Công ty nước sạch sông Đà xin lỗi khách hàng
Trong thông cáo phát đi sáng 25/10, công ty Viwasupco thừa nhận "chưa có kịch bản ứng phó phù hợp với tình huống khẩn cấp do con người cố tình gây ra", dẫn đến lúng túng trong xử lý ban đầu, gây ra những đảo lộn trong sinh hoạt bình thường của người dân.
"Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà chúng tôi mong muốn thông qua các cơ quan thông tin báo chí gửi đến người dân, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố, lời xin lỗi và cầu mong được lượng thứ", thông cáo nêu đồng thời "xin được cung cấp nước miễn phí trong kỳ xảy ra sự cố (tương đương một tháng tiền nước)".
Dầu thải được nhà máy thuê người dân vớt trên dòng suối chảy vào hồ cấp nước cho nhà máy nước sạch sông Đà. Ảnh người dân cung cấp. |
Đây là lần đầu tiên Viwasupco lên tiếng xin lỗi khách hàng dù trước đó đã có nhiều lần được đề nghị làm việc này. Điển hình, trong các cuộc họp báo của TP Hà Nội (ngày 15/10) và của tỉnh Hoà Bình (ngày 17/10), lãnh đạo Viwasupco đều từ chối đưa ra lời xin lỗi với các lý do "chờ kết luận của cơ quan điều tra" hay "Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất".
Thống kê của thành phố, có 250.000 hộ dân (khoảng 18% tổng số hộ) bị ảnh hưởng bởi sự cố ô nhiễm dầu thải từ nguồn nước sạch sông Đà từ ngày 10/10 đến 22/10 (thời điểm Hà Nội thông báo nước đã an toàn). Trong thời gian này, thành phố liên tục khuyến cáo người dân "không nên ăn uống bằng nước sạch từ máy sông Đà".
Đến nay, mặc dù được thông báo là "nước sạch sông Đà đã an toàn" nhưng nhiều hộ dân ở Hà Nội vẫn tỏ ra chưa tin tưởng và tiếp tục mua nước đóng chai, nước bình để ăn, uống.
Hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi hắc như dầu cháy xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều quận như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... Ngày 14/10, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội về việc xe tải chở dầu nhớt thải đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình). Sau đó, dầu lan vào kênh dẫn của Nhà máy nước sạch sông Đà. Một số cán bộ công ty phát hiện dầu thải sáng 9/10, nhưng không báo cơ quan chức năng; không ngăn chặn ô nhiễm. Ngày 15/10, Hà Nội thông báo nước bị nhiễm độc, "chỉ nên dùng để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống". Ngày 22/10, Hà Nội công bố "nước sông Đà có thể ăn uống". |
Theo VnExpress
-
Đột phá mở đường, huy động những nguồn lực mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Nguồn lực cho chiến lược tăng trưởng xanh chưa rõ ràng
-
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đáp ứng kỳ vọng cử tri, mong mỏi của mỗi gia đình
-
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
-
Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp