Chuyện người Ve làm “thủy điện”
Một ngày cuối tháng 8, từ TP Đà Nẵng, chúng tôi vượt hơn 200km đường rừng hiểm trở để đến bản làng người Ve ở xã Đắc P’ree. Dọc suốt ngả đường liên xã, chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi chứng kiến rất nhiều gia đình đồng bào nơi đây sử dụng nguồn điện để xem phim, mở quạt điện chạy ro ro cả ngày, trong khi chưa thấy cột điện lưới quốc gia được kéo về. Hỏi ra mới biết, từ gần 20 năm nay, đồng bào người Ve ở đây đã biết dùng máy tua-bin để làm “thủy điện” sinh hoạt.
Theo lời giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Đắc P’ree, ông Brôl Trường, chúng tôi đi tìm người Ve đầu tiên làm “thủy điện”. Đó là ông Tơ Ngôl Dứch, ở thôn 56B, xã Đắc P’ree. Ở cái tuổi 44, trông ông Dứch còn khá trẻ, giọng nói hào sảng sau chén trà đậm đặc, rất ấn tượng. Cuối cùng, những ký ức một thời về “lịch sử” của những chiếc tua-bin đã được ông “hé lộ” sau gần 20 năm chôn kín cùng thời gian.
Ông kể, vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khắp các buôn làng người Ve ở các xã Đắc P’ree, Đắc Pring được bao trùm bởi một không gian tĩnh lặng, hoang vu. Ngày ấy, cuộc sống của đồng bào còn nhiều khó khăn nên việc đưa “ánh sáng hiện đại” đến với đồng bào quả là một điều ngoài sức tưởng tượng. “Khi đó, đèn dầu cũng có nhà thiếu, huống chi là điện sáng” – ông Dứch kể.
Một lần, ông Tơ Ngôl Dứch – khi ấy là Phó Chủ tịch xã Đắc P’ree, được cử đi tập huấn xuống Bến Giằng (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang bây giờ). Sau chuyến đi, ông bị ám ảnh và cuốn hút bởi những chiếc “máy thủy điện” nhỏ được đặt ngay giữa dòng nước, phát điện sáng khắp bản làng. Những câu chuyện về chiếc máy phát điện thần kỳ đó qua lời ông Dứch kể, đã thu hút sự quan tâm của lũ làng.
Trăn trở mãi, cuối cùng ông Dứch cũng lặn lội vượt hàng trăm km đường rừng, quyết tâm tìm mua những chiếc tua-bin phát điện về cho buôn làng. “Hôm đó, trời mưa to nên đường rừng trơn trượt. Mình gọi thêm một thanh niên trong làng đến dắt một con bò đực 7 gang tay, cùng mình xuống thị trấn để đổi lấy chiếc tua-bin về” – ông Dứch nhớ lại. Chiếc tua-bin 3 lạng (0,3 Kwh) đã được ông Dứch chấp nhận đổi ngang với con bò đực của mình, háo hức về khoe với buôn làng.
Sau gần một tuần hì hục đắp sông, lắp ráp máy tua-bin để “câu” điện về nhà, cuối cùng “máy thủy điện” cũng phát sáng ánh điện đầu tiên nơi núi rừng trước sự ngỡ ngàng của bà con làng bản. Câu chuyện về những “cục sắt” có thể phát ánh sáng rõ hơn cả mặt trăng, cứ thế thu hút sự tò mò và thích thú của lũ làng. Đêm đến, cả dân làng 56B lại kéo nhau lên tận nhà ông Dứch, ngồi chơi đến tận khuya để được xem ánh sáng của bóng đèn điện trong niềm vui háo hức.
Trưởng thôn 56B, ông Hiên Chinh nhớ như in cái đêm đầu tiên dân làng 56B không một ai ngủ được. “Tất cả đều thức, ngắm nghía bóng đèn tròn phát ra ánh sáng chói lọi, rõ hơn cả mặt trăng vào những đêm trung thu. Chiếc tivi trắng đen vừa được ông Dứch mua về, phát ra những âm thanh là lạ, có cả bóng và tiếng người, khiến đồng bào thích thú” – ông Chinh nhớ lại.
Chuyện nhà ông Dứch có điện thắp sáng, cứ thế lan nhanh đến khắp các buôn làng người Ve ở cả xã Đắc P’ree, rồi Đắc Pring. “Thời đó, thấy nhà ông Dứch có điện, đồng bào ai cũng muốn nhà mình được ánh sáng. Nhưng nhiều gia đình còn khó khăn nên dù có muốn mấy cũng đành chịu” – già làng thôn 56B, ông Brôl Nhót kể lại. Nhưng chỉ hơn 1 năm sau đó, khắp buôn làng rừng núi Đắc P’ree đã được bừng sáng bởi ánh điện tua-bin mang lại. Tất cả, cũng đều nhờ “miệng nói hay, tay làm giỏi” của ông Dứch mà ra, bởi ông đã lặn lội khắp vùng vận động nhân dân cùng làm “thủy điện” để phục vụ cuộc sống sinh hoạt.
Từ ngày có điện, đời sống của đồng bào vùng cao Đắc P’ree đã dần “thay da, đổi thịt”. Những chiếc tivi, quạt điện đã dần được người dân mua về, phục vụ cuộc sống. Trong mỗi câu chuyện của bà con, có cả những tin tức, sự kiện “nóng hổi” diễn ra trong nước và quốc tế được truyền tai nhau ngay trong lúc làm nương, tổ chức tiệc tùng, cưới hỏi. “Có điện, có tivi, dân làng được lợi nhiều thứ lắm! Từ chuyện biết cách làm ăn, sinh đẻ có kế hoạch, cho đến việc biết phân biệt sai trái để tránh sự dụ dỗ của kẻ xấu” – ông Brôl Ên, Bí thư Chi bộ thôn 56B bộc bạch.
Bây giờ, mỗi khi nhắc đến chuyện làm “thủy điện”, những già làng người Ve ở xã Đắc P’ree, Đắc Pring đều không còn tròn xoe mắt ngạc nhiên nữa. Bởi điện sáng đã gắn với cuộc sống của đồng bào từ gần 20 năm nay. Ở cả xã Đắc P’ree và Đắc Pring này, tính đến thời điểm này, hệ thống điện tua-bin cũng đã “phủ” rộng hơn 70% các hộ gia đình đều được sử dụng, phục vụ cho nhu cầu cuộc sống sinh hoạt hằng ngày từ việc chiếu sáng, làm mát cho đến sạc pin điện thoại, máy tính,…
Tuy nhiên, theo ông Brôl Trường – Chủ tịch UBND xã Đắc P’ree, từ nhiều năm nay do dòng sông Ring chảy qua địa bàn xã liên tục bị khô cạn do thời tiết nắng nóng kéo dài nên dòng điện từ những chiếc tua-bin rất yếu. Có gia đình, điện không đủ sáng bóng đèn nên đành sống trong cảnh tối tăm. “Hơn nữa, chúng tôi cũng luôn kiểm tra và tuyên truyền đồng bào trong việc thận trọng khi sử dụng các dòng điện tua-bin này. Bởi do hệ thống đơn giản nên sẽ rất dễ gây ra những sự cố không đáng có nếu người dân bất cẩn. Do đó, nguy cơ bị điện giật là điều cần được báo trước”, ông Trường cho biết thêm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Luật Điện lực (sửa đổi): Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần NQ55 và KL76
-
Nhà nước là chủ sở hữu vốn nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp