Chuyện về đường dây 500kV huyền thoại (Kỳ cuối)
Chuyện về đường dây 500kV huyền thoại (Kỳ 2) |
Chuyện về đường dây 500kV huyền thoại (Kỳ 1) |
Kỳ III: Những “người hùng” đi trên dây
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - nguyên Tổng giám đốc EVNNPT - đã dùng tới hai chữ “ngốn sức” để nói về công việc quản lý, vận hành đường dây truyền tải điện.
Do các tuyến đường dây truyền tải điện đa phần đi qua các vùng núi hiểm trở, vùng sâu, vùng xa, khí hậu khắc nghiệt nên điều kiện đi lại, làm việc, sinh hoạt của đơn vị được phân công quản lý vận hành vô cùng khó khăn. Chính vì vậy mà nghề này vô cùng “kén người”. Những người thợ đường dây giống như vận động viên chơi những môn thể thao cần sức mạnh như cử tạ, leo núi. Vì vậy, thường thì chỉ có nam giới, sức khỏe tốt, đủ chiều cao, cân nặng mới theo được nghề. Và độ tuổi của nghề cũng rất hạn chế, chỉ có thể làm tốt khi còn trẻ, còn khỏe mà thôi.
Gắn với đường dây truyền tải điện có biết bao nhiêu là bất trắc, nhiều khi sinh tử không thể nói trước. Vậy nên, công tác đào tạo, kỷ luật lao động luôn được chú trọng. Mỗi công nhân đường dây, sau khi trúng tuyển được đào tạo thêm một khóa ngắn hạn chuyên ngành truyền tải điện trong thời gian 3 tháng, đồng thời phải tập, phải thi để được cấp chứng chỉ bơi lội. Mỗi năm 2 lần, công nhân đường dây được khám sức khỏe định kỳ, mỗi lần trèo cột điện làm việc ở độ cao trên 50m phải qua công tác kiểm tra sức khỏe ngay tại chân cột. Những chuyện này, có lẽ người ngoài ngành cũng khó mường tượng ra. Chỉ cần nhìn vào quy trình và bản khuyến cáo nghề nghiệp của người làm nghề “đi trên dây” cũng có thể hiểu sự đặc thù chính là sự vất vả, nặng nhọc và nguy hiểm đến như thế nào.
Trong công việc của mình, những người thợ vận hành luôn đối mặt với những gian nan. Đặc biệt là ở những vùng miền núi thường xuyên gặp tình trạng người dân vi phạm hành lang an toàn, đốt nương rẫy gây cháy rừng… Hoặc tình trạng đầy tải và quá tải luôn đe dọa. Ngoài ra, nắng nóng và gió bụi, sương muối, sương mù khiến bụi đỏ bazan bám dày vào chuỗi trục sứ cách điện... Để làm vệ sinh các chuỗi sứ này, những người thợ không chỉ nắm vững lý thuyết quy trình, quy phạm kỹ thuật mà còn phải có bản lĩnh, sức khỏe tốt, thần kinh vững vàng để có thể trèo lên độ cao mấy chục mét, phải có ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp để đáp ứng yêu cầu công việc, phải tiếp xúc với nhiều yếu tố độc hại như tiếng ồn, hóa chất, điện từ trường mà không gây mất an toàn lao động. Đó là chưa kể mỗi khi nhỡ nhàng phải nhịn đói thông tầm, khi mưa gió, bão lụt gặp sự cố dù đang ở đâu cũng phải xuất quân để xử lý, khôi phục nguồn điện nhanh nhất. Mùa hè nắng to thì không còn mồ hôi, mùa đông thì rét co người, trời mưa thì đường sình lầy, trơn trượt... Có những điểm cột phải trèo đèo, vượt dốc nửa ngày đường mới lên đến nơi.
Việc xây dựng và đưa vào vận hành thành công hệ thống tải điện 500kV Bắc - Nam còn là một bước trưởng thành quan trọng của ngành Điện lực Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành và hợp tác quốc tế. Đây là công trình mở đầu cho sự hiện đại hóa hệ thống điện, thuận lợi cho việc điều hòa công suất điện Nam - Bắc. |
Để bảo đảm đường dây truyền tải điện vận hành an toàn, có rất nhiều công việc phải làm. Chẳng hạn như, mỗi tháng công nhân phải đi kiểm tra định kỳ đường dây vào ban ngày ít nhất 2 lần, mỗi quý kiểm tra ban đêm ít nhất 1 lần, mỗi lần 4-5 ngày. Một nhóm công tác 2 người phải đi kiểm tra vài chục vị trí cột, tùy theo điều kiện địa hình. Ngoài ra, còn phải đi kiểm tra trước và sau những ngày lễ, tết, những ngày mưa, bão, lũ lụt, nhất là những cung đoạn đường dây xung yếu. Việc kiểm tra không chỉ dựa vào bằng thiết bị mà còn bằng kinh nghiệm, bằng cảm giác.
Công việc mỗi lần đi kiểm tra cũng rất phức tạp, không thể qua loa, đại khái. Người công nhân đường dây phải đi kiểm tra kỹ lưỡng thì mới có thể phát hiện kịp thời các hư hỏng của từng con bu lông, đinh ốc… hay các hiện tượng vi phạm hành lang an toàn đường dây như cây cao trong và ngoài hành lang đường dây, đốt rẫy đốt nương gần hành lang, đào xới, xâm phạm móng cột… để ngăn chặn kịp thời những nguy cơ đe dọa đến sự vận hành an toàn của đường dây. Cũng vì tính chất đặc thù, nên không phải ai cũng thấu hiểu và chia sẻ được với người lính đường dây, ngay cả người thân, nếu không có dịp được tận mắt chứng kiến chắc cũng khó lòng đồng cảm được.
Mỗi khi có sự cố thiên tai hay sự cố điện, yêu cầu trên hết là phải tìm ra nguyên nhân để khắc phục sự cố, nối lại điện sớm nhất. Bất chấp sớm khuya, bất chấp điều kiện thời tiết như thế nào, hay phải dằn lòng dẹp lại cả cái hẹn về với gia đình những khi lễ tết sum vầy, người công nhân lại lặng lẽ lên đường, trèo đèo, lội suối, lao lên tuyến hoàn thành nhiệm vụ. Chưa tìm ra nguyên nhân sự cố chưa thể yên lòng ăn miếng cơm, uống ngụm nước.
Có những khi vì yêu cầu công việc, chẳng hạn như đợt tổng sửa chữa đường dây khu vực, thời gian thi công dài, trong khi lịch cắt điện lại phải bảo đảm ngặt nghèo, nên công nhân phải dậy từ 3 giờ để chuẩn bị cho việc đi làm là liên tục trèo cột, ra dây từ 4 giờ đến tận 16 giờ, bất kể sự thất thường của thời tiết. Chỗ ở thì phải thuê nhà dân, điều kiện thiếu thốn đủ thứ, kham khổ như thể “người lính xưa trên chiến trường thi công đường dây 500kV Bắc - Nam” vậy. Có nhiều khi anh em về mà người nhà cũng không nhận ra nổi vì da cháy đen sạm, người gầy rộc đi.
Đường dây 500kV Bắc - Nam, bên trái là mạch 1, bên phải là mạch 2 (mỗi mạch có 3 pha, mỗi pha có 4 dây) |
Rồi cũng vì bảo đảm tiến độ mà nhiều khi các đội phải tổ chức bữa ăn ngay tại công trường để bảo đảm sức khỏe cho anh em. Hằng ngày, bộ phận cấp dưỡng phải gánh cơm đến từng chân cột điện cho công nhân. Thời gian ăn trưa khẩn trương đến mức, không hiếm bữa cơm phải dùng dây thừng kéo đồ ăn, nước uống lên tận đỉnh cột cao vài chục mét. Với những “người hùng đi trên dây”, bữa cơm ngay trên đỉnh cột, giữa trời gió lớn, lại là một cái “thú” riêng của nghề, không phải ai cũng có được. Nhưng hình ảnh ấy cũng mang ý nghĩa biểu cảm cho những gì mà người công nhân đã hy sinh cho công việc của mình…
Trò chuyện với những người công nhân truyền tải điện mới hay, “không phải cứ mắt sáng, khỏe tay, khỏe chân, thạo nghề là làm tốt được công việc”. Vì sao vậy? Bởi các tuyến đường dây truyền tải điện trải dài khắp đất nước, một nhóm công tác hai người được giao quản lý vài chục vị trí cột, không phải lúc nào cũng thường trực tại từng đó vị trí để kiểm tra, sửa chữa, bảo vệ đường dây được. Nên muốn hoàn thành tốt công việc lại còn phải cần đến yếu tố nữa, đó là gần gũi, gắn bó, dựa vào người dân. Nói vui với nhau là họ còn phải biết làm “cán bộ dân vận” nữa. Họ không ngại ngần gắn bó với dân, giúp dân từ những công việc trong nhà, lắp cái bóng điện, sửa lại đường dây, giúp người dân hiểu cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm… Nghề truyền tải điện giống như những người nông dân luôn trong tư thế phải trông nhiều bề “trông trời, trông đất, trông mây”... Từ quan sát diễn biến thực tế, họ đúc kết kinh nghiệm thực tiễn để có phương pháp tuyên truyền hợp với nhân dân các vùng miền.
Lính truyền tải giúp dân gặt lúa |
Nếu như tuyến đường dây 500kV mạch 1 là bản hùng ca đầy ý chí và khí chất của con người Việt, thì mạch 1, mạch 2, rồi mạch 3 sau này đã thể hiện được sự tiếp nối thành công các thế hệ trước. Đó là sự trưởng thành vượt bậc khi cả hai công trình mạch 2 và mạch 3 đều do cán bộ, công nhân Việt Nam đảm nhận toàn bộ từ khâu thiết kế, thi công, chế tạo cột thép đến giám sát, nghiệm thu. |
Câu hỏi “Làm sao để người dân thấu hiểu công việc, chia sẻ, giúp đỡ các anh hoàn thành công việc, đặc biệt là làm sao để người dân tình nguyện tham gia bảo vệ an toàn đường dây?” luôn chỉ có một lời giải đáp.
Đó trước hết là phải có được cái tình với đất và người. Nhìn lại cả lịch sử phát triển của hoạt động truyền tải điện có thể thấy, sự gắn bó giữa người công nhân và người dân luôn như mạch ngầm chảy xuyên suốt qua nhiều thế hệ, tạo nên mối tương sinh gắn bó. Và với người dân ở khắp vùng miền của dải đất hình chữ S, từ miền núi đến miền xuôi, từ nơi hẻo lánh đến đồng bằng phì nhiêu, hình ảnh người công nhân truyền tải điện trở nên thân thiết đến độ, họ gọi các anh là “lính truyền tải điện”, như cách xưa kia đã nói về người lính bộ đội Cụ Hồ, như cái cách mà họ dành tình cảm cho những con người mở đường đi xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam thưở nào.
Năm tháng cứ trôi qua, bất kể mùa đông hay mùa hạ, dẫu ngày hay đêm, mưa rét hay nắng cháy, những “người hùng đi trên dây” vẫn lặng lẽ từng bước chân dọc theo chiều dài của tuyến. Giữa trùng điệp núi non, vách đá dựng đứng cao hàng trăm mét, những con đường mòn len lỏi giữa ngút ngàn rừng già luôn có dấu chân thầm lặng vượt qua khó khăn, trèo đèo lội suối, bám từng đường dây, từng cột điện, để giữ cho đường điện huyết mạch được thông suốt, để niềm tin đến với từng người dân, để ánh sáng điện đến mọi nẻo đường của Tổ quốc. “Chúng tôi đi qua bao mưa nắng, qua bão giông, làm bạn cùng mây và trời, chúng tôi đi...”.
Lời hứa trách nhiệm và cái tâm thanh thản Nhắc đến đường dây 500kV, người ta có thể kể ra nhiều dấu mốc, chi tiết, con số, nhưng trước hết người ta khó có thể quên những con người đã góp phần xây dựng nên “cơ đồ 500kV” với đủ cung bậc tình cảm. Một trong những con người ấy là ông Vũ Ngọc Hải, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng. Gần 30 năm trôi qua kể từ những năm tháng làm đường dây, nhưng những câu chuyện mà ông Vũ Ngọc Hải kể lại hôm nay vẫn sáng rõ như mới hôm qua. Với ông, việc xây dựng đường dây 500kV là cái “mốc” trong suốt cuộc đời gắn bó với ngành điện. Từ những ngày đầu trăn trở, đến lời hứa với Thủ tướng “trong vòng 3 ngày phải có câu trả lời: Có làm được hay không đường dây 500kV đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam?”. Để có câu trả lời cho Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Năng lượng đã phải làm việc cả với các chuyên gia tư vấn nước ngoài, tìm lời giải cho những khó khăn đặt ra. Câu trả lời sau 3 ngày ấy chính là quãng thời gian 2 năm chạy đua cho sự thành công của đường dây 500kV Bắc - Nam. Nhưng chính vào những ngày tháng công trình đi vào giai đoạn gấp rút nhất thì sự hào hứng, tinh thần quyết tâm của tập thể lãnh đạo, cán bộ Bộ Năng lượng rơi vào nốt “trầm”, bởi người đứng đầu Bộ phải “đi an dưỡng” tại trại giam Thanh Xuân. Ngày ấy, dù đất nước đã đổi mới được gần một thập niên, nhưng tư tưởng “phá rào” cho tư nhân tham giam vào các công trình lớn gần như là điều “cấm kỵ”. Giờ đây, mỗi khi nhớ lại những ngày tháng gian nan, đầy thử thách và hết sức ý nghĩa làm đường dây 500kV ấy, nguyên Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải vẫn tâm đắc: “Đội ngũ khoa học kỹ thuật của ta đã thể hiện đẳng cấp và bản lĩnh của mình khi vừa lo thiết kế, vừa chỉ huy thi công đường dây 500kV, sau này khi mang sang kiểm tra tại hệ thống máy tính ở các viện bên Nhật, theo tiêu chuẩn quốc tế, không sai một tí nào. Nếu cần có một chính sách đặc biệt, theo tôi chính là một cơ chế ưu đãi người tài giống như ngày xưa ông Kiệt cho cơ chế ưu đãi đường dây 500kV”. Về hưu, an nhàn với tuổi già, với thơ, nhạc, với cuộc sống đời thường, ông Hải vẫn nhớ những ngày tháng ấy “nhớ nhưng không còn cay đắng lắm”. Trong tập thơ “Con đường tôi đi” xuất bản đầu năm 2017, ông viết: “Mãi sáng ngời dòng điện Bắc - Nam/ Vì đất nước trách nhiệm hết lòng/ Những tháng ngày thiệt thòi chịu trận/ Được khích lệ đón nhận tình người/ Đường tải điện công trình lòng dân”. Mọi chuyện cứ để trôi đi, chỉ còn lại cái tâm thanh thản, với những gì đã làm cho đất nước, cho ngành điện..., đó chính là tâm huyết của cả đời ông. |
Hải Anh
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Đức nỗ lực củng cố ngành công nghiệp điện gió
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành