“Cơn khát” sò tai tượng của đội tàu Trung Quốc tàn phá Biển Đông
Sò tai tượng được xem là loài sinh vật giá trị đối với các tàu Trung Quốc (Ảnh: Blooberg) |
Một cuộc xung đột có thể nổ ra từ những con sò tai tượng trên Biển Đông. Mặc dù trên thực tế, nhiều con sò đã chết từ lâu, song vấn đề thực sự nằm ở phần vỏ của loài sinh vật này. Tại Trung Quốc, vỏ sò tai tượng được cho là mang giá trị may mắn khi chúng có thể được sử dụng để chế tác thành đồ trang sức hoặc các bức tượng.
“Cơn khát” sò tai tượng đã thôi thúc từng đoàn tàu thuyền của ngư dân Trung Quốc từ đảo Hải Nam tràn xuống Biển Đông để khai thác trái phép loài sinh vật này. Việc khai thác ồ ạt sò tai tượng vốn đã để lại nhiều hậu quả, tuy nhiên điều đáng báo động là phương pháp khai thác có liên quan tới việc phá nát những rặng san hô khổng lồ. Những rặng san hô này phải mất hàng nghìn năm để hình thành và đang chịu tác động do biến đổi khí hậu cũng như các hoạt động đánh bắt cá “trái phép, không được báo cáo và không được kiểm soát”. Ngành công nghiệp đánh bắt cá toàn cầu ước tính mang lại lợi nhuận từ 15 - 36 tỷ USD/năm.
Bắt đầu từ những năm 2010, các nhóm khai thác sò tai tượng của Trung Quốc đã đi dọc Biển Đông dưới hình thức các tàu cá cỡ nhỏ được hộ tống bởi các tàu đánh cá có lưới quét đóng vai trò như các “tàu mẹ”. Các tàu này không chỉ đi xa khỏi vùng lãnh hải của Trung Quốc, mà còn tiến vào vùng biển tranh chấp với các nước khác, thậm chí xâm phạm vùng biển “rõ ràng thuộc chủ quyền của các nước láng giềng”, theo Bloomberg.
Tàu Trung Quốc nạo vét rặng san hô tại bãi cạn Scarborough trên Biển Đông (Ảnh: Inquirer) |
Khi các hạm đội tàu Trung Quốc tìm thấy một rặng san hô ở vùng nước nông, các ngư dân sẽ nhảy ra các thuyền nhỏ hơn và bắt đầu kéo qua kéo lại chân vịt của động cơ phía ngoài, vốn được gia cố bằng đồng, dọc theo rặng san hô cho tới khi vỏ sò tai tượng lộ ra. Việc khai thác đòi hỏi sự kỳ công vì một con sò tai tượng có thể dài tới 1,2 m và nặng gần 200 kg. Tuy nhiên, thành quả mà các ngư dân đạt được cũng “xứng đáng” vì mỗi vỏ sò có thể mang lại cho họ hàng chục nghìn USD khi được bán tại chợ Hải Nam. Nếu được chạm khắc thành các tác phẩm tinh xảo, một số vỏ sò tai tượng có thể được bán với giá 1 triệu USD.
Theo chuyên gia John McManus tại Trường Khoa học Khí quyển và Hàng hải tại Đại học Miami, hơn 10.000 hecta rặng san hô đã bị phá hủy do cách khai thác sò tai tượng như trên. Con số này lớn hơn nhiều so với gần 6.000 hecta san hô bị tàn phá bởi hoạt động nạo vét và bồi đắp của Trung Quốc nhằm xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông.
Hoạt động khai thác sò tai tượng của các tàu Trung Quốc giảm mạnh từ năm 2016 đến cuối năm 2018. Năm 2016 cũng là thời điểm Philippines kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Sau một thời gian im ắng, các hạm đội hủy diệt sò tai tượng của Trung Quốc đã quay trở lại Biển Đông từ cuối năm ngoái. Lần này, các tàu Trung Quốc sử dụng hệ thống ống hút áp suất cao, cho phép khai thác sò tai tượng dễ dàng hơn từ những rặng san hô nằm sâu dưới mặt nước so với phương pháp truyền thống.
Những hình ảnh chụp từ trên cao cho thấy kỹ thuật khai thác mới thậm chí gây tổn hại hơn nhiều cho hệ sinh thái, vì chúng thổi bay lớp trầm tích, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sinh sản và sự sinh tồn của các loài cá.
Vỏ sò tai tượng được chạm khắc tinh xảo và bày bán trong một cửa hàng tại đảo Hải Nam, Trung Quốc (Ảnh: Inquirer) |
Căn cứ trên các hình ảnh vệ tinh, AMTI cho biết từ năm 2012 - 2015, các tàu khai thác sò tai tượng của Trung Quốc đã tàn phá nghiêm trọng hoặc phá hủy ít nhất 28 rạn san hô tại Biển Đông. Hành động khai thác tận diệt của Trung Quốc trong suốt thời gian dài đã tàn phá nghiêm trọng hệ sinh thái tại Biển Đông. Trong phán quyết của tòa trọng tài quốc tế liên quan tới vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines năm 2016, tòa kết luận Trung Quốc đã vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế về bảo vệ môi trường.
Các đội tàu cá Trung Quốc thường chỉ là lực lượng tiên phong cho chiến lược hung hăng rộng lớn hơn của Bắc Kinh. Ngày càng nhiều tàu cá được các tàu vũ trang của cảnh sát biển hoặc dân quân biển Trung Quốc hộ tống. Các tàu này đưa ngư dân Trung Quốc tới vùng biển của các nước láng giềng, đôi khi bắt giữ các thủy thủ đoàn và cản trở lực lượng hải quân nước ngoài can thiệp.
Với bước đi tiếp theo, quân đội Trung Quốc sẽ nạo vét các bãi cạn và xây dựng các căn cứ quân sự trên biển, trong đó có cả các đường băng.
“Hoạt động khai thác sò tai tượng nằm trong chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm thiết lập quyền kiểm soát trên mặt biển, dưới đáy biển và khoảng không trên biển. Có một sự trùng hợp đó là: Bất kể nơi nào có đảo mới mọc lên, đội tàu khai thác sò tai tượng sẽ xuất hiện trước tiên”, Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận định.
"Tàu mẹ" trong đội tàu đánh bắt của Trung Quốc (bên trái) xuất hiện gần trạm quan sát đại dương của Trung Quốc. (Ảnh: CSIS/AMTI) |
Bức ảnh do CSIS công bố cho thấy, hoạt động khai thác sò tai tượng của Trung Quốc hồi năm ngoái tại đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam diễn ra cùng thời điểm Bắc Kinh xây dựng cái gọi là trạm quan sát đại dương mọc lên từ dưới đáy biển, bao gồm một trạm radar và các tấm pin năng lượng mặt trời. Hiện chưa rõ bên dưới các tấm pin này ẩn chứa điều gì, song với vị trí nằm gần các tuyến hàng hải quan trọng, chúng có thể liên quan tới hoạt động của lực lượng hải quân Trung Quốc.
Mặc dù việc bồi đắp các đảo nhân tạo đã được coi là động thái gây lo ngại của Trung Quốc, song chúng mới chỉ là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Bắc Kinh nhằm chiếm trọn các vùng biển và khoảng không phía trên, dựa trên cái gọi là yêu sách đường chín đoạn.
Theo Dân trí
-
Thăm dò dầu khí của Petronas ở Biển Đông: Những thách thức về địa chính trị và năng lượng
-
Khi nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc chạm đỉnh: Thị trường thế giới sẽ ra sao?
-
Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc không còn nhập khẩu dầu Iran?
-
Tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế về biển vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở Biển Đông
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng