Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Cơn lốc vàng rừng Bồng Miêu

09:30 | 20/04/2011

873 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỗi ngày có hàng trăm người dân đổ xô về đây khai thác quặng vàng trái phép. Vùng núi Bồng Miêu này ngổn ngang như bãi chiến trường thời chiến tranh. Nơi đây “vàng tặc” hoạt động cả ngày lẫn đêm, bất chấp hiểm nguy rình rập. Đã có nhiều cái chết trắng thảm khốc nhưng vẫn chưa đủ thức tỉnh những tâm hồn mê muội vì vàng.

"Vàng tặc" tàn phá rừng Bồng Miêu

Đổ xô lên núi khai thác quặng vàng

Hơn 4 tiếng đồng hồ leo núi với hàng chục kilômét quanh co hiểm trở, chúng tôi tới được “đại bản doanh” của những người khai thác quặng vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu (thuộc thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Có hàng chục lán trại được “vàng tặc” dựng lên nằm cheo leo vách núi, ẩn nấp sau những lùm cây. Khi thấy bóng dáng của chúng tôi, rất nhiều “vàng tặc” đua nhau chạy trốn, ẩn nấp. “Vàng tặc hoạt động như ma, hễ thấy lực lượng chức năng truy quét là chúng nấp vào hầm và các vách núi ẩn náu, chờ khi nào lực lượng chức năng đi thì chúng lại ra khai thác trộm. Đã có nhiều người chết ở đây nhưng vẫn chưa đủ thức tỉnh cho những kẻ mê muội vì vàng…”, một cán bộ trong đoàn truy quét cho biết.

Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh cho biết: “Hiện có rất nhiều các bãi vàng đang nóng, “vàng tặc” gây mất ANTT trên địa bàn xã Tam Lãnh như bãi Thác Trắng, bãi AD1, AD2, ngách Chụm, AM… làm mất ANTT, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do hóa chất để tuyển vàng thải trực tiếp ra sông, suối… đã và đang là thực trạng nóng trên địa bàn hiện nay”.

Máy móc chế biến quặng vàng được người dân lén lút giấu trong những hầm sau hun hút

Theo thống kê của UBND xã Tam Lãnh, hiện toàn xã có 5.150 hộ, 7.000 nhân khẩu, đa phần những hộ này đều thuần nông, chuyên nghề canh tác và trồng rừng. Nhưng do “sức hút” của vàng nên hiện tại đã mất hơn 1/3 hộ cuốn theo “cơn lốc vàng”. Hầu như gia đình nào, nhà nào cũng có người làm phu vàng, không từ cả phụ nữ, người già, thậm chí trẻ em cũng bỏ học theo gia đình trốn lên núi làm phu vàng (chiếm trên 30% ).

Theo tính toán, mỗi ngày một phu vàng làm việc tích cực được chủ vàng trả cho số tiền từ 200 – 400 ngàn đồng. Chính vì thế, lượng người đổ xô về khu vực này ngày càng đông. Nếu như cách đây vài năm thì chỉ có vài chục người khai thác thì hiện nay con số đó lên hàng nghìn người. Đó mới là số lượng thống kê được của xã Tam Lãnh đối với những phu vàng là người dân địa phương. Còn theo thống kê chưa đầy đủ của chính quyền địa phương thì hiện có đến hàng trăm phu vàng tứ xứ, từ các xã, tỉnh lân cận có, từ các tỉnh phía Bắc vào có… chui rúc trong các hang, hầm vàng, ngõ, ngách tự đào dài hàng chục kilômét trong lòng núi để khai thác vàng trái phép. Mặc dù chính quyền địa phương đã liên tục kêu gọi, tuyên truyền, cảm hóa giáo dục, thậm chí cả hỗ trợ vốn sản xuất, tạo công ăn việc làm cho các phu vàng, nhưng đều như “nước đổ lá khoai”, đành bất lực trước sự ồ ạt, manh động, liều lĩnh của “vàng tặc”.

Những cái chết trắng…

Trong trí nhớ của ông Bùi Quang Minh thì đã có rất nhiều cái chết trắng theo những “cơn lốc vàng” tại Bồng Miêu. Trong đó, cái chết nào cũng thảm khốc, đau thương. Có những người chết do sập hầm sau khi được tìm thấy thì không thể nhận ra hình dáng nữa vì đất đá đè nát. Theo ông Minh, năm 2008 nơi đây xảy ra vụ sạt lở núi, sập hầm đào vàng tự tạo làm chết 6 người. Những tưởng cái chết của 6 người đó làm thức tỉnh những kẻ mê muội vàng, nhưng bẵng đi một thời gian thì “làn sóng vàng” lại trào dâng lên núi Bồng Miêu. Năm 2010 cũng có một người chết ở khu vực này. Từ đầu năm 2011 đến nay cũng đã xảy ra 1 vụ sập hầm khai thác vàng trái phép làm 1 người chết và 1 người bị thương nặng.

Ông Minh kể: Cái chết vì vàng gần đây nhất là vào ngày 14-3-2011. Vào khoảng 9 giờ, tại ngách AM của một hầm vàng do người Pháp khai thác trước đây bỏ lại ở thôn Bồng Miêu một, nhóm người đã đem dụng cụ đào vàng kéo lên hầm này đào vàng. Sau khi vận chuyển được một khối lượng đất, đá có quặng vàng đào được đưa xuống núi xay đãi lấy vàng. Nhóm người này tiếp tục kéo lên ngách AM đào tiếp. Tuy nhiên, vừa đào được khoảng 20 phút thì bất ngờ đất đá sập xuống. Hầm bị bịt kín, chôn vùi 1 người chết tại chỗ và 1 người bị thương nặng… Cả ngày hôm đó, những phu vàng “sởn gai ốc”, không dám khai thác quặng. Nhưng chỉ sau một, hai ngày, sức hút vàng lại khiến những người này tiếp tục bán mình trên những vách núi, những hầm sâu hun hút để đào vàng.

 

Công an Quảng Nam đang kiểm tra hiện trường vụ sập hầm vừa qua

Trên đường truy tìm “vàng tặc”, chúng tôi bắt gặp ông Trần Văn Hiển, quê Quảng Nam và anh Bùi Chương, quê Thanh Hóa. Cả hai đang ngồi thẫn thờ sau cái chết của một người do mới bị sập hầm. Ông Hiển tâm sự, ông và những người vào đây được chủ khai thác (giấu tên) thuê khai thác quặng, 1 tháng trả 3 triệu đồng. “Vì miếng cơm manh áo nên đành phải liều mạng vào khai thác, ở nhà không biết làm gì để nôi gia đình. Hôm trước xảy ra vụ sập hầm có người chết chúng tôi cũng sợ lắm. Nhưng cứ nghĩ đến mấy đứa con ở nhà không có tiền ăn học đành phải làm liều”, ông Hiển nói. Tuy nhiên, theo một cán bộ trong đoàn truy quét thì những người lên núi đều có chung một lý do là: không biết làm gì nên phải đi đào vàng. Mặc dù ở quê nhà họ vẫn kiếm được tiền như trồng cây giống, nuôi cá, heo… Cơn lốc vàng cuốn theo những suy nghĩ mê muội của nhiều người; đồng thời nó cũng gieo nhiều cái chết thảm khốc. Những hầm vàng trái phép sâu hun hút hàng cây số. Nhiều lán trại cheo leo vách núi hiểm nguy khi trời mưa gió. Hàng chục cuộc ẩu đả gành giật quặng vàng… Tất cả như một bức tranh nham nhở trên vùng núi Bồng Miêu này.

Ông Hiển thẫn thờ và bàng hoàng trước vụ sập hầm vừa qua

Tàn phá rừng, ô nhiễm nguồn nước

Trên chặng đường quanh co hiểm trở ở núi Bồng Miêu, chúng tôi chứng kiến cảnh những cây gỗ quý đang thuộc lứa tuổi “trung niên” bị chặt phá, cưa bỏ. Hàng trăm đốn gỗ bị các phu vàng đốn hạ nằm ngổn ngang. Những vết cưa xẻ còn mới toanh. Lượng gỗ này các phu vàng dùng làm lán trại và nếu “miếng” nào ngon thì chúng lại tẩu tán về xuôi bằng xe máy.

Anh Võ Hoàng Anh – Trưởng ban An ninh mỏ vàng Bồng Miêu tâm sự trong lo lắng: “Khu vực này trước đây là một khu rừng nguyên sinh nhưng từ khi hàng nghìn người dân tứ xứ đổ về đây ngang nhiên khai thác quặng vàng làm cho rừng bị tàn phá, ô nhiễm môi trường. Đất đai bị cày xới nham nhở, hàng trăm hầm hố sâu như những cái bẫy chết người với hàng ngàn tấn quặng chất ngổn ngang. Đã có trên 4ha rừng nguyên sinh và rừng trồng bị tàn phá. Đây là khu vực Công ty Bồng Miêu được cấp phép thăm dò trữ lượng vàng nhưng là địa phận chính quyền xã Tam Lãnh quản lý. Riêng khu vực này mỗi ngày có trên 300 người bất chấp hiểm nguy đến đây khai thác quặng vàng…”.

Theo quan sát, những người khai thắc quặng ở đây đã cho dựng các lán trại, đem máy nổ, máy khoan và thuê nhân công tổ chức khai thác. Những người này không ai quản lý, họ tự do tranh giành bãi. Đáng lo ngại, sau khi khai thác quặng, họ đã dùng thủy ngân để đãi vàng và chất thải này đã trực tiếp chảy ra sông Bồng Miêu. Những con suối trên núi đều mang một màu đỏ quạch bởi đất đá bị đào bới hoặc xanh lè do chất thải khử ra từ cyanua, thủy ngân, mùi bốc lên vẫn còn nồng nặc. Hậu quả là con sông Bồng Miêu bị ô nhiễm trầm trọng và đời sống, sức khỏe của hàng ngàn hộ dân sống ven sông này đang bị đe dọa.

Chính quyền bất lực?

“Chính quyền địa phương cùng với lực lượng Công an tỉnh, huyện đã tổ chức nhiều đợt truy quét nhưng không ăn thua, “như muối bỏ bể”. Có thể nói địa phương bất lực trước nạn “vàng tặc”, ông Minh nói. Cũng theo ông Minh, những người khai thác quặng vàng trái phép không những tàn phá rừng, gây ô nhiễm môi trường nước mà còn gây mất an ninh trật tự, tệ nạn xã hội. Đặc biệt, có nhiều đối tượng sẵn sàng “thanh toán lẫn nhau” để tranh giành quặng vàng. Hằng năm UBND xã tốn rất nhiều thời gian và công sức cho việc bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương mình. Nhiều việc vượt quá thẩm quyền của xã nên phải cần có sự hỗ trợ của các lực lượng tuyến trên. Xã tăng cường công tác kiểm tra nhân khẩu trên địa bàn, đẩy đuổi đối tượng tạm trú trái phép ra khỏi địa phương; xử lý các máy xay, máy khai thác trong khu vực dân cư theo thẩm quyền và phối hợp truy quét đẩy đuổi những người khai thác trái phép.

Còn theo anh Võ Hoàng Anh thì, từ khu vực lò 5C đến lò AD1 hàng ngày có khoảng 20 máy nghiền đá quặng của vàng tặc. “Chúng tôi chỉ phát hiện và xua đuổi họ chứ không làm gì được. Mặc dù được tuyên truyền và vận động không được khai thác quặng trái phép vì nguy hiểm đến tính mạng nhưng họ vẫn bất chấp, ngày càng kéo nhau lên núi nhiều hơn…”, anh Anh tâm sự.

Hang ổ của bọn "vàng tặc”

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã tổ chức 2 đợt truy quét vàng tặc. Qua đó thu giữ 21 máy xay đá quặng, 7 cũi điện (máy phát điện), đẩy đuổi gần 200 người ra khỏi khu vực, thu 21 xe máy, phá hủy 20 lán trại, đang tiến hành san ủi lấp hơn 20 hầm trái phép do người dân tự đào. Mặc dù chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng, Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản. Nhưng hiện vẫn còn những “lỗ hổng” pháp lý nên chưa thế xử lý triệt để những vi phạm trong khai thác vàng trái phép, mua bán, tàng trữ hóa chất phục vụ cho việc khai thác. Ngay cả hành vi đập phá và cướp quặng của Công ty Bồng Miêu trong thời gian vừa qua cũng chưa được xử lý nghiêm minh để răn đe “vàng tặc”.

Trao đổi với Năng lượng Mới, ông Trần Hà Tiên, Tổng GĐ Công ty vàng Bồng Miêu cho biết: Để giải quyết triệt để nạn “vàng tặc” phải có sự vào cuộc của các ngành chức năng và cần phải có một chiến lược lâu dài, bền bỉ. Đồng thời, cần phải kết hợp cả trong lẫn ngoài, tức là đánh sập các hầm trái phép; thu giữ các cối xay, thủy ngân và nơi tiêu thụ sản phẩm quặng. Nếu làm được như thế thì nạn “vàng tặc” hy vọng giảm và tài nguyên rừng không bị tàn phá, nguồn nước không bị ô nhiễm…

“Lực lượng bảo vệ của Công ty vàng Bồng Miêu và chính quyền xã thật sự đã bất lực trước nạn vàng tặc…! Thậm chí thời gian gần đây còn xuất hiện nạn cướp quặng vàng ngay chính trong những hầm khai thác của chúng tôi quản lý…!”, ông Tiên nói.

Nạn khai thác vàng trái phép ở vùng núi Bồng Miêu đang là bài toán khó, chưa có lời giải đang thách thức các ngành chức năng ở tỉnh Quảng Nam.

Đức Hoàng