặt được rút trong ngày từ máy ATM xuống chỉ còn 120 euro. Cùng lúc đó hạn mức rút tiền mặt cũng được ngân hàng Laiki hạ từ 260 euro xuống còn 100 euro. Theo hãng tin Cyprus News Agency, trước khủng hoảng, người dân có thể rút 700 euro/ngày từ ATM.
Kể từ thứ Hai vừa qua các ngân hàng của đảo quốc này đã phải tạm đóng cửa trong khi nhiều cửa hàng chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt. Ông Dijsselbloem cho biết chi tiết về việc mở cửa trở lại hệ thống ngân hàng sẽ được chính quyền Síp thảo luận với IMF, ECB và EU trong hôm nay.
Trước khi thỏa thuận giải cứu trên được các bên thông qua, quốc hội Síp đã bác kế hoạch đánh thuế tiền gửi đối với toàn bộ các khoản tiết kiệm bất kể giá trị. Khi đó chính phủ Síp đề xuất áp thuế 6,75% với các khỏan tiền dưới 100.000 euro và 9,9% đối với các khỏan tiền lớn hơn mức này.
Nếu một giải pháp thay thế không được thông qua, ECB tuyên bố sẽ ngừng cấp vốn cho các ngân hàng Síp từ hôm nay, đồng nghĩa với việc để cho các ngân hàng nước này phá sản. Trong khi đó quốc gia tại Địa Trung Hải này lại không muốn áp thuế suất cao với các khỏan tiền gửi lớn do lo ngại có thể khiến các nhà đầu tư nước ngòai tháo chạy. Do đó chính phủ Síp quay sang đề xuất quốc hữu hóa quỹ hưu trí và đem tài sản quốc gia ra làm tài sản bảo đảm để phát hành trái phiếu.
Nhưng bản thân các ngân hàng lớn nhất nước này đã hối thúc quốc hội chấp thuận việc áp thuế với các nhà đầu tư lớn. Ngòai ra, Đức, nền kinh tế lớn nhất EU đã kiên quyết yêu cầu Síp phải đánh thuế vào các nhà đầu tư, những người đã thu lợi lớn từ việc gửi tiền với lãi suất cao tại đây nhiều năm qua và bác bỏ dự định dùng các quỹ hưu trí vào việc giải cứu. Và cuối cùng Síp đã phải đi theo hướng này.
Theo Thanh Tùng/Dân trí
-
17 doanh nghiệp Anh trong chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tìm cơ hội hợp tác ở Việt Nam
-
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cảnh báo rủi ro gia tăng
-
Nông dân sẽ có lợi ích lâu dài khi doanh nghiệp phân bón phát triển ổn định
-
Tin tức kinh tế ngày 23/10: Xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt 200 tỷ USD một quý
-
Giá dầu hôm nay (23/10): WTI tăng, Brent giảm trong phiên