Có thể thu hàng chục tỉ USD từ nghề nuôi biển
Tiềm năng rất lớn
Theo Chủ tịch VSA, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, tiềm năng của nghề nuôi biển (còn gọi là canh tác biển) với những đối tượng nuôi có giá trị rất lớn là ngọc trai, rong tảo biển, cá, giáp xác, nhuyễn thể của Việt Nam có tiềm năng rất lớn. “Như nghề nuôi rong tảo biển, chu kỳ nuôi rất ngắn, chỉ 1-2 tháng, lâu có thể cả năm, khả năng tái tạo nhanh, tỷ suất đầu tư thấp, nhưng đem lại lại nguồn thu vài tỉ USD, thậm chí cả chục tỉ USD mỗi năm” - PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP Ngọc trai Việt Nam cho biết, nghề nuôi trai lấy ngọc cũng thuộc ngành nuôi biển có giá trị và tiềm năng cao. Thống kê cho thấy, cả nước hiện có khoảng 450 nghìn ha nước biển và trên 430 nghìn ha nước ngọt chưa khai thác nhưng phù hợp để nuôi ngọc trai.
Nghề nuôi trai lấy ngọc đang có tiềm năng lớn thu hàng trăm triệu USD mỗi năm |
“Ngọc trai có thể nuôi ở các vùng vịnh kín như: Vịnh Hạ Long, Vân Đồn, Lan Hạ, Bái Tử Long, Nha Trang… Ngoài ra, tận dụng các hồ chứa tự nhiên, nhân tạo có thể nuôi tốt. Con trai được nuôi 1 năm có thể thu hoạch lấy ngọc, nhưng nếu nuôi để lấy ngọc giá trị cao lên tới 2-3 năm” - ông Thắng nói thêm.
Một tiềm năng khác, theo VSA, các vùng bãi bồi ở cửa sông thuộc Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long có độ mặn và nguồn thức ăn phù hợp nuôi nhuyễn thể bãi triều. Hơn nữa, chúng ta đã thành công trong việc sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm hầu hết các đối tượng cá biển như cá song, giò, hồng mỹ, vược…; các đối tượng nhuyễn thể như tu hài, hàu, ốc hương, nghêu…
Ngoài ra, nguồn nhân lực dồi dào, có kinh nghiệm cùng với việc Nhà nước ban hành các cơ chế chính sách, định hướng phát triển ngành nuôi biển thông qua các chiến lược và quy hoạch đã đảm bảo hành lang pháp lý cho phát triển nghề nuôi biển.
Khai thác còn khiêm tốn, nhiều thử thách
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), đến năm 2016, diện tích cá biển nuôi ao, đầm trên cả nước đạt 6.300ha và hơn 1,164 triệu m3 lồng, với sản lượng 28.293 tấn; diện tích nuôi nhuyễn thể là 47.129ha, sản lượng 294.472 tấn; nuôi tôm hùm là 58.990 lồng, sản lượng 1.321 tấn; diện tích nuôi ghép cua, ghẹ hơn 220 nghìn ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn…
Tuy nhiên, so với tiềm năng, nghề nuôi biển ở Việt Nam còn khá khiêm tốn. Nước ta có tổng diện tích nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo lên tới 244.190ha, trong đó diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển khoảng 153.300ha; diện tích nuôi vũng, vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790ha; nuôi vùng biển hở 11.100ha.
Nhận định của nhiều chuyên gia về kinh tế biển cho thấy, nghề nuôi biển nước ta còn đối diện với nhiều thách thức và rủi ro về con giống, thức ăn, thị trường tiêu thụ, suy giảm môi trường, biến đổi khí hậu và sự xung đột lợi ích với ngành khác.
Mặt khác, sản xuất con giống ở quy mô nhỏ lẻ và còn phụ thuộc nguồn nhập khẩu tiểu ngạch sẽ dẫn tới sự thiếu hụt con giống cả về số và chất lượng, cũng như không đáp ứng được yêu cầu mùa vụ. Thức ăn cho đối tượng nuôi biển cũng chưa được phát triển đúng mức. Theo Tổng cục Thủy sản, có tới 80% thức ăn thủy sản từ nhập khẩu hoặc do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất.
Để khắc phục, phía VSA cho biết, VSA sẽ là đầu mối hội tụ, liên kết cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học, ngư dân, tập trung phát triển và chọn lọc du nhập công nghệ tiên tiến của thế giới, để nuôi trồng các loài rong tảo biển, các loài cá, giáp xác, nhuyễn thể, cùng các loài hải sản khác có giá trị cao.
Đồng thời, VSA sẽ thực hiện các chương trình cụ thể như: xây dựng các mô hình trồng và chế biến rong, tảo biển làm thực phẩm, nhiên liệu sinh học, phân hữu cơ và cải tạo môi trường vùng nuôi; hỗ trợ hiện đại hóa công nghệ và quy mô các cơ sở sản xuất giống cá và các sinh vật biển, nâng cao chất lượng, chủng loại và tính đa dạng…
An An
-
Khánh Hòa: Xem xét đầu tư tuyến đường ven biển tại Khu Kinh tế Vân Phong
-
Mỹ quan tâm tới các dự án cảng biển, logistic và y tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu
-
Hạ tầng nghề cá Nghệ An đối mặt với thách thức bồi lắng nghiêm trọng
-
Quảng Ninh: Nỗ lực khôi phục hoạt động nuôi trồng thủy sản
-
Quảng Nam quyết tâm hoàn thành đăng ký, cấp phép tàu cá dưới 12m trong tháng 10