Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Cuộc chiến trên biển hơn 50 năm trước

07:07 | 22/12/2019

614 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi Mỹ phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc, những chuyến hàng ra Cồn Cỏ đối mặt nhiều hiểm nguy, thuyền viên làm lễ truy điệu sống trước lúc rời bến.

Cựu binh Nguyễn Thanh Long, 74 tuổi, kể lại trước mỗi chuyến hàng, chính trị viên Đại đội 22 gặp mặt toàn bộ thuyền viên, phổ biến tình hình trên đảo Cồn Cỏ và địch. Lễ truy điệu sống thuyền viên diễn ra trong năm phút. "Xác định đi là bị địch vây ráp, bắt bớ, giết hại, nhưng chúng tôi quyết hoàn thành nhiệm vụ. Niềm vui đón nhận vũ khí, lương thực và cả thư từ của độ bội trên đảo Cồn Cỏ đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi", ông Long nói.

Để cắt tuyến đường chi viện từ đất liền Quảng Trị cho bộ đội trên đảo Cồn Cỏ, Mỹ triển khai đội tàu đậu ở cảng Cửa Việt và vùng phía nam cách đảo khoảng 15-20 km. Bên đêm, chúng thả pháo sáng rực thấy rõ cả những con cá chuồn nhỏ bằng ngón tay. Khi phát hiện thuyền tiếp tế, tàu thép Mỹ tìm cách chia cắt đội hình để bắn chìm hoặc bắt sống thuyền viên.

Cựu dân quân Lê Văn Liệu, 74 tuổi, kể nguy hiểm nhất là khi thuyền tiếp tế nằm giữa đảo và đất liền, tầm bắn của pháo ở đảo và ở đất liền không với tới, không thể chi viện. Trong khi đó địch nhả đạn liên tục, cột nước dội lên cao, rồi đập mạnh làm thuyền chao đảo. Thuyền trưởng phải nằm rạp mình xuống thuyền, kẹp tay lái giữa hai chân rồi cho thuyền lao tới đảo.

Trong các loại pháo, thuyền viên ngại nhất là pháo chơm, nổ ở trên không rồi rơi mảnh xuống thuyền. Ở giữa biển, không chiến hào công sự để nấp, thuyền viên chỉ biết phơi mình chịu trận, có người dùng bình xăng bằng sắt đội lên đầu tránh pháo. Ông Liệu chứng kiến một dân quân trong thuyền của ông bị pháo phạt ngang người, nhiều thuyền bị bắn chìm.

Cuộc chiến trên biển hơn 50 năm trước
Dân quân chuyển hàng ra thuyền để đưa đảo Cồn Cỏ. Ảnh tư liệu

Nhiều chuyến ra biển, thuyền nằm gọn trong vòng vây của tàu địch. Pháo cỡ lớn và đạn 20 ly bắn xối xả, dân quân Phạm Văn Sóa (nay 83 tuổi) phải yêu cầu các thuyền viên nhảy xuống biển, bám mạn thuyền tránh đạn, sẵn sàng đánh trả nếu tàu địch đến gần. Chuyến biển đêm 5/4/1966, thuyền ông Sóa trúng đạn, nước ngập mạn thuyền, 3 chiến sĩ hy sinh. Ông Sóa phải rời thuyền, dìu một thương binh bơi trên biển 10 km, đến rạng sáng mới vào đến đảo Cồn Cỏ.

Trong chuyến chở hàng ra đảo Cồn Cỏ đêm 26/6/1966, đoàn thuyền 4 chiếc của Đại đội 22 bị địch vây ráp. Một chiếc bị bắn chìm, 3 chiến sĩ hy sinh. Tàu địch áp sát 3 chiếc thuyền, kêu gọi đầu hàng. Dân quân Hồ Văn Triêm (nay 84 tuổi) cầm hai quả lựu đạn mở chốt để chống bắt sống. Sau đó, thuyền ông Triêm vượt được vòng vây, quay trở lại cứu được hai thương binh rồi cập đảo Cồn Cỏ.

Tháng 6/1965, nhiều chuyến thuyền vượt biển với hàng hoá, đạn dược nhưng bị tàu Mỹ chặn lại, phải quay về. Bộ đội Cồn Cỏ sử dụng đến viên đạn, hạt gạo cuối cùng. Những bức điện dồn dập từ đảo nhỏ khiến Đại đội 22 "cháy ruột gan". Thuyền trưởng Lê Thanh Dư đề xuất thay vì xuất bến lúc 18h như lâu nay, đội thuyền sẽ vượt biển giữa ban ngày. Ông Dư xin đi chuyến đầu tiên, thuyền xuất phát lúc 15h để khi trời tối thì được nửa chặng đường, sau đó kéo buồm tăng tốc.

Khi địch phát hiện, đoàn thuyền đã nằm trong tầm yểm trợ của pháo Cồn Cỏ. Nhờ phương án này, nhiều chuyến hàng đến với đảo Cồn Cỏ. Vũ khí, lương thực, thuốc men lại kịp thời tiếp tế cho đảo.

Cuộc chiến trên biển hơn 50 năm trước
Cựu binh Hồ Văn Triêm bên chiếc khay do bộ đội Cồn Cỏ tặng từ thời chiến tranh. Ảnh: Hoàng Táo

Trong chuyến vượt biển đêm 8/10/1966, thuyền của dân quân Lê Văn Ban nhận tin có tàu địch nên "chuẩn bị chiến đấu". Pháo sáng bắn lên, địch cho tàu tăng tốc, khoảng cách giữa thuyền của ông và tàu địch rút ngắn. 29 lần ra biển, nhiều lần chạm tàu địch, nhưng ít lần ông Ban thấy tình thế hiểm nghèo đến vậy. Hai tàu địch lao tới, kẹp thuyền ông vào giữa với ý đồ bắt gọn cả thuyền lẫn hàng.

Lợi dụng pháo sáng vụt tắt, ông Ban căng buồm cho thuyền lao sát tàu địch, vô hiệu hóa vũ khí của địch. Pháo sáng lại vụt lên, khoảng cách giữa hai bên chỉ 30-40 m, ông Ban hạ lệnh bắn. Tàu địch trúng một quả B40 và hàng loạt đạn trung liên nên lùi lại. Từ phía xa, đạn đại bác, pháo cối yểm trợ của địch rải như mưa, bay sàn sạt quanh thuyền, bắn xuống biển dựng lên những cột nước lớn.

Các trận đấu trên biển thường kéo dài khoảng hai tiếng, khi thuyền của Đại đội 22 nằm trong tầm chi viện của pháo binh ở đảo Cồn Cỏ thì tàu địch rút lui. Thuyền cập bến, bộ đội nhanh chóng bốc hàng rồi tuỳ tình hình mà thuyền quay vào bờ hay ở lại trú tránh. Nếu ở lại, bộ đội và các thuyền viên phải kéo thuyền lên đảo, nguỵ trang để tránh bị máy bay, tàu địch bắn phá.

Đến năm 1968, Đại đội 22 mới được trang bị cơ giới, thuyền chạy bằng máy. Ông Phan Văn Váng cùng 5 người khác được cử đi học lái máy thuyền trong 4 tháng. Đơn vị được cấp 6 máy Hải Âu, công suất 16CV mỗi máy. Mỗi thuyền được lắp hai máy, giúp rút ngắn thời gian ra đảo Cồn Cỏ còn 1h45 đến 2h30 mỗi chuyến. Thuyền máy tốc độ tốt, chạy khỏe, vượt biển chủ động hơn nhưng nhiều trận chiến đấu diễn ra vẫn không kém khốc liệt.

"Một cân hàng ra đảo quý hơn một cân vàng, bởi nó được đổi bằng máu. Thuyền viên thời đó đã đặt sự mất còn của hàng hóa, đạn dược, nước uống... lên trên cả sự an nguy của bản thân", ông Váng nói.

Năm 1965, Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, chiến sự trên đảo Cồn Cỏ và vùng biển xung quanh trở nên khốc liệt. Tàu địch vây ráp, bộ đội thiếu thốn vũ khí, thuốc men, lương thực... Tháng 5/1965, Đại đội 22 tiếp tế cho Cồn Cỏ được thành lập, đóng quân tại xóm Xuân, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh, gồm 40 chiến sĩ nòng cốt, 80 dân quân bốn xã ven biển là Vĩnh Quang (nay là thị trấn Cửa Tùng), Vĩnh Giang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái.

Kết thúc chiến tranh, Đại đội 22 và dân quân bốn xã của huyện Vĩnh Linh đã chuyển gần 7.000 tấn vũ khí, lương thực ra đảo Cồn Cỏ. 76 chiến sĩ, dân quân hy sinh và mất tích trên vùng biển Quảng Trị. Năm 1976, Đại đội tổ chức thành một đội thuyền vận chuyển hàng hóa ra Cồn Cỏ, do Tỉnh đội Quảng Trị quản lý. Đại đội 22, Trung đoàn 270 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 24/4/2013.

Theo VNE