Chuyện nghề của một người thợ điện
Sống và lớn lên trên một con phố nhỏ thuộc phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, chàng trai Nguyễn Hồng Phong gia nhập Xí nghiệp Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) ngay từ khi rời ghế nhà trường. Đầu tháng 9, chúng tôi gặp anh đang cùng tổ vận hành điện thực hiện công tác treo biển báo nguy hiểm trên các trạm biến áp dọc theo tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, mấy anh em ngồi tâm sự chuyện nghề, chuyện đời. Khi chúng tôi hỏi anh làm thợ điện được bao nhiêu năm thì anh Phong hồn nhiên bấm đốt ngón tay bảo: “Tính ra mình leo cột điện cũng ngót 25 năm, thuộc loại thợ hết bậc từ cách đây 2-3 năm rồi đấy. Quanh năm suốt tháng vùi đầu với mấy cái máy biến thế nên cũng chẳng biết là 20 năm đóng bảo hiểm là đủ tiêu chuẩn nghỉ hưu hay chưa…”.
Anh Nguyễn Hồng Phong đang sửa chữa trạm biến áp Láng Hạ
Là một người từng trải trong suốt các thời kỳ khó khăn của kinh tế thị trường, chứng kiến sự phát triển và trưởng thành của nhiều lớp thợ điện Hà Nội, anh Phong có khá nhiều kỷ niệm buồn vui trong nghề. Khi còn trẻ, sức lực tràn đầy, anh luôn tự hào đã từng kiếm tiền trăm, tiền triệu mỗi ngày. Cho đến nay, phần lớn xã hội vẫn mù mờ chuyện thợ điện “kiếm tiền” như thế nào. Anh Phong giơ đôi tay đầy gân guốc của mình lên khẳng định: “Chỉ bằng đôi tay này thôi chú ạ!”. Anh Phong chia sẻ, khi còn thanh niên, anh có sức khỏe trời phú, mỗi bữa ăn 5 bát cơm, có thể thức 3-4 đêm liền mà chẳng thấy mệt. Bên cạnh công việc cơ quan phải làm theo lịch trực ban của đơn vị, ngoài giờ cứ nhà nào cần thợ điện là anh tới làm. Từ việc lên sơ đồ, thiết kế đường dây điện trong nhà đến đi dây điện, tìm và sửa chữa những hỏng hóc của mạng điện gia đình… Được cái nết chăm chỉ, thật thà, ai gặp một lần cũng quý mến nên cứ xong việc này nối việc kia chẳng bao giờ hết. Ngày qua ngày, từ hai bàn tay trắng anh Phong tích cóp được số vốn kha khá để mua đất, xây nhà, tậu cơ ngơi riêng hơn hẳn bạn bè cùng lứa.
Trong chuyên môn, anh Phong có một trí nhớ kỳ lạ khiến nhiều anh em đồng nghiệp khâm phục gọi bằng “thầy” kèm theo một cái biệt danh là “Phong áp”. Hiện nay, một tổ vận hành điện tại Hà Nội phụ trách một khu vực có trung bình khoảng 100 trạm biến áp. Anh Phong đã công tác nhiều năm trên địa bàn các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy tại nhiều khu vực như Kim Liên, Quốc Tử Giám, Láng Hạ… nhưng hỏi bất kỳ trạm biến áp nào, anh cũng đọc vanh vách sơ đồ điện, điện áp, loại biến áp đang sử dụng là loại nào, sản xuất năm bao nhiêu… Anh còn hồ hởi kể tôi nghe chuyện đội vận hành trạm khu vực Kim Liên vừa gọi cho anh ngày hôm trước bởi cả đội không thể mở trạm biến áp số 19 để tiến hành sửa chữa. Sau khi loay hoay mất cả buổi sáng, anh Thủy đội trưởng phải nhờ đến “thầy Phong”. Nghe điện, anh Phong nói ngay: “Đấy là loại máy biến áp kiểu Liên Xô cũ, có 2 cái chốt an toàn trên và dưới. Muốn mở trạm phải vặn đồng thời cả hai chốt cùng một lúc mới mở được”. Kể xong câu chuyện, anh cười khà khà tâm đắc: “Không mở được máy thì chỉ có bó tay còn sửa với chữa cái nỗi gì!”.
Trong ký ức, anh Phong vẫn còn nhớ như in những năm 80-90, khi đi sửa chữa các máy biến áp cách điện bằng dầu DO. Đây là công nghệ chế tạo máy biến áp cũ dùng dầu DO vừa để làm mát vừa để cách điện trong các trạm biến áp. Lần đầu tiên anh “đối mặt” xử lý sự cố chập điện với biến áp này là ở khu vực Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm. Khi vừa mở cửa trạm, khói đen đặc kèm theo mùi khét lẹt và lửa nóng ùa ra khiến những anh em đứng gần nhất phải bật ngửa người, xây xẩm mặt mày. Sau khi những anh em phía sau kịp thời kéo ra khỏi khu vực khói đen và sơ cứu như hô hấp nhân tạo, xoa bóp lồng ngực thì cả đội mới hồi sức hoàn hồn. Sau sự cố này, cứ gặp những sự cố chập điện của loại biến áp chạy dầu là khi mở cửa trạm, anh lại bắt anh em chuẩn bị sẵn sàng “bỏ chạy”. Phải đợi ít nhất 30 phút để khói tan hết mới bắt đầu vào trạm xử lý sửa chữa biến áp. Sau này các nhà khoa học đã khẳng định “chạy là đúng” bởi hồ quang điện và dầu DO của máy biến áp khi chập cháy sẽ sinh ra khí CO, một chất khí cực độc có thể gây chết người và các bệnh ung thư.
Làm thợ điện, lại là phụ trách vận hành nên phải thường xuyên làm việc căng thẳng vào mỗi dịp lễ, tết, sự kiện lớn của thành phố. Mỗi năm cứ vào dịp tết cổ truyền, anh lại là người trực tết nhiều nhất của đội. Hơn thế nữa, mỗi khi có sự cố đường dây, trạm biến áp thì không kể ngày đêm, các anh đều phải tới hiện trường, đưa ra các phương án và xử lý một cách nhanh nhất. Chính vì bận rộn công việc nên nhiều anh em thợ điện không có thời gian để học lên bậc đại học và gần gũi gia đình, vợ con. Anh Phong cũng như phần lớn thợ điện trên cả nước luôn có sự tiếc nuối bởi bỏ lỡ thời gian có thể học hành tốt nhất thời trai trẻ vì mải mê kiếm tiền. Khi muốn học thì không thể nhồi chữ nghĩa vào đầu nữa. Trong câu chuyện, anh nhắc nhiều và rất tự hào về hai cậu con trai đều ngoan và có chí tự lập cao, ít tuổi nhưng đều chăm chỉ học hành và thương bố.
Những người thợ điện thuộc thế hệ đầu tiên của EVN Hà Nội đã cống hiến cho dòng điện của thủ đô được vận hành ổn định, thông suốt. Chuyện về những hy sinh thầm lặng của các anh tưởng như xa vời nhưng rất gần gũi với cuộc sống của mỗi người dân Hà Nội.
Thành Công
-
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn đến hết năm 2025
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành
-
Nhiều bài học kinh nghiệm quý sau thành công của Dự án đường dây 500kV mạch 3
-
Giá điện có thể được điều chỉnh tăng gần 10%
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Khu kinh tế Nghi Sơn và đường dây đấu nối, vượt tiến độ 4 ngày
-
Hoàn thành nâng công suất Trạm biến áp 500kV Sông Mây
-
Bài 1: Để Quy hoạch phát triển điện lực được thực thi
-
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn đến hết năm 2025