Chuyện về người hùng thứ hai lên vũ trụ
Nhà phát triển phần mềm gốc Hungary gia nhập Microsoft với tư cách nhân viên thứ 40 vào năm 1981. Sau 21 năm làm việc ở đây, ông rời đi vào năm 2002 và bắt đầu thực hiện ước mơ bay vào vũ trụ.
Charles Simonyi (Simonyi Károly) là con trai của giáo sư, viện sĩ Simonyi Károly (1916-2001), nhà vật lý lớn của nước Hungary từng Giải thưởng Kossuth và Giải thưởng Quốc gia, tác giả cuốn “Lịch sử Vật lý” lừng danh (được coi là “Thánh Kinh” về lịch sử vật lý), người thầy của nhiều thế hệ du học sinh và nghiên cứu sinh Việt Nam tại Hung.
Năm 1966, khi mới 18 tuổi, Charles Simonyi di cư sang Đan Mạch; hai năm sau, ông sang Mỹ, tiếp tục theo học Toán và Tin học tại Đại học Berkeley, rồi lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Stanford. Bắt đầu nghiên cứu Tin học tại hãng Xerox PARC, Charles Somonyi là người phát triển chương trình soạn thảo văn bản đầu tiên mang tên Bravo (cho loại máy điện toán cá nhân Alto), cho phép người sử dụng có thể kiểm tra trước “hình dạng” của văn bản trước khi in (WYSIWYG).
Ông Charles Simonyi - Ảnh: Telegraph |
Năm 1981, ông gia nhập tập đoàn Microsoft và tại đó, ông đứng đầu nhóm lập trình và thiết kế các chương trình Word và Excel. Những năm tháng mà Simonyi làm việc tại Microsoft cũng đồng thời là giai đoạn hoàng kim nhất của hãng, trong sự phát triển đó, có phần đóng góp không nhỏ của Simonyi trên cương vị “tổng công trình sư” của hãng.
Năm 2002, Simonyi đột ngột rời bỏ Microsoft và cùng một đồng nghiệp là Gregor Kiczales (GS Đại học British Columbia), hai người thành lập hãng Intentional Software Company.
Simonyi đã chi khoảng 60 triệu USD cho công ty du lịch vũ trụ Space Adventures để thực hiện hai chuyến đi đến Trạm vũ trụ quốc tế. "Cứ sau 90 phút, bạn sẽ được thấy mùa xuân, mùa thu, Bắc cực, vùng nhiệt đới, đêm và ngày luân phiên nhau", vị tỷ phú nói về trải nghiệm du hành không gian với tạp chí Forbes.
Năm 2007, Charles Simonyi đã chi 25 triệu USD để có chuyến phi hành vũ trụ đầu tiên kéo dài 13 để thực hiện sở nguyện của mình. Thực ra, Simonyi có thể làm điều đó một cách dễ dàng: thời ấy, ông được tờ tạp chí “Forbes” liệt vào Top 400 người Mỹ giàu có nhất (thứ hạng 374) với gia sản hơn 1 tỉ USD.
Tuy nhiên, đối với Simonyi, những chuyến "ngao du" trên khoảng không đầy kỳ bí không phải là một thói chơi ngông của kẻ lắm tiền. Từ nhỏ, Simonyi đã khao khát tìm hiểu và mơ ước có ngày được vào vũ trụ. Năm 1963, ông giành chiến thắng trong cuộc thi dành cho các "du hành gia trẻ tuổi" với sự tham dự của giới thanh thiếu niên của nước XHCN, và phần thưởng ông được nhận là một chuyến đi Moscow, gặp gỡ các nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Liên bang Xô-viết, thời đó được cả thế giới tôn vinh như những anh hùng.
Và, trong chuyến vi hành năm 2007 và sau đó là chuyến đi năm 2009, ngoài sự háo hức của con người được lên không trung, Simonyi đã tận dụng từng giây phút để thực hiện nhiều công trình nghiên cứu đa dạng, phục vụ các mục đích y học, sinh học và kỹ thuật điện tử. Ngoài ra, đúng với sở trường của mình, ông còn xem xét hệ thống máy tính trên tàu vũ trụ, tìm cách để nó hoạt động hiệu quả hơn, cũng như, còn tranh thủ chụp ảnh vũ trụ, viết nhật ký điện tử (blog) và trò chuyện với giới trẻ...
Trả lời câu hỏi điều gì khiến ông khó chịu nhất trong chuyến đi, Charles Somonyi cho hay: tất nhiên rất khó làm quen với trạng thái không trọng lượng vì nếu các đồ vật không được cố định, chúng sẽ bay lơ lửng, rất khó nắm bắt. Tuy nhiên, với Simonyi, khả năng tắm giặt hạn chế, cũng như không có đồ uống lạnh hàng ngày, lại là những điều khiến ông "ấm ức" nhất. Ông cho biết thêm: dù là một quốc gia nhỏ bé, nhưng vẫn có thể thấy Hungary từ vũ trụ, thậm chí, có thể phân biệt được hai con sông chính của xứ sở này, Duna (Danube) và Tisza. Simonyi cũng thấy được từ vũ trụ những hồ ao có màu xanh rất đẹp, theo ông có thể đó là nạn nhân của ô nhiễm công nghiệp. Nhà tỉ phú còn tiết lộ một bí mật nho nhỏ: những tấm ảnh màu mè, đẹp đẽ chụp từ vũ trụ và đăng trên sách báo hẳn đã được "tân trang", tô màu sau khi chụp, chứ nhìn từ Trạm Quỹ đạo Quốc tế thì khác hẳn.
Charles Simonyi và phi hành đoàn "hạ cánh an toàn" trong chuyến du hành đầu (năm 2007) |
Rốt cục, đối với Charles Simonyi, "du hành vũ trụ thú nhất là vận tốc: vài phút trước mới lơ lửng trên New York, giờ đã về Hung rồi!”.
Kể từ thời khắc 12-4-1961 khi du hành gia Liên Xô Yury Gararin thực hiện chuyến bay đầu tiên trên con tàu Vostok-1 và mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ, cho đến nay, đã có trên 500 nhà du hành vũ trụ từ 39 quốc gia có dịp đặt chân lên vũ trụ. Giữ kỷ lục về thời gian "lưu trú" trên vũ trụ là du hành da Nga Sergei Krikalyov với 803 ngày 9 giờ 39 phút trong 6 chuyến du hành vũ trụ của ông. Ngoài những nhà du hành vũ trụ, một số ký giả, nghị sĩ và cả cố vấn tổng thống đã có mặt trong những chuyến đi này.
Trở lại trường hợp của Charles Simonyi, những chuyến lên vũ trụ "như đi chợ" của ông từng khiến tỉ phú Bill Gates, có thời là "sếp" của ông tại tập đoàn Microsoft, cũng "nổi hứng bất tử" và tỏ ý muốn theo bước người cựu cộng sự của mình. Tuy nhiên, Simonyi thì có lẽ đã bằng lòng với hai chuyến đi này và không có kế hoạch cho chuyến thứ ba, vì lý do đã nói ở trên, và nhất là vì ông đã kết hôn và "phải dành thời gian cho gia đình mình".
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Học sinh lớp 10 Việt Nam được Microsoft vinh danh |
Người trẻ nhất bay vào không gian |
Blue Origin được cấp phép chở người vào không gian |
-
Cơ hội đầu tư “4 tốt” với nhà phố kiểu mới Cát Tường - Vinhomes Global Gate
-
BIDV và HFIC hợp tác thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP HCM
-
Hợp tác để hoàn thiện hệ sinh thái xuất nhập khẩu
-
Techcombank và Databricks: Cách mạng hóa ngân hàng cho hàng triệu khách hàng bằng AI và dữ liệu
-
Vietjet tiên phong khai thác chuyến bay sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững