“Cơ chế giá điện thiếu đột phá, chậm thay đổi”
Phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 do UB Kinh tế tổ chức 1 tháng trước. Đến hôm nay, 16/9, UB Thường vụ Quốc hội nghe báo báo về kết quả phiên giải trình này.
Lãnh đạo UB Kinh tế báo cáo UB Thường vụ Quốc hội về kết quả phiên giải trình tiến hành 1 tháng trước. |
Cơ cấu biểu giá bán điện thiếu thực tế
Báo cáo Thường vụ Quốc hội các nội dung cơ bản, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, hiện nay, Việt Nam chưa có giá điện hai thành phần, giá mua điện theo miền, theo khu vực để đưa ra định hướng đầu tư và phát triển phụ tải. Trong quá trình điều hành, chưa thực hiện được đầy đủ việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường do ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô ở một số thời điểm nên còn treo một số khoản chi phí (các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các năm trước).
Giá bán lẻ điện chưa thu hút được đầu tư, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thực hiện theo Luật Điện lực, còn duy trì bù chéo giữa khách hàng sản xuất với khách hàng sinh hoạt, thương mại.
Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được xây dựng từ năm 2014 nên chưa phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng.
Cơ quan yêu cầu giải trình cũng nêu bất cập là giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện lớn,…).
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang được nhà nước giao thực hiện mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện năng lượng tái tạo với mức giá do nhà nước quy định. Như vậy, chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện. Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng và ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện.
Nguy cơ thiếu điện
Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo kết quả phiên giải trình. |
Trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch, UB Kinh tế cho rằng, ngành điện lực chưa bảo đảm sự cân đối giữa cơ cấu nguồn điện và lưới điện. Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu điện.
Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hoàn thành đầu tư nguồn điện theo công suất trên toàn quốc đạt 81,4%, trong đó cao nhất là miền Trung đạt 95,9%, miền Nam đạt thấp nhất với 62,7%. Giai đoạn 2016 - 2020 tỷ lệ hoàn thành đạt 93,7%. Tuy nhiên, cơ cấu tỷ lệ công suất đưa vào vận hành lại rất khác biệt. Các nguồn điện truyền thống là nhiệt điện (chủ yếu là nhiệt điện than) thực hiện được khá thấp, chỉ đạt 57,6% so với quy hoạch.
Việc phát triển nguồn điện của từng miền (Bắc - Trung - Nam), Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhận xét, có những điểm không hợp lý. Trong các năm từ 2015 - 2019, sản lượng phát điện của các nguồn điện miền Nam luôn thấp hơn nhu cầu phụ tải. Sự phát triển của nguồn điện không cân đối với nhu cầu phụ tải của từng vùng miền đã gây ra áp lực lớn cho hệ thống lưới điện truyền tải 500kV liên miền.
Nhiều dự án nguồn điện lớn, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2020 bị chậm tiến độ. Hầu hết các dự án BOT do nước ngoài thực hiện đều bị chậm so với tiến độ trong quy hoạch. Nhiều dự án đang trong quá trình triển khai thi công cũng bị chậm tiến độ như Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2...
Theo kết quả rà soát mới đây, tổng công suất các dự án nguồn điện có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 15.500 MW/21.650 MW theo quy hoạch (đạt gần 72%), báo cáo nêu.
Các dự án lưới điện gặp nhiều vướng mắc về công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Một số dự án nguồn điện chậm tiến độ như Long Phú 1, Thái Bình 2, Vũng Áng 2… nên lưới điện giải tỏa công suất cũng phải điều chỉnh tiến độ chậm theo, ảnh hưởng tới khối lượng đầu tư chung của lưới truyền tải.
Đối với điện năng lượng tái tạo, cơ quan tổ chức giải trình phân tích: do phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, địa hình, khí hậu… nên tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo thường tập trung ở một số địa phương, mặt khác, hệ thống lưới điện chưa đáp ứng yêu cầu về truyền tải công suất.
Trong hệ thống điện có tích hợp số lượng lớn các nguồn điện không ổn định như điện gió và điện năng lượng mặt trời cần phải xây dựng nguồn điện dự phòng lớn làm tăng chi phí đầu tư cho hệ thống. Trong khi đó, tiến độ xây dựng một số công trình lưới điện để đảm bảo giải tỏa công suất các nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch tại những tỉnh có tiềm năng lớn về điện gió, điện mặt trời còn chậm.
Sự phát triển chưa đồng bộ giữa nguồn điện, lưới điện và việc chậm tiến độ các dự án lớn dẫn đến thực tế công suất nguồn điện tại nhiều nơi còn dư thừa, chưa giải tỏa hết trong khi đó lại có nguy cơ thiếu điện cục bộ trên diện rộng.
Theo Dân trí
-
EVN đề xuất triển khai thí điểm giá điện hai thành phần
-
Bài 3: Thị trường điện Việt Nam sẽ có cơ chế giá điện linh hoạt
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
Giá điện có thể được điều chỉnh tăng gần 10%
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên