Chuyên gia quốc tế: Kinh tế Việt Nam phục hồi ngoạn mục
Công nhân tại một xưởng may ở Hưng Yên (Ảnh: Reuters). |
Trong bài viết đăng trên Diễn đàn Đông Á (East Asia Forum) ngày 30/1, Suiwah Leung, Phó giáo sư về kinh tế tại Trường chính sách công Crawford, Đại học Australia, cho rằng kinh tế Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu hồi phục.
Theo ông Suiwah Leung, năm 2022, những căng thẳng địa chính trị do xung đột Ukraine gây ra, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chững lại cùng với việc giá năng lượng và nhiên liệu tăng cao trên phạm vi toàn cầu làm gia tăng những rủi ro cho kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi hậu Covid-19.
"Bất chấp những thách thức này, kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi mạnh nhờ chuyển dịch thành công từ chính sách kiểm soát dịch nghiêm ngặt sang sống chung với Covid-19, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 8,03%", bài viết nêu.
Tác giả cũng chỉ ra, thị trường lao động, việc làm trong nước có xu hướng phục hồi, trong khi lĩnh vực xuất khẩu cho thấy khả năng thích ứng với những tác động toàn cầu. Tỷ lệ việc làm đã trở về lại mức trước đại dịch, thu nhập hộ gia đình cũng tăng trung bình 5,8% tính đến giữa năm 2022. Tuy nhiên, cú sốc Covid-19 cũng vẫn để lại những hậu quả. Tính đến tháng 4/2022, thu nhập của gần 1/4 hộ gia đình ở các thành thị của Việt Nam vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước đó.
Tình hình giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), du lịch quốc tế và kiều hối cũng cho thấy dấu hiệu khởi sắc. Cụ thể, giải ngân FDI tăng lên 10 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022, mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là điện tử, tiếp tục tăng nhanh. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Samsung hoặc có kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam hoặc chuyển nhà máy đến Việt Nam.
Chính sách tiền tệ được nới lỏng trong 9 tháng đầu năm. Đến tháng 9/2022, Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm để đối phó với sức ép lạm phát do giá năng lượng, chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng. Lạm phát cuối năm 2022 của Việt Nam ước khoảng 3,5%, vẫn trong giới hạn mục tiêu 4% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra.
Ông Suiwah Leung đánh giá, kinh tế Việt Nam nhìn chung đã đứng vững ngoạn mục trước những thách thức trong năm 2022. Tuy nhiên, nguy cơ suy thoái và suy giảm kinh tế của 3 đối tác thương mại lớn nhất gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đang đặt ra một câu hỏi lớn đối với đà phục hồi của Việt Nam trong năm nay.
Theo ông Leung, Việt Nam vẫn còn một số dư địa tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn khi nợ công giảm xuống còn khoảng 43,1% GDP.
Hồi tháng 12/2022, các nước G7 nhất trí cung cấp 15,5 tỷ USD giúp Việt Nam chuyển đổi cơ cấu tiêu thụ năng lượng, giảm phụ thuộc vào than đá. Theo kế hoạch này, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 47% trong sản lượng điện của Việt Nam vào năm 2030. Do phần lớn nguồn tài chính này là các khoản vay, nên Việt Nam cần đảm bảo năng lực tài khóa để duy trì niềm tin của các bên cấp vốn. Ông Leung cho rằng, sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đến lúc Việt Nam cần tập trung ổn định tài chính trong ngắn hạn, cải thiện tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp
-
Dự báo 2 kịch bản tăng trưởng GDP về đích năm 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 11/10: Thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc tiến sát mốc 150 tỷ USD
-
Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 22/10: Nhập khẩu sắt thép của Việt Nam tăng mạnh
-
[Infographic] Ô tô nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam
-
Qatar phải cạnh tranh với các nhà cung cấp LNG linh hoạt
-
Xem xét bỏ phạm trù "quản lý nhà nước" đối với doanh nghiệp nhà nước để tạo sự đột phá
-
Giá vàng hôm nay (22/10): Thị trường thế giới tiếp đà leo dốc