Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Danh ca Thanh Thúy: Tuổi thơ nghèo tạo nên tiếng hát liêu trai ru hồn bao thế hệ

15:10 | 12/11/2018

Theo dõi PetroTimes trên
|
“Chị Thanh Thúy là một ca sĩ hội đủ các yếu tố: Sắc vóc, đạo đức, tài năng. Cách hát, cũng như giọng hát liêu trai của chị không lẫn lộn với bất kỳ ca sĩ nào. Khó tìm ra được một ca sĩ thứ hai như chị. Chị âm thầm giúp đỡ rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Tôi rất quý chị” - "Nữ hoàng sầu muộn" Giao Linh nói về “Tiếng hát bồng bềnh khói sương” Thanh Thúy.  

Nếu đã yêu thích dòng nhạc bolero, khán - thính giả chắc chắn không thể không đắm đuối với giọng hát liêu trai của danh ca Thanh Thúy.

Cách hát da diết, nhấn nhá rất đặc biệt và phát âm tròn vãnh, rõ chữ… não nùng tâm sự của bà, đã làm mê đắm bao thế hệ người nghe nhạc. Giọng hát vẫn còn bền bỉ cho đến tận bây giờ.

Bà khiêm nhường, chưa bao giờ xưng ngôi vị, chứng tỏ đẳng cấp, vị trí của mình. Nhưng khán giả ca ngợi, đặt cho bà hàng chục mỹ danh: Tiếng hát liêu trai, Tiếng hát bồng bềnh khói sương, Tiếng hát lúc 0 giờ, Tiếng sầu ru khuya, Tiếng hát khói sương chiêu niệm, Người em sầu mộng…

danh ca thanh thuy tuoi tho ngheo tao nen tieng hat lieu trai ru hon bao the he
Nhan sắc mê đắm lòng người một thuở của danh ca Thanh Thúy

Đặc biệt, với những ca khúc của nhạc sĩ Trúc Phương, một khi được tiếng hát Thanh Thúy cất lên, khó có ca sĩ nào hát qua nổi.

Những ca khúc: Nửa đêm ngoài phố, Hai lối mộng, Đò chiều, Đêm tâm sự, Hai chuyến tàu đêm, Buồn trong kỷ niệm, Ai cho tôi tình yêu, Người xóm cũ… bà hát bằng cả tâm hồn đầy rung cảm, thể hiện trọn vẹn những khoảnh khắc đau khổ trong cuộc đời lận đận của người nhạc sĩ tài hoa.

Bà và nhạc sĩ Trúc Phương gắn liền với nhau trong nghệ thuật, như một định mệnh an bày sẵn, có duyên nợ từ muôn kiếp trước.

Xem hình ảnh và nghe danh ca Thanh Thúy hát Nửa đêm ngoài phố của nhạc sĩ Trúc Phương:

Ngoài giọng hát trời phú, thì nhan sắc của bà cũng là thế mạnh làm xiu lòng không ít người. Mái tóc dài buông lơi trên đôi vai gầy, dáng mảnh mai, gương mặt thanh tú, nụ cười duyên của bà đã làm thổn thức tâm hồn của rất nhiều thi sĩ, nhạc sĩ. Vẻ đẹp ấy cũng đã đi vào phim ảnh, kịch.

Nhà thơ Nguyên Sa từng thốt lên: "Thanh Thúy là nữ ca sĩ được ngợi ca nhiều nhất trong văn, trong thơ. Bởi vì Thanh Thúy chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ".

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp và giọng hát liêu trai của danh ca Thanh Thúy qua ca khúc Tạ tình của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ:

danh ca thanh thuy tuoi tho ngheo tao nen tieng hat lieu trai ru hon bao the he
Cô gái gốc Huế đã trở thành "nàng thơ" cho nhiều nhạc sĩ, thi sĩ

Nhà thơ Vũ Hối từng xúc cảm, ca ngợi nhan sắc của nữ ca sĩ gốc Huế:

Liêu trai tiếng hát khói sương

Nghẹn ngào nhung nhớ giòng hương quê mình

Nghiên sầu từng nét lung linh

Giọng vàng xứ Huế ấm tình quê hương

Hàng chục ca khúc được các nhạc sĩ dành tặng riêng cho Tiếng hát liêu trai: Ướt mi, Thương một người (Trịnh Công Sơn), Tiếng ca u hoài, Chuyện buồn của Thúy (Anh Bằng- Lê Dinh), Lời tự tình (Nhật Ngân), Tiếng hát về khuya (Tôn Thất Lập), Mắt em buồn, Lời ca nữ, Hình bóng cũ, Tình yêu trong mắt một người (Trúc Phương), Lời tạ ơn, Tôi yêu Thúy (Hoàng Thi Thơ), Được tin em lấy chồng (Châu Kỳ), Thúy đã đi rồi (Y Vân).

danh ca thanh thuy tuoi tho ngheo tao nen tieng hat lieu trai ru hon bao the he
Năm tháng trôi qua, nhưng nhan sắc và giọng hát của bà vẫn không thay đổi, tiếp tục ru hồn khán giả

Nhà báo Nguyễn Công Khế, người em tri kỷ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể: “Lúc sinh thời, mỗi lần uống rượu, anh Sơn thường kể về hoàn cảnh ra đời ca khúc Thương một người dành tặng cho chị Thanh Thúy. Có đêm, anh Sơn ngồi ở một góc vắng trên đường Cao Thắng, đợi người trong mộng đi hát về, chỉ để được nhìn thấy. Cái dáng gầy, tà áo dài mong manh... khuất dần vào con hẻm nhỏ, tiếng guốc hối hả bước về phòng trọ cho kịp chăm sóc mẹ già đang bệnh tật, đã làm anh Sơn xúc cảm. Ca khúc Thương một người ra đời từ đó. Anh Sơn rất si mê chị Thanh Thúy”.

Mỗi ca từ của bài Thương một người, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều trĩu nặng tình yêu dành cho nữ ca sĩ. Người nhạc sĩ tài hoa nhiều lần lặp lại từ “thương”. Xin trích dẫn một đoạn ngắn:

Thương ai về ngõ tối

Sương rơi ướt đôi môi

Thương ai buồn kiếp đời

Lạnh lùng ánh sao rơi

Thương ai về ngõ tối

Bao nhiêu lá rơi rơi

Thương ai cười không nói

Ngập ngừng lá hôn vai

Giai đoạn này, nữ ca sĩ mới 15 tuổi (1958). Nhà đông anh em, mẹ lại bị bệnh lao, căn bệnh được cho là nan y thời đó, bà phải mang mẹ từ Huế vào Sài Gòn, thuê phòng trọ, hàng đêm mang lời ca tiếng hát đến các phòng trà, kiếm tiền mua thuốc cho mẹ già.

Hai năm sau, bà Tường Vi, thân mẫu của ca sĩ Thanh Thúy qua đời. Bà đã trút hết nỗi buồn mất mẹ vào các ca khúc: Chuyến tàu hoàng hôn, Tình đời, Duyên kiếp cầm ca, Phố buồn… khiến giọng hát của bà càng u sầu, não nùng, sâu lắng hơn.

Danh ca Thanh Thúy thể hiện ca khúc Người tình không đến (sáng tác Thượng Ngàn):

danh ca thanh thuy tuoi tho ngheo tao nen tieng hat lieu trai ru hon bao the he
Thuở mới đi hát, kiếm tiền chữa bệnh của cô bé Thanh Thúy

Trong thời gian để tang mẹ, khi đi hát, bà phải mặc áo dài trắng hoặc đen. Dưới ánh đèn sân khấu, Thanh Thúy trở nên mờ nhân ảnh, như theo lời bà kể: “Tựa như hư vô, không có thật”. Mỹ danh “Tiếng hát liêu trai” gắn liền với cuộc đời bà, xuất hiện từ đó.

Giọng hát trầm buồn, chất chứa tâm sự sâu lắng rất đặc biệt của cô bé nghèo khổ, hiếu thảo bắt đầu được khán giả chú ý, đón nhận. Tên tuổi bà ngự trị hàng đêm trên sóng phát thanh, đài truyền hình, ở các phòng trà ca nhạc lớn tại Sài Gòn. Thanh Thúy đã trở thành tên tuổi ăn khách nhất.

danh ca thanh thuy tuoi tho ngheo tao nen tieng hat lieu trai ru hon bao the he
Nghe Thanh Thúy hát, người ta quay về kỷ niệm, hình dung ra khung cảnh của một thời đã qua

“Lúc nuôi mẹ bệnh, tôi cũng yêu nghề. Nhưng cái tôi cần nhất lúc đó, là tiền để chữa bệnh cho mẹ. Chỉ sau vài tháng đi hát, tôi may mắn được khán giả đón nhận, biết đến. Mới là cô bé 15 tuổi, tôi không nghĩ là mình đẹp hay hát hay gì cả. Được khán giả thương mến, tôi nghĩ đó là một cái phước”, danh ca Thanh Thúy từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn sau này.

Hiện nay danh ca Thanh Thúy đang định cư tại Mỹ, có cuộc sống rất hạnh phúc. Ở độ tuổi 75, bà vẫn là giọng hát chủ lực, không thể thiếu ở các chương trình ca nhạc lớn, được khán giả ở mọi lứa tuổi mến mộ. Ngoài đi hát, bà còn tích cực làm từ thiện, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

Lê Ngọc Dương Cầm