Đại gia Hồ Huy tham vọng lớn, “ông vua ốm yếu” Mai Linh có trở lại?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa phát thông báo cho biết, cơ quan này đã nhận được báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu để hoán đổi của Công ty CP Tập đoàn Mai Linh. Theo đó, khối lượng phát hành để hoán đổi cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn Mai Linh, Công ty CP Mai Linh Miền Bắc, Công ty CP Mai Linh Miền Trung là gần 173 triệu đơn vị.
Cụ thể, Mai Linh đã phân phối 22,3 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông Công ty CP Mai Linh Miền Bắc; phân phối 12,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông Công ty CP Mai Linh Miền Trung; phân phối cho cổ đông hiện hữu của Công ty CP Tập đoàn Mai Linh hơn 138,2 triệu cổ phiếu.
Công ty sau hợp nhất vẫn lấy tên là Công ty CP Tập đoàn Mai Linh với vốn điều lệ gần 1.730 tỷ đồng (có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu). Ngày kết thúc hoán đổi cổ phiếu là 20/2.
Ông Hồ Huy từng khiến nhiều người sửng sốt khi trực tiếp làm xe ôm chở khách |
Sau khi hợp nhất, tổng số cổ đông của Mai Linh là 8.800 người, trong đó riêng Công ty TNHH MTV Đầu tư Hồ Huy đã nắm tới 43,67% vốn điều lệ và 5,58 cổ phần Mai Linh do ông Hồ Huy sở hữu trực tiếp. Cổ phần của nhà đầu tư ngoại chiếm gần 4% vốn.
Đối với số cổ phiếu lẻ không phân phối hết do làm tròn tỷ lệ là 7.526 cổ phiếu, Mai Linh quyết định chuyển thành cổ phiếu quỹ của công ty hợp nhất.
Trước đó, các công ty Mai Linh Miền Trung và Mai Linh Miền Bắc cũng đã huỷ đăng ký công ty đại chúng MNC, MLN từ 19/10/2018.
Như vậy, về cơ bản dự án hợp nhất “Một Mai Linh” của ông Hồ Huy đã hoàn thành. Hồi cuối năm 2017, ông Hồ Huy từng cho biết, sau khi công ty hợp nhất ra đời, Ban lãnh đạo sẽ tiến hành thực hiện đăng ký công ty đại chúng, đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường giao dịch tập trung phù hợp với quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Thậm chí, ông Huy còn tỏ rõ tham vọng “nếu niêm yết trong nước thì tiến hành bình thường theo quy định của pháp luật Việt Nam; còn ở nước ngoài thì sẽ xem xét tại Hồng Kông hoặc Singapore, xa hơn là New York, căn cứ tính hình thực tế sẽ tiến hành”.
Trên thị trường chứng khoán, đà tăng vẫn tiếp tục được giữ trong phiên chiều 4/3. Đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng mạnh 14,36 điểm tương ứng 1,47% lên 993,99 điểm còn HNX-Index tăng 1,27 điểm tương ứng 1,18% lên 108,53 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía các mã giảm. Tổng cộng có tới 429 mã tăng, 59 mã tăng trần, gấp đôi so với 210 mã giảm giá, 26 mã giảm sàn.
Dòng tiền đổ mạnh vào thị trường, thanh khoản đạt cao với 235,64 triệu cổ phiếu giao dịch trên HSX tương ứng 5.036,3 tỷ đồng và trên HNX là 45,2 triệu cổ phiếu tương ứng 619,99 tỷ đồng.
HAG của Hoàng Anh Gia Lai là cổ phiếu được giao dịch mạnh nhất trong phiên hôm qua. Khối lượng khớp lệnh tại mã này lên tới trên 13,5 triệu cổ phiếu. Đồng thời, HAG cũng tăng trần lên 6.040 đồng/cổ phiếu, ghi nhận biên độ tăng 6,9% trong phiên và tăng tới 20,8% trong vòng 1 tháng giao dịch vừa qua.
Nhóm cổ phiếu trụ tiếp tục đóng góp tích cực cho đà tăng của chỉ số. VHM đóng góp 2,24 điểm, VIC đóng góp 2,23 điểm và GAS đóng góp 1,75 điểm cho VN-Index.
Chiều ngược lại, YEG vẫn giữ nguyên tình trạng giảm sàn, POW, TCH, PPC giảm giá và phần nào kìm hãm đà tăng của thị trường song tác động từ những mã này không lớn.
Theo nhận xét của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong một vài phiên kế tiếp, thị trường dự kiến sẽ tiến đến thử thách lại vùng kháng cự 1.000-1.008 điểm. Đây vẫn được xem là một vùng kháng cự tâm lý mạnh đối với Vn-Index ở thời điểm hiện tại.
Do vậy, nhóm phân tích này lưu ý đến khả năng thị trường sẽ vấp phải áp lực rung lắc điều chỉnh khi tiếp cận vùng cản này. Sau 2 phiên hồi phục mạnh, đà tăng của thị trường có thể sẽ chậm lại, kèm theo đó là sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.
Theo Dân trí
-
Những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 11/2024
-
Cần hiểu đúng và đủ về áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Tin tức kinh tế ngày 30/10: Phấn đấu CPI năm 2024 không vượt quá 4%
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị sửa khoản 3 Điều 15 dự thảo về hoàn thuế giá trị gia tăng
-
Động lực nào khiến giá vàng tăng "phi mã"?