Đà Nẵng: Hiệu quả khai thác điện mặt trời mái nhà trên địa bàn quận Cẩm Lệ
Mới chừng vài tháng trước, gia đình anh Phạm Đức Tiến, trú tại đường Nguyễn Đăng Đạo, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ đã mạnh dạn bỏ ra 100 triệu đồng để đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà (ĐMTMN). Qua theo dõi sản lượng điện trong tháng 6 vừa qua, hệ thống ĐMTMN sản xuất được là 750 kWh, gia đình đã sử dụng là 326 kWh, sản lượng thừa còn lại bán cho Điện lực là 424 kWh. Như vậy, với sản lượng điện trong hệ thống năng lượng sạch mà gia đình anh Đức đầu tư đã giúp cho tiền điện nhà anh đã giảm hơn 01 triệu đồng và nhận thêm phần điện thừa bán cho Điện lực là 900 ngàn đồng nữa. Tổng hai khoản trên đã khiến gia đình anh giảm gần 02 triệu đồng và vừa giảm được chi phí giá điện bậc cao.
Hệ thống ĐMTMN tại số nhà 49 đường Nguyễn Đăng Đạo của hộ gia đình anh Phạm Đức Tiến |
Nếu năm 2017 trên địa bàn quận Cẩm Lệ chỉ có 02 khách hàng lắp đặt ĐMTMN có công suất 06 kWp với mục đích dùng thử thì đến tháng 7/2019, Điện lực đã đấu nối vào lưới điện hơn 133 công trình với tổng công suất lắp đặt trên 938kWp.
Có được kết quả như trên là nhờ ngành điện đã chủ động thông tin rộng rãi đến khách hàng theo chủ trương của Chính phủ về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Thời gian qua, Điện lực đã phối hợp với Công ty Cổ phần VSK Việt Nam và các đơn vị thi công ĐMTMN trên địa bàn tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến các chính sách của nhà nước. Đồng thời, Điện lực cũng tư vấn khách hàng chi tiết từ bước kiểm tra đấu nối, tiêu chuẩn kỹ thuật của thiết bị, hồ sơ đăng ký mua bán điện mặt trời áp mái nhà và khảo sát chuẩn bị vật tư, lắp đặt công tơ 2 chiều, chốt chỉ số ký kết hợp đồng mua bán điện trực tiếp với khách hàng.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, tại địa bàn Điện lực Cẩm Lệ, số lượng công trình cấp điện áp mái nhà tăng đột biến, tập trung chủ yếu tại khu vực phường Hòa Xuân và một phần của phường Khuê Trung và Hòa Thọ Tây. Các công trình ĐMTMN được lắp đặt trên mái nhà do khách hàng đầu tư phục vụ mục đích sinh hoạt gia đình có công suất phổ biến từ 3kWp đến 10kWp. Riêng khu vực phường Hòa Xuân là 49 công trình với công suất lắp đặt vận hành lên đến 356 kWp.
Đề cập đến lợi ích của việc đầu tư ĐMTMN tại gia đình mình, anh Phạm Đức Tiến phấn khởi chia sẻ: “Tôi đã bỏ ra 100 triệu để đầu tư mà mỗi tháng lợi được đến gần 2 triệu. Như vậy, chỉ khoảng 5 đến 7 năm hệ thống này có thể hoàn lại chi phí ban đầu đã bỏ ra. Sau thời gian đó thì mình khai thác thôi vì tuổi thọ của hệ thống ĐMTMN là 25 năm, cho nên việc đầu tư năng lượng điện từ hộ gia đình như tôi rất có lợi.”
Bên cạnh hộ gia đình, một số doanh nghiệp sau khi tìm hiểu lợi ích ĐMTMN đã đầu tư lắp đặt như Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ với công suất 189 kWp, Trung tâm Sản xuất thiết bị Đo điện tử Điện lực miền Trung là 25 kWp, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng 501 là 17,8kWp, Văn phòng tại Điện lực 25 kWp và một số đơn vị khác có công suất từ 10kWp trở lên… Hầu hết các phụ tải khách hàng này đều dùng nhiều vào ban ngày, lượng điện sản xuất ra vào ban ngày được khách hàng tiêu thụ hết, không có dư thừa phát lên lưới. Hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp là giảm chi phí tiền điện hàng tháng, tăng cường sử dụng năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường.
Về phía Điện lực Cẩm Lệ, sau khi khách hàng hoàn thành lắp đặt và có yêu cầu, đơn vị sẽ hỗ trợ lắp đặt miễn phí công tơ đo đếm 02 chiều cho khách hàng, đấu nối vào hệ thống điện nếu đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định trong thời gian ngắn nhất. Điện lực nhanh chóng ký kết hợp đồng mua bán điện theo giá quy định của Nhà nước và hàng tháng ghi nhận chỉ số điện năng tiêu thụ và chỉ số điện mặt trời phát lên lưới cho các khách hàng đã được lắp đặt điện kế 02 chiều, làm cơ sở để thanh toán tiền điện cho khách hàng.
Anh Ngô Văn Hòa - Trưởng phòng Kinh doanh Điện lực cho biết: "Tổng cộng đến thời điểm hiện nay Điện lực Cẩm Lệ đã chuyển khoản số tiền mua điện mặt trời mái nhà của khách hàng là 137 triệu đồng, với tổng công suất 64.210 kWp điện mặt trời mái nhà đang khai thác".
Như vậy, có thể nói việc sử dụng điện mặt trời không chỉ tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường mà còn được xem là giải pháp tiết kiệm điện năng hiệu quả đối với hộ gia đình cũng như doanh nghiệp. Từ hiệu quả bước đầu này, Điện lực xác định sẽ tiếp tục mở rộng tuyên truyền đến người dân về lợi ích ĐMTMN để từ đó ngày càng có nhiều khách hàng mạnh dạn đầu tư hệ thống năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Phan Công Nhơn (Tổng công ty Điện lực miền Trung)
-
Chính phủ sắp ban hành Nghị định về khuyến khích điện mặt trời mái nhà
-
Cần cơ chế, chính sách cho điện mặt trời mái nhà “tự sản, tự tiêu”
-
Được bán tối đa 20% công suất điện mặt trời mái nhà lên lưới điện?
-
Nới "room" cho điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu
-
Thí điểm mua điện mặt trời mái nhà 10%: Chuyên gia nói gì?
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Khu kinh tế Nghi Sơn và đường dây đấu nối, vượt tiến độ 4 ngày
-
Hoàn thành nâng công suất Trạm biến áp 500kV Sông Mây
-
Bài 1: Để Quy hoạch phát triển điện lực được thực thi
-
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn đến hết năm 2025