Cử tri đánh giá nhân sự được bầu vào Trung ương là người tiêu biểu
Báo cáo kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp 11 của Quốc hội là một nội dung được UB Thường vụ Quốc hội xem xét trong khuôn khổ phiên họp thứ 54, diễn ra chiều 15/3/2021.
Các ý kiến tham gia thảo luận đều đánh giá khóa XIV là một nhiệm kỳ rất thành công của Quốc hội. |
5 kiến nghị lớn của cử tri
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UB Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, từ sau kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch cơ quan này phối hợp với UB Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.278 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước.
Ông Hầu A Lềnh nhấn mạnh, cử tri và nhân dân phấn khởi trước sự thành công tốt đẹp của Đại hội XIII của Đảng. Đại hội là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng, dân tộc, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng, xác định tầm nhìn phù hợp đối với công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước.
Công tác chuẩn bị văn kiện cho Đại hội XIII của Đảng được thực hiện kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của nhân dân. Nhân sự bầu vào Trung ương là những người tiêu biểu của trí tuệ, bản lĩnh, khát vọng phát triển của dân tộc ta. Tới đây, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm đến cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Cử tri và nhân dân mong muốn các cơ quan có thẩm quyền giám sát chặt chẽ cuộc bầu cử; tạo điều kiện để nhân dân được thực hiện đầy đủ quyền công dân, đảm bảo cuộc bầu cử được tiến hành đúng pháp luật, dân chủ, bình đẳng và thành công tốt đẹp.
Phó Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh báo cáo việc tổng hợp ý kiến cử tri gửi tới Quốc hội. |
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị 5 vấn đề lớn.
Cụ thể, đó là việc đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Khắc phục một số tồn tại trong giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội; quản lý đất đai và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hoàn thiện thể chế về quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên và thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng nằm trong số những nội dung được cử tri và nhân dân cả nước đặt niềm tin vào cơ quan quyền lực tối cao.
95% kiến nghị cử tri được giải quyết
Tại phiên họp, báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri do Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày nêu thông tin, thông qua 1.050 cuộc tiếp xúc cử tri của các ĐBQH, đã có 1.904 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 1.810 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 95%.
Nhận định chung, ông Dương Thanh Bình cho biết, các Bộ, ngành đã giải quyết, trả lời với trách nhiệm cao một khối lượng lớn kiến nghị của cử tri. Một số Bộ, ngành trả lời đầy đủ, đúng thời hạn với số lượng lớn kiến nghị, được nhiều Đoàn ĐBQH đánh giá cao như: Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp... Đáng lưu ý, một số vấn đề liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội đã được các Bộ, ngành tiếp thu, xem xét, giải quyết kịp thời.
Trưởng ban Dân nguyện Phan Thanh Bình nêu con cố 95% kiến nghị của cử tri được trả lời, giải quyết. |
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định mới về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế thống nhất thí điểm sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (không cần thẻ bảo hiểm y tế bằng giấy) cho người dân tại 10 tỉnh, thành phố ở miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề của đợt bão lũ thời gian vừa qua.
Một số vấn đề cử tri đã kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước, cũng đã được tiếp thu xem xét, giải quyết tại kỳ họp này.
Ở khối các cơ quan tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã xem xét, trả lời 30/30 kiến nghị. Trong đó, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thông tin đến cử tri về việc Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành một số văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến nợ xấu...
Thẳng thắn nêu rõ một số hạn chế trong công tác này, Trưởng ban Dương Thanh Bình cho biết, hiện vẫn còn 94 kiến nghị (chiếm 5%) gửi đến kỳ họp thứ 10 chưa được trả lời. Một số ít văn bản trả lời chung chung, không nêu rõ kết quả.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số quy định của pháp luật chưa thống nhất; có quy định còn chưa phù hợp với thực tế; đơn cử là quy định về việc sử dụng điện thoại di động trong lớp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đặc biệt, vẫn còn tình trạng có sự không thống nhất về quan điểm giữa Bộ, ngành trong việc thực hiện quy định của pháp luật.
Điển hình là việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ. Trong khi Bộ Tư pháp cho rằng hành vi nói trên, dù với số lượng nào, cũng đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì Tòa án nhân dân tối cao lại cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng cần tham khảo hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 01 năm 1995 quy định cụ thể về số lượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đáng nói hơn, Thông tư liên ngành số 01 đã… hết hiệu lực thi hành.
Theo Dân trí
-
Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
-
Cân nhắc việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia
-
Khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo
-
Cần chính sách rõ ràng cho năng lượng gió ngoài khơi
-
Cấp bách hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành điện
-
Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
-
Cân nhắc việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia
-
Bộ Trưởng Bộ Công Thương: Điện phải đi trước một bước
-
Khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo
-
Cần chính sách rõ ràng cho năng lượng gió ngoài khơi