Cơ hội cho Việt Nam khi lạm phát toàn cầu hạ nhiệt
Lạm phát hạ nhiệt, thế giới “dễ thở” hơn
Sau cú sốc liên quan đến giá các loại hàng hóa, căng thẳng địa chính trị của năm 2022 và một phần diễn ra ở năm 2023 khiến lạm phát tăng chóng mặt, buộc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Đến nay, lạm phát đã duy trì xu hướng hạ nhiệt rõ ràng.
Nếu xu hướng lạm phát hạ nhiệt tiếp tục kéo dài đến năm 2024, thế giới không có thêm cú sốc nào thì sẽ giúp chi tiêu của các hộ gia đình, cá nhân “dễ thở” hơn |
Bà Bùi Hoàng Minh, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCK HSC nhìn nhận, khi cung cầu bắt đầu ổn định thì giá các loại hàng hóa đã trở về mặt bằng bình thường, có những mặt hàng còn quay về vùng giá trước Covid-19. Vì thế, cơ hội đối với sự phục hồi kinh tế thế giới đã rõ ràng hơn nhờ sức ép liên quan đến nguồn nguyên liệu đầu vào và lạm phát hạ nhiệt. Nếu xu hướng hạ nhiệt này tiếp tục kéo dài đến năm 2024, thế giới không có thêm cú sốc nào thì sẽ giúp chi tiêu của các hộ gia đình, cá nhân “dễ thở” hơn.
Với bức tranh chung tổng hoà đó là một trong những lý do mà các nhà đầu tư hiện tại trên thị trường chứng khoán đang tin tưởng rằng, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất ngay trong tháng 5/2024, khi lạm phát dần về con số bằng hoặc thấp hơn 3%, gần mức mục tiêu dài hạn của Fed là 2%. Nếu không có những cú sốc hay sự kiện lớn nào xảy ra như chúng ta từng chứng kiến trong 2022-2023 thì cơ hội sẽ rõ ràng hơn nhưng cũng phụ thuộc vào từng nhóm ngành.
Ngoài ra, thị trường cũng đề cập nhiều đến tình hình kinh tế Trung Quốc - đất nước vốn chịu ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid-19 và có sự phục hồi chậm rãi, bởi các quốc gia lớn trên thế giới đang nỗ lực giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều này góp phần khiến hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc giảm khá mạnh trong thời gian vừa qua bên cạnh các vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin, bất động sản.
“Thực tế, câu chuyện liên quan đến giảm thiểu sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc đã diễn ra suốt từ năm 2018 khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến thương mại với nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất lớn nhất trên thế giới ở rất nhiều lĩnh vực, đồng thời làm chủ nhiều nguồn nguyên liệu quý hiếm của thế giới. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi cho rằng mặc dù kinh tế suy yếu ở năm 2023, nhưng họ vẫn sở hữu nhiều yếu tố để tiếp tục duy trì vị thế thứ hai thế giới và bản thân các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới cũng không thể bỏ qua một thị trường rộng lớn hơn 1,5 tỷ dân như Trung Quốc.
Mặc dù sức mua tiêu dùng của Trung Quốc suy yếu, song suy thoái không nằm ở những mặt hàng không thiết yếu bao gồm ô tô, thiết bị điện tử,... khi năm 2022-2023 lượng tiêu thụ xe điện ở Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục, nghĩa là chi tiêu của người dân vẫn bắt kịp với thế giới, thậm chí còn hơn thế giới khá nhiều. Chính vì vậy, Trung Quốc vẫn đang là quốc gia cạnh tranh lớn về mặt công nghệ, đặc biệt cuộc đua liên quan đến xe điện trên toàn cầu”, bà Minh phân tích.
Mới đây, một số quỹ đầu tư đánh giá, lạm phát ở Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ nhiệt và nằm chủ yếu ở giá thực phẩm. Trong thời gian trước đây khi xảy ra dịch tả lợn, thì nguồn cung thực phẩm đã bị thiếu hụt nhưng câu chuyện này sẽ không còn xảy ra ở năm 2023-2024.
Tác động tích cực tới Việt Nam
Có thể thấy, sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ tại thời điểm hiện nay là một cú hích rất lớn cho các quốc gia trong đó có Việt Nam, vì Mỹ đang là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hoạt động xuất nhập khẩu cũng như nhóm FDI vẫn là trụ đỡ trọng yếu đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Nhìn vào con số trong tháng 10, gần như các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất của chúng ta là rau củ quả, gạo, phụ tùng, điện tử và máy móc...
Với nhiều thông tin mang tính tích cực, tuần vừa qua thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhịp hồi phục chung với thế giới |
Vị chuyên gia tại HSC cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã chạm đáy trong tháng 3, tháng 4/2023 và có một nhịp hồi phục rất tốt, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng cho thấy các doanh nghiệp bắt đầu nhập nguyên vật liệu đầu vào để phục vụ cho năm 2024. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy sự tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu, nhờ đó khi chúng ta bước vào chu kỳ kinh tế mới và nền kinh tế Mỹ, châu Âu vẫn giữ được thể trạng tốt như hiện nay, cùng sự hồi phục của Trung Quốc sẽ tạo ra cú hích lớn cho thương mại tại Việt Nam trong năm 2024-2025.
Đáng chú ý, chỉ số CPI tại Việt Nam đã tạo tiền đề khi hạ nhiệt rất rõ trong tháng 10. Tương tự như Trung Quốc, với nguồn cung ổn định và giá thịt lợn là một trong những mặt hàng đóng góp lớn vào sức ép tăng CPI, thì trong năm nay sẽ không có cú sốc nào liên quan đến giá mặt hàng này.
Theo ước tính của HSC, chỉ số CPI trong tháng 10 đã giảm xuống mức 3,59% so với cùng kỳ và CPI tổng thể giảm do: Thứ nhất, giá gạo đã tạo đỉnh và tăng chậm lại; Thứ hai là chi phí giáo dục tăng nhưng cũng tăng chậm lại và không có đột biến; Thứ ba là chi phí giá nhiên liệu đã giảm 4,59% so với tháng 9.
“Nếu diễn biến của giá dầu trên thế giới vẫn duy trì ở vùng 80 USD một thùng thì từ nay đến tháng 6/2024, chúng ta sẽ không có cú sốc nào liên quan đến việc tăng giá xăng dầu. Đây sẽ là một trong những yếu tố hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp sản xuất.
Mặc dù trong tuần vừa qua giá sản xuất điện đã tăng 4,5%, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất công nghiệp, song ảnh hưởng đến hoạt động cốt lõi chỉ tối đa là 3% do đó không phải là một cú sốc lớn. Chúng ta đang có chi phí nguồn nhiên liệu đầu vào nhất là giá xăng dầu giảm nhiệt, là một trong những hỗ trợ lớn cho nhóm ngành sản xuất công nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới”, bà Bùi Hoàng Minh lý giải.
Thị trường chứng khoán dần hồi phục
Với nhiều thông tin mang tính tích cực, tuần vừa qua thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhịp hồi phục chung với thế giới, trong bối cảnh sức ép liên quan đến tỷ giá, lãi suất đã hạ nhiệt và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng không hút ròng nữa.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, với giả định rằng thế giới không có biến động gì quá lớn đặc biệt là quý 4, chúng ta sẽ tiếp tục xu thế là quý sau cải thiện hơn quý trước và tình hình sẽ lạc quan hơn.
Thị trường chứng khoán theo đó tiếp tục có những diễn biến theo xu hướng tích cực cùng với xu hướng của kinh tế tăng trưởng. Trong khi đó, sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung đang được hỗ trợ rất tích cực bởi những sự quan tâm ngày càng gia tăng.
“Tuy nhiên đối với các nhà đầu tư, họ cần giữ được sự bình tĩnh. Trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua, thị trường nhiều phiên lao sâu và thanh khoản rất kém, mặc dù không có yếu tố quá mức tiêu cực. Bên cạnh các mối quan tâm về các nhóm cổ phiếu, nhà đầu tư trước khi đưa ra các quyết định lựa chọn thì cần quan tâm hơn tới các yếu tố vĩ mô, kể cả vĩ mô quốc tế cũng như trong nước.
Phải khẳng định rằng độ mở của nền kinh tế Việt Nam, cũng như khả năng dẫn dắt và chi phối của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cũng là một yếu tố rất quan trọng”, TS. Vũ Đình Ánh nói.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Thủ tướng: Công nghệ số là cơ hội cho Việt Nam bứt phá đi lên |
Những kỳ vọng trên thị trường chứng khoán cuối năm |
Gỡ bớt áp lực, kiểm soát mức trượt giá của tiền đồng trong biên độ |
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Giá vàng hôm nay (18/10): Tiếp đà tăng mạnh
-
Giá vàng hôm nay (17/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Hà Nội đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp chủ lực