Công nghiệp Việt Nam cần nắm bắt thời cơ
Tăng trưởng thấp
Báo cáo quý I/2013 của Bộ Công thương cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,9%, đây là mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ của những năm gần đây (cùng kỳ năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011 tăng 5,9%). Một số ngành công nghiệp như sản xuất - cung cấp nước sạch, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có mức tăng chỉ số sản xuất cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Các ngành sản xuất và phân phối điện, ngành khai khoáng và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng chỉ số sản xuất thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ.
Da giày - Dệt may có mức độ tăng trưởng khả quan.
Các nhóm hàng công nghiệp về tiêu dùng, chế biến có chỉ số sản xuất giảm như thực phẩm, thuốc lá, sản phẩm điện tử, thiết bị điện, xe có động cơ, bàn, ghế giường tủ, sản xuất thuốc, hoá dược... Những nhóm hàng này vốn là hàng tiêu dùng có tính thời vụ cao, bởi vậy, qua dịp Tết Nguyên Đán nên sản xuất giảm theo đúng quy luật cung cầu của thị trường.
Đặc biệt các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép sản xuất tương đối thuận lợi trong 3 tháng đầu năm. Thị trường xuất khẩu cũng đang dần hồi phục và có mức tăng trưởng hơn năm trước, đơn hàng sản xuất ổn định đến hết quý II, thậm chí quý III/2013. Tại phần lớn doanh nghiệp dệt may – da giày nhu cầu đơn hàng của khách hàng vẫn rất cao, các doanh nghiệp vẫn đang đàm phán để có các đơn hàng lớn, thu lợi nhuận ổn định.
Trong khi đó thị trường nội địa tiêu thụ chậm nên sản xuất vải các loại giảm nhẹ. Đây không chỉ là khó khăn của ngành dệt may mà còn là khó khăn của các ngành giấy, cơ khí, vật liệu xây dựng và sản xuất hàng tiêu dùng khác.
Sản xuất nông phẩm cần nắm bắt thời cơ đàm phán các hợp đồng xuất khẩu đến cuối năm.
Xét trên bình diện chung nền kinh tế nước ta, do mức tiêu thụ giảm nên lượng tồn kho của nhiều sản phẩm vẫn còn cao so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm 01 tháng 3 năm 2013, lượng tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,5% so với cùng thời điểm năm trước nhưng thấp hơn so với mức 19,9% tại thời điểm 01 tháng 2 năm 2013. Trong đó, một số chuyên ngành chỉ số tồn kho cao là: sản xuất dây, cáp điện tăng 62%, cấu kiện kim loại tăng 35,6%, xe có động cơ tăng 37,3%, bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao tăng 28%, hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 27,4%...
Triển vọng và giải pháp
Căn cứ vào số liệu thống kê lượng nguyên vật liệu nhập khẩu của các doanh nghiệp chủ lực cũng như nhu cầu của thị trường khi bước vào mùa hè và tác động của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước, Cục xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương nhận định: Tình hình sản xuất công nghiệp trong những tháng tới sẽ khả quan hơn. Căn cứ trên động thái của các doanh nghiệp chủ lực như nhập nguyên vật liệu, nhu cầu của thị trường khi bước vào mùa hè và tác động của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước.
Bắt đầu từ tháng 2, các doanh nghiệp trong nước gia tăng nhập khẩu một lượng lớn nguyên vật liệu, đáng kể là các ngành hàng sản xuất tiêu dùng như nước giải khát, dược phẩm, thuốc lá… Để đón mùa tiêu thụ mùa hè, nhiều sản phẩm như: sản xuất điện, sản xuất hàng thiết bị điện, điện lạnh, sản xuất đồ uống... mức tiêu thụ tăng dẫn đến các ngành sản xuất tương ứng sẽ tăng cao sản lưởng.
Các doanh nghiệp chủ lực xuất khẩu nhóm hàng dệt may, da giầy, linh kiện điện tử đã có đơn hàng ổn định, nhu cầu khách hàng vẫn tăng… Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của nhà nước như hỗ trợ vốn, ổn định tài chính, xúc tiến đầu tư, thương mại… bắt đầu có tác dụng sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của thị trường các mặt hàng vật liệu xây dựng, sắt thép, xi măng, đá, cát sỏi...
Để tận dụng thời cơ, Bộ Công thương đưa khuyến nghị: Các Bộ - Ban - Ngành, doanh nghiệp cần nắm bắt thời điểm, chủ động đưa ra các giải pháp thực tế như rà soát, hoàn thiện quy hoạch các ngành, lĩnh vực, tập trung giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm chậm tiến độ và các dự án có khả năng hoàn thành trong năm.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần tích cực phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các nhà sản xuất điện khác nhằm huy động tối đa công suất các nhà máy điện để phục vụ nhu cầu tiêu thu điện của nền kinh tế.
Các doanh nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh hoạt động cải tiến công nghệ, tăng cường quản lý, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu (đối với hoạt động sản xuất) và các máy móc thiết bị (đối với các dự án đầu tư) đã sản xuất được trong nước. Doanh nghiệp cần chủ động theo dõi sát tình hình sản xuất kinh doanh của ngành, phối hợp tốt với các Hiệp hội trong việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, giảm lượng tồn kho, tiếp cận các gói hỗ trợ, tín dụng của Chính Phủ...
Nhìn chung, công nghiệp Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển cần doanh nghiệp áp dụng khả năng linh động, nắm bắt thời cơ thay đổi kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với thị trường trong nước và quốc tế.
Thành Công
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 23/10: Giá dầu thế giới diễn biến trái chiều
-
Các chuyên gia nói gì về nhu cầu dầu từ nay đến năm 2035?
-
Yếu tố nào đang đè nặng lên thị trường dầu mỏ?
-
VPI dự báo giá xăng dầu giảm từ 1,2 - 3,1% trong kỳ điều hành ngày 24/10
-
Qatar phải cạnh tranh với các nhà cung cấp LNG linh hoạt