Dân tặng cho Đảng cái bằng khen
Trong lịch sử Đảng ta, vấn đề xây dựng Đảng luôn luôn được đặt ra. Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an, người Cộng sản Việt Nam nói về sự tha hóa trong Đảng và chính quyền của ta đầy đủ nhất, sâu sắc nhất, toàn diện nhất và mang tính dự báo chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, từ năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”, Bác đã có những nhận định mang tính dự báo.
Mặc dù trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ấy, sự tha hóa trong Đảng đâu đó đã trở thành nguy cơ ảnh hưởng đến kháng chiến, nhưng Người đã nêu rất rõ: Tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù của bộ đội, nhân dân, chính quyền, đoàn thể và của Đảng. Những kẻ tham ô, lãng phí, quan liêu cũng là giặc. Chống tham ô, lãng phí, quan liêu cũng là chống giặc và cũng cần kíp như chống giặc ngoại xâm.
Lần giở lịch sử Đảng, chúng ta thấy rõ hơn việc Đảng vượt lên chính mình như thế nào?
Năm 1986 Nghị quyết Đại hội VI của Đảng ghi rõ: “Với lương tâm của người Cộng sản, mỗi cán bộ, đảng viên hãy nghiêm khắc xem xét mình đã sống lành mạnh, sống bằng lao động của mình hay chưa?...
Cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu hơn trong lối sống. Người có chức vụ càng cao thì yêu cầu về sự gương mẫu càng lớn. Không ai có quyền tự ban cho mình những đặc quyền, đặc lợi.
Theo dòng lịch sử, sau đó 10 năm, đến năm 1996, Nghị quyết Đại hội VIII đưa ra nhận định: “Hiện nay, cán bộ, đảng viên và nhân dân ta hết sức quan tâm đến cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Nạn tham nhũng đang là một nguy cơ trực tiếp đe dọa đến sự sống còn của hệ thống chính trị”.
Đến Đại hội IX (2001), Đảng thừa nhận: “Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”.
Đến Đại hội X năm 2006 Đảng vẫn buộc phải nhìn nhận rằng: “Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”.
Đến Đại hội XI năm 2011, Đảng lại khẳng định: “Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội” và “tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”.
Đúng như Nghị quyết TƯ 4 thừa nhận, “công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.
Theo các cán bộ lão thành, Nghị quyết TƯ 4 về chỉnh đốn Đảng thực ra không mới so với Nghị quyết Đại hội VI của Đảng. Điểm mới chính là lần đầu tiên Tổng Bí thư đưa ra nhận định rằng, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm đang làm Đảng ta suy yếu, làm lòng tin của dân với Đảng giảm sút. Và điểm mới nữa trong Nghị quyết TƯ 4 là ở quyết tâm chính trị thể hiện trong hội nghị và các động tác điều hành mới của Ban Bí thư. Quan sát các kỳ họp của Trung ương Đảng, điều khác thông lệ là năm nay, vấn đề xây dựng Đảng được nêu ra rất sớm, ngay từ Hội nghị Trung ương đầu tiên của khóa mới.
Thiếu tướng Lê Văn Cương đánh giá: Đúng là người dân đang giảm lòng tin vào Đảng. Nhưng dân ta không ai mong muốn thay thế sự lãnh đạo của Đảng, kéo theo nó là những bất ổn xã hội. Nguyện vọng cao nhất của dân là Đảng phải sửa mình cho thật sự trong sạch, vững mạnh, thật sự như Đảng nói, là bộ phận ưu tú của dân tộc.
Người dân đã mòn mỏi chờ đợi 27 năm để Đảng tự sửa mình. Điều đó cho thấy không ở đâu trên thế giới này lại có nhân dân tốt và kiên nhẫn với đảng cầm quyền đến như vậy.
Ý thức được việc người dân chờ đợi, ý thức rằng, sự bê trễ trong việc sửa mình của Đảng đã và đang làm suy giảm lòng tin của dân, Trung ương Đảng đã bàn về xây dựng Đảng ngay từ hội nghị Trung ương đầu tiên của nhiệm kỳ. Đó là tín hiệu vui, rằng Đảng đang tiếp thu nguyện vọng của dân.
Thực hiện Nghị quyết TƯ 4, bắt đầu từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành TƯ, các Đảng bộ khối, các tỉnh ủy, thành ủy đến các tổ chức Đảng ở cơ sở trong cả nước tiến hành tự phê bình và phê bình sâu sắc. Bộ Chính trị qua hai vòng kiểm điểm đã xin nhận hình thức kỷ luật tập thể. Ban Chấp hành TƯ trong Hội nghị lần thứ 6 đã xin nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân.
Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết TƯ 4 được ban hành với yêu cầu trước hết là cảnh tỉnh với những người đang ngủ quên. Bên cạnh đó là răn đe, ngăn chặn những suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Vừa rồi chúng ta răn đe được chưa - khối anh sợ đấy - Tổng Bí thư khẳng định, việc xử lý kỷ luật phải có lý có tình trên cơ sở luật pháp, sau phê bình mà không chịu sửa thì lúc đó mới xử lý kỷ luật.
Nhân dân kỳ vọng vào kết quả chỉnh đốn Đảng. Nhiều ý kiến tâm huyết coi đây là cơ hội để Đảng chữa trị căn bệnh ung thư đang di căn - lời của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Trải qua hơn 80 năm theo Đảng, nhân dân ta đã trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách trước kẻ thù hùng mạnh và nham hiểm vào bậc nhất nhưng chưa bao giờ sợ. Đảng ta mạnh và chiến thắng vì có quần chúng đoàn kết, đùm bọc sẻ chia. Đảng đúng vì có quần chúng tham gia góp ý. Lợi ích của Đảng không tách rời khỏi lợi ích của quần chúng nhân dân, “bao nhiêu lợi ích của Đảng cũng vì nhân dân”.
Trong cuộc kiểm điểm lần này, đã chỉ ra một bộ phận không vì lợi ích của dân, chỉ chăm lo vào lợi ích của mình, của bản thân nhóm mình.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, cuộc vận động chỉnh đốn lần này không phải nhằm kỷ luật một ai. Mục đích của Đảng là chỉ ra những khuyết tật để sửa chữa. Và nhất định sẽ sửa chữa được. Và lúc ấy, dân thêm tin Đảng và lại tặng Đảng cái bằng khen như đã từng khen ngợi trong quá khứ mỗi khi Đảng thành công.
Bảo Dân
-
Liên doanh dầu khí Nga - Việt đã mang về cho đất nước tỷ USD
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng