Cuộc đua không dễ dàng
Dân số đông, thu nhập tăng, xu hướng mua sắm thay đổi... là những ưu điểm nổi bật giúp thị trường bán lẻ tại TP HCM không ngừng phát triển. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tại TP HCM trong 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 291.390 tỉ đồng, tăng 11,28% so cùng kỳ năm trước, trong đó, các nhóm hàng đồ dùng gia đình, may mặc… có mức tăng cao.
Theo khảo sát của CBRE Việt Nam, vừa qua, nhiều thương hiệu nổi tiếng quốc tế trong ngành thời trang và mỹ phẩm đã xuất hiện tại thị trường bán lẻ TP HCM như: Old Navy, Innisfree, NARS. Thương hiệu H&M đang hoàn thiện cửa hàng thứ nhất tại TP HCM, dự định sẽ mở cửa vào tháng 8 năm nay.
Đối với phân khúc bán lẻ hàng tiêu dùng, các cửa hàng tiện lợi đang mọc lên như nấm sau mưa, ngoài hàng loạt những cửa hàng của các thương hiệu quen thuộc trước đây, TP HCM vừa chào đón chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng đầu thế giới 7-Eleven gia nhập thị trường.
Đông đảo người đến mua sắm ở cửa hàng 7-Eleven đầu tiên tại TP HCM |
Theo Sở Công Thương TP HCM, hệ thống cơ sở hạ tầng bán lẻ tại TP HCM đang phát triển song hành giữa mô hình truyền thống và hiện đại.
Đối với bán lẻ truyền thống, thành phố có 240 chợ với quy mô khác nhau. Mạng lưới chợ đang trong quá trình được sắp xếp, phân bố phù hợp thực tế, đáp ứng nhu cầu của người dân từng khu vực.
Vài năm trở lại đây, kênh bán lẻ hiện đại phát triển khá nhanh. Hiện thành phố có 201 siêu thị, 42 trung tâm thương mại, hơn 900 cửa hàng tiện lợi của hơn 20 chuỗi do doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sở hữu như: Co.opFood, SatraFoods, Vissan, Foodcomart, Shop&Go, Circle K, Family mart… Dự báo, kênh bán lẻ hiện đại sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian tới.
Tầng trệt Khách sạn Continental cho thuê kinh doanh bán lẻ |
Trước sự phát triển mạnh của bán lẻ hiện đại, nguồn cung mặt bằng bán lẻ liên tục được bổ sung thêm bằng các trung tâm thương mại tập trung và khu vực các tầng dưới ở những tòa nhà chung cư. Trong quý II/2017, những dự án bán lẻ mới đã xuất hiện ở khu vực ngoài trung tâm thành phố, chủ yếu sử dụng những tầng dưới của chung cư làm mặt bằng bán lẻ.
Các công ty nghiên cứu thị trường bất động sản nhận định, trong khoảng 2 năm tới, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại các khu vực ngoài trung tâm thành phố có thể tăng đến 85%. Trong đó, đặc biệt là mặt bằng bán lẻ từ khối đế các dự án căn hộ chung cư.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều trung tâm thương mại đang trong tình trạng khá ế ẩm, tình hình kinh doanh không mấy khả quan. Đơn cử trong quý II/2017, nhiều khối đế chung cư đã khai trương nhưng vẫn trống một lượng lớn 35-70% diện tích và mặt bằng này khó có thể lấp đầy khi sức mua của khu vực vẫn còn hạn chế, phân khúc hàng hóa cao cấp có tốc độ phát triển chậm. Ngay cả các trung tâm thương mại trong trung tâm quận 1 diện tích trống cũng tăng lên.
Từ nay đến cuối năm 2017, TP HCM sẽ có thêm khoảng 103.000m2 diện tích sàn bán lẻ. Được chờ đợi nhất là Garden Mall, quận 5 (tên gọi cũ là Thuận Kiều Plaza) với diện tích sàn gần 25.000m2 và Pearl Center (30.000m2) tại quận Bình Thạnh. |
Tại khu ngoài trung tâm, việc khai trương của các khối đế thương mại khu dân cư không đạt được tỷ lệ lấp đầy do sức cầu còn yếu, làm tăng tỷ lệ trống. Còn tại khu trung tâm, tỷ lệ trống ở các trung tâm thương mại đã tăng thêm 4,8% trong quý II/2017, đạt tỷ lệ 16,8%. Ngoại trừ các khu vực ăn uống, lượng khách đến mua sắm ở các trung tâm thương mại đang rất thưa thớt, bởi giá cả hàng hóa bày bán tại những khu vực này được đánh giá là quá cao so với thu nhập của đại đa số người tiêu dùng.
Do đó, hiện nay mặt bằng trung tâm thương mại khu vực ngoại thành đang hướng đến phân khúc bình dân để khắc phục tình trạng vắng khách. Bên cạnh đó, nhiều trung tâm thương mại cũng lên kế hoạch sửa sang, sắp xếp lại mặt bằng nhằm thu hút khách thuê mới, cơ cấu khách thuê, xây dựng lại chiến lược quảng bá gia tăng lượng khách đến tham quan, mua sắm.
Trước tình hình nguồn cung mặt bằng bán lẻ đang tăng mạnh, các công ty nghiên cứu và phát triển thị trường bất động sản khuyến nghị, chủ đầu tư mặt bằng bán lẻ cần đặc biệt chú ý đến cách sắp xếp mặt bằng, cơ cấu lại giá thuê. Đặc biệt, đối với mặt bằng là khối đế chung cư, cần chú ý đến việc tìm hiểu nhu cầu thị trường để xác định quy mô cho phù hợp, nhằm đạt hiệu quả tốt trong đầu tư.
Theo dữ liệu thị trường của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, giá thuê mặt bằng bán lẻ có vị trí đắc địa bậc nhất khu trung tâm TP HCM tới 120-130 USD/m2/tháng, cao gấp 3 lần so với giá thuê bình quân mặt bằng bán lẻ toàn thị trường (46,3 USD/m2/tháng). Còn theo Colliers International, hiện giá thuê mặt bằng bán lẻ ở một số tầng trệt khách sạn Caravelle, New World, Continental Sài Gòn... trên dưới 100 USD/m2/tháng. Đại diện Colliers International nhận định nguồn cung lớn với hơn 600.000m2 sàn từ 19 dự án dự kiến sẽ gia nhập thị trường TP HCM từ nay cho đến cuối năm 2018. Diện tích chào thuê bán lẻ phục vụ nhu cầu mua sắm của cư dân trong khu phức hợp ngày càng gia tăng. |
Thanh Hồ
-
Tin tức kinh tế ngày 20/10: Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng cao kỷ lục
-
Giá dầu hôm nay (19/10): Dầu thô quay đầu giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/10: Hơn 140 vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh