Đại gia nào đứng sau thương vụ chuyển 24 triệu cổ phiếu HNG cho Hoàng Anh Gia Lai?
Chỉ có 3 tổ chức là có thể chuyển nhượng 24 triệu cổ phiếu HNG trong 1 lần cho Hoàng Anh Gia Lai |
Phiên giao dịch ngày hôm nay (19/9), thanh khoản trên sàn TPHCM (HSX) tăng đột biến lên 243,69 triệu cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt 5.097,7 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân đó là xuất hiện lô giao dịch thoả thuận lớn tại HNG – mã cổ phiếu của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai.
Cụ thể, mã này được thoả thuận tới 24 triệu cổ phiếu ở mức sàn 15.650 đồng/cổ phiếu. Quy mô giao dịch đạt 375,6 tỷ đồng. Bên cạnh giao dịch này, HNG còn được sang tay 100.000 cổ phiếu tại mức giá trần 17.950 đồng/cổ phiếu.
Nhiều khả năng, giao dịch thoả thuận 24 triệu cổ phiếu HNG nói trên là do phía Hoàng Anh Gia Lai nhận chuyển nhượng. Bởi mới đây, công ty này mới thông báo đăng ký mua vào 24 triệu cổ phiếu HNG theo phương thức thỏa thuận trong thời gian từ 19/9 đến 18/10.
Sau giao dịch này, Hoàng Anh Gia Lai sẽ nâng sở hữu tại HNG từ 55,1% lên 57,81% tương đương với 512,86 triệu cổ phiếu. Giao dịch được thực hiện nhằm chuyển nhượng cổ phần của công ty con về công ty mẹ để đáp ứng nhu cầu quản lý.
Tại HNG, ngoài Hoàng Anh Gia Lai thì cổ đông lớn còn lại là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai (sở hữu 50 triệu cổ phiếu tương đương 5,64% vốn). Ngoài ra, còn có hai tổ chức khác sở hữu khối lượng lớn cổ phiếu HNG là Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh (31,5 triệu cổ phiếu tương đương 3,55%) và Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh (27,5 triệu cổ phiếu tương đương 3,1% vốn).
Như vậy, để có thể chuyển nhượng một lần 24 triệu cổ phiếu HNG cho Hoàng Anh Gia Lai thì phía đối tác chuyển nhượng chỉ có thể là 1 trong 3 tổ chức nói trên.
Trong số 3 công ty kể trên, Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai là doanh nghiệp nằm trong danh sách công ty con của Hoàng Anh Gia Lai với sở hữu 98% vốn.
Trong khi đó, Đầu tư Cao su An Thịnh và Đầu tư Cao su Cường Thịnh cách đây 2 năm đã gây xôn xao dư luận với thương vụ mua lỗ cổ phiếu HNG.
Cụ thể, vào thời điểm tháng 2/2016, HNG phát hành thành công 59 triệu cổ phần cho hai đối tác chiến lược này với giá phát hành 28.000 đồng và thu về 1.652 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay tại ngày hoàn tất thương vụ (22/2/2016) thì cổ phiếu HNG cũng chỉ ở mức 9.400 đồng/cổ phiếu (dù đã tăng trần) và hai doanh nghiệp nói trên lập tức “hớ” 1.100 đồng.
Giới quan sát lúc đó tỏ ra hiếu kỳ và đánh giá đây là thương vụ rất kỳ lạ. Kỳ lạ không chỉ vì hai tổ chức này đã chấp nhận mua cổ phiếu HNG với giá “trên trời” mà còn bởi cả hai doanh nghiệp đều cùng được thành lập vào tháng 3/2014 tại cùng địa chỉ L14-08B, lầu 14, tòa nhà 72 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TPHCM, cùng dùng chung số điện thoại và chung số fax.
Hai công ty này cũng đã góp 1.465 tỷ đồng để thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương dù bản thân chỉ có vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Trong đó, An Thịnh góp 774 tỷ đồng, nắm 52,83% vốn, còn Cường Thịnh góp 691 tỷ đồng, tương đương 47,17% vốn Cao su Đông Dương.
Trong phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu HNG đứng giá tham chiếu 16.800 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh thấp với hơn 803 nghìn đơn vị.
Theo Dân trí