Có khuất tất trong xác minh vụ kho nhôm 4,3 tỷ USD của Trung Quốc?
Trả lời PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan - cho biết: "Theo các quy định của Việt Nam hiện chưa đủ cơ sở pháp lý để xử phạt doanh nghiệp về gian lận xuất xứ".
Vụ kho nhôm Trung Quốc 4,3 tỷ USD giả xuất xứ Việt Nam xuất sang Mỹ được kết luận ban đầu là: chưa đủ căn cứu xử lý gian lận xuất xứ. |
Trước đó, như Dân trí đưa tin, từ cuối năm 2016 báo Mỹ là The Wall Street Journal đã có cuộc điều tra về số nhôm nói trên và xác định đứng đằng sau dự án trên là Tập đoàn lớn về nhôm của Trung Quốc có tên là China Zhongwang. Đây là công ty do tỷ phú nhôm Trung Quốc Liu Zhongtian đứng sau.
Tại Việt Nam, theo điều tra của The Wall Street Journal, Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu do hai người mang quốc tịch Úc (gốc Trung Quốc) góp vốn làm chủ đầu tư.
Công ty này được cấp giấy phép hoạt động từ năm 2011, có thời hạn 37 năm và công suất chỉ 200.000 tấn/năm. Tuy nhiên, theo báo chí Mỹ, năm 2016, công ty nói trên đã nhập số thép vượt rất nhiều so với công suất là 500.000 tấn nhôm đùn (nguyên liệu sản xuất nhôm) từ Mehico về Việt Nam và mục đích là mượn C/O của Việt Nam để xuất trở lại Mỹ.
Theo số liệu của cả phía Mỹ và Việt Nam, lượng nhôm nguyên liệu 1,8 triệu tấn của Toàn Cầu được lưu tại kho ngoại quan của cảng, một lượng nhỏ nữa được trữ tại kho của công ty này.
Theo cảnh báo của hải quan Mỹ và hải quan Việt Nam, đường đi của số thép nói trên liên quan đến từ Hồng Kông (Trung Quốc), Úc, Mehico và cuối cùng là Việt Nam để đích đến cuối cùng là vào Mỹ.
Mức thuế mà Mỹ đánh với nhôm Trung Quốc hiện ở mức rất cao trên 374%, trong khi sản phẩm cùng loại từ Việt Nam là 15%, chênh gần 25 lần, đây được xem là động cơ cho các đối tượng vụ lợi.
Nói thêm với Dân trí, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho rằng: "Mục đích của cơ quan hải quan Việt Nam và Mỹ phối hợp ngăn chặn hiệu quả, không cho số nhôm nói trên mượn đường Việt Nam và có chứng nhận xuất xứ của Việt Nam để xuất sang Mỹ, hưởng lợi thuế xuất khẩu".
"Nếu không xử lý, ngăn chặn kịp thời, có lẽ số nhôm trên đã xuất khẩu ào ào vào Mỹ và ngành nhôm Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng rất tiêu cực, thậm chí Mỹ sẽ đánh thuế cao đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam sau này" - Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan nói.
Ông Cẩn cho biết, khi điều tra, cơ quan chức năng làm rõ các dấu hiệu sản xuất trá hình để đấu tranh. Ví dụ như họ nhập nhôm bán thành phẩm về Việt Nam, rồi nấu thành phôi, sau đó lại xuất dưới dạng bán thành phẩm để được hưởng chứng nhận C/O Việt Nam.
Tuy nhiên, "nếu trường hợp số nhôm Trung Quốc nói trên được chế biến tại Việt Nam hoặc đủ điều kiện cấp C/O Việt Nam thì sang Mỹ vẫn bị áp thuế cao, hoặc không được hải quan Mỹ chấp nhận xuất khẩu vào Mỹ" - ông Cẩn nói.
Tại cuộc họp mới đây của Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Tiến Lộc - Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan - cho hay: Hiện Mỹ đã chuyển từ giám sát, đánh thuế hàng hóa là thép của Trung Quốc sang giám sát, đánh thuế doanh nghiệp và các cá nhân của công ty nhập nhôm Trung Quốc.
Về khả năng số nhôm trên được sản xuất và đưa vào tiêu thụ tại Việt Nam, ông Lộc cho rằng nếu doanh nghiệp muốn bán sản phẩm tại Việt Nam phải mở tờ khai đối ứng, sẽ bị các cơ quan thuế, hải quan truy thu thuế tương ứng với loại hàng hóa nói trên.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên