Chuyện đại gia ở Việt Nam
Kỳ I: Nhận diện con đường đại gia
Lâu nay, mỗi khi nói tới những nhân vật nắm giữ những tài sản có giá trị lên tới hàng trăm, hàng ngàn và thậm chí là chục ngàn tỉ đồng là lập tức dư luận xã hội sẽ gắn cho họ cái mác đại gia, đại gia chứng khoán, đại gia bất động sản (BĐS), đại gia tài chính – ngân hàng.
Và như một cái lẽ thường tình, họ lập tức được liệt vào hàng ngũ nổi tiếng, những nhân vật có tiếng nói trong xã hội. Nhưng khi mà số lượng các đại gia phát triển một cách chóng mặt thì dư luận xã hội lại đang đặt câu hỏi: Đại gia sinh ra từ đâu mà lắm thế?
Ô tô siêu sang là một trong những thứ đồ chơi xa xỉ của đại gia Việt Nam.
Từ giấc mơ “cây đũa thần” của một giám đốc
Đại gia tức là nhà lầu, xe sang, là những món đồ hàng hiệu, đắt tiền, là những thú chơi “độc nhất, vô nhị”, là một cuộc sống sung túc, được trọng vọng, được ăn to nói lớn, là muốn gì được đấy, đó chính là viễn cảnh mà bất kỳ ai trên thế giới đều mơ ước tới. Đặc biệt là giới kinh doanh thì đó chính là mục tiêu, là khát vọng và là giấc mơ cháy bỏng mà họ luôn theo đuổi. Câu hỏi làm sao có thể trở thành đại gia cũng vì thế mà được không ít người đặt ra. Nhưng muốn là một chuyện còn làm lại là một chuyện khác.
Trần Anh Tuấn – Giám đốc một công ty xây dựng ở Hà Nội trong một lần “quá chén” cùng tôi đã chia sẻ rằng: Nói thật với em, bao năm nay chạy vạy, buôn ba khắp nơi, thi công hết công trình này đến công trình khác thật đấy nhưng toàn công trình, dự án nhỏ lẻ, chỉ vài 3 tỉ đồng nên cũng ăn thua gì! Lợi nhuận thì thấp mà chi phí thì lại vô kể, tính đi tính lại thì không khác gì mình đi làm công không cho mấy bác quan chức, lãnh đạo. Có chăng, cái mình nhận về chỉ là phần “đầu thừa, đuôi thẹo” mà thôi. Ấy vậy nhưng vẫn phải làm, làm để giữ mối quan hệ và cũng là để chờ cơ hội.
“Chỉ cần một dự án, mà phải là dự án cỡ trăm tỉ, ngàn tỉ là anh mày sẽ đổi đời ngay. Nhà lầu chứ gì? Xe sang chứ gì?... chỉ sau một đêm sẽ có tất” - Tuấn nói.
Tuấn kể: Anh có ông bạn là giám đốc một công ty xây dựng cầu đường ở huyện Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc. Anh này vốn dĩ là đối tác làm ăn nhiều năm của Tuấn và cũng trong cảnh “bao năm lăn lộn chẳng có gì” giống anh, thậm chí là còn bi kịch hơn anh khi mà quanh năm phải đau dầu với các khoản vay theo kiểu “vay chỗ nọ, đập chỗ kia”. Tuy nhiên, cách đây 3 năm, chẳng biết là do “lộc trời” hay là vì sự “chân thành”, biết chăm sóc các bác ở tỉnh, anh này nhận được một dự án làm đường có tổng mức đầu tư lên tới hơn 1.000 tỉ đồng.
Thế là cuộc sống của anh này bỗng chốc thay đổi. Chiếc xe Matiz cũ kỹ biến thành chiếc Lexus giá bạc tỉ, căn nhà 2 tầng cũ kỹ ngày nào bỗng biến thành một ngôi biện thự nguy nga, lộc lẫy nằm trên phần diện tích đến cả ngàn m2 với nào là bể bơi, hòn non bộ, cây cảnh tiền tỉ,... Hỏi ra thì mới biết, sau khi nhận được dự án trên, việc đầu tiên anh này làm chính là “tân trang” cho cái gia cảnh “nghèo nàn” trước đó của mình bởi với một dự án làm đường có mức đầu tư lên tới cả ngàn tỉ đồng thì chỉ cần biết cách làm, doanh nghiệp có thể bỏ túi cả trăm tỉ đồng, còn nếu “khôn khéo” thì chuyện thu về vài ba trăm tỉ là bình thường.
Trong câu chuyện có phần gì đó cay cú của mình, Tuấn bảo: Đại gia Việt là ai? Họ sinh ra từ đâu? Từ đất, từ khoáng sản chứ còn ở đâu nữa. Chỉ cần xin được thành lập một dự án BĐS, chạy được một giấy phép khai thác khoáng sản rồi tiến hành các thủ tục niêm yết lên sàn chứng khoán, phát hành cổ phiếu là thu được cả chục, cả trăm tỉ đồng ngay.
Câu chuyện của chúng tôi kết thúc ở đây nhưng những lời chia sẻ tưởng chừng “vô bổ”, mang nặng tính cá nhân của Tuấn lại khiến tôi chợt nghĩ đến một điều, con đường trở thành đại gia ở Việt Nam hóa ra chỉ có vậy, nó thật khó mà cũng thật dễ! Chỉ cần một khoảnh khắc ngắn ngủi, “chỉ cần một phép màu nhiệm” để một dự án, một giấy phép,... rơi vào tay mình là đã trở thành đại gia.
Đến những câu chuyện trở thành số 1
Ông Đặng Thành Tâm - đại gia số 1 sàn chứng khoán Việt Nam 2007.
Trong danh sách những đại gia Top đầu 2012, ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (với mã chứng khoán KBC) chỉ đứng vị trí thứ 3, tuy nhiên, năm 2007, với những biến động “thuận lợi” của nền kinh tế, ông đã sở hữu ngôi vị số 1 trong bảng danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sinh năm 1964 tại thành phố cảng Hải Phòng. Năm 1976, ông theo gia đình vào thành phố Hồ Chí Minh và đến năm 1982 thì trở về Hải Phòng để theo học Đại học Hàng Hải Việt Nam. Có một điểm đáng lưu ý mà rất ít nhiều người biết về ông Đặng Thành Tâm trước khi trở thành một doanh nhân, một người nổi tiếng thì ông đã từng thất nghiệp.
Theo một thông tin trên báo chí, những năm 1980, ngành hàng hải đang rất "hot" bởi mỗi chuyến đi thủy thủ được trợ cấp 50 USD. Nhưng sau này, chuyến tàu ít đi, vậy là hai năm trời chàng thanh niên Đặng Thành Tâm bơ vơ. Và chỉ đến khi "dạt" vào làm ở công ty của chị gái, tố chất kinh doanh mới được thổi bùng lên.
Một điểm nhấn đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong cuộc đời doanh nghiệp của ông và của cả các thành viên trong gia đình ông là cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997- 1998. Vào thời điểm đó, với nhiều doanh nghiệp, cuộc khủng hoảng chẳng khác gì một “cơn bão” có sức tàn phá vô cùng mạnh mẽ và cũng có không ít doanh nghiệp đã phải gục ngã trước nó thì Khu công nghiệp Tân Tạo lại tìm kiếm được cơ hội phất lên nhanh chóng.
Tổng chi phí cho Dự án Tân Tạo hết khoảng 32 triệu USD, vốn điều lệ công ty chỉ vẻn vẹn 1 triệu USD, đang loay hoay không biết xoay đâu ra tiền thì chạm trán ngay khủng hoảng.
Nhưng cũng chính nhờ nó mà ông Đặng Thành Tâm có cơi hội tiếp cận vốn vay ngân hàng. Trong khi nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vì suy thoái, thì Đặng Thành Tâm đã chớp cơ hội giá vật liệu xây dựng giảm 50%, được Nhà nước hỗ trợ lãi suất, ông mạnh dạn vay vốn xây nhà xưởng. Xây xong cũng là lúc khủng hoảng đi qua, giá cả phục hồi, vậy là lãi được gấp đôi.
Chiến thuật tương tự được vị doanh nhân này áp dụng trong cuộc khủng hoảng năm 2008. Lúc thị trường đi xuống, nhiều doanh nghiệp phải bán tháo BĐS, ông đã tranh thủ mua lại với giá rẻ ở khu Ngoại giao đoàn, đường Láng Hạ (Hà Nội) và ẵm luôn 1 ha đất ở quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) với giá 2 triệu đồng mỗi m2.
Chiến công lớn gây xôn xao dư luận gần đây của Đặng Thành Tâm là đánh bật nhiều đối thủ nặng ký để giành được dự án khách sạn 5 sao Lotus, một trong những dự án hàng đầu Hà Nội với tổng mức đầu tư lên tới 500 triệu USD do Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) làm chủ đầu tư trước đó. Nhờ vậy mà thị trường ốm yếu, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc vẫn có hàng nghìn tỷ trong tài khoản.
Đó chỉ là một trong những cột mốc đáng nhớ trên con đường thương trường của ông Đặng Thành Tâm, sự thành công ngoài sức tưởng tượng của các dự án, các kế hoạch kinh doanh BĐS chính là tiền đề đưa ông trở thành người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2007.
Nếu như năm 2006, trong số các công ty mà các thành viên trong gia đình ông nắm giữ mới chỉ có Công ty Đầu tư và Khu công nghiệp Tân Tạo lên sàn và giá trị cổ phiếu của ông chỉ dừng ở mức 371,6 tỉ đồng thì chỉ một năm sau đó, khi Công ty Đầu tư Kinh Bắc lên sàn, với 30 triệu cổ phiếu KBC và 4,2 triệu cổ phiếu ITA, ông Tâm có trong tay gần 6.300 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần so với người đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng của năm 2006 (người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2006 là ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT với tổng giá trị tài sản chứng khoán là 2,4 tỉ đồng).
"Bầu" Đức - nhân vật số 1 sàn chứng khoán Việt Nam năm 2008.
Câu chuyện khác là trường hợp của ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (với mã chứng khoán là HAG), người sở hữu ngôi vị số 1 trong “bảng vàng” những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2008 với tổng giá trị tài sản là 6.160 tỉ đồng, vượt qua ông Đặng Thanh Tâm.
Cũng như hầu hết các đại gia khác, dấu ấn ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc tài sản nắm giữ đều thông qua việc phát hành trái phiếu chứng khoán, năm 2006, Sở giao dịch chứng khóa thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định Chấp thuận niêm yết cổ phiếu cho công ty của ông với khối lượng cổ phiếu niêm yết gần 180 triệu cổ phiếu, tương đương 1.798 tỉ đồng.
Và chỉ 2 năm lên sàn, tính đến 31/1/2008 và sau 15 năm xây dựng, phát triển, từ một phân xưởng nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã Chưhdrông (Pleiku, Gia Lai), công ty của ông lúc này với tên gọi Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã có tổng giá trị tài sản ròng lên tới 25.576 tỷ đồng, vượt xa so với con số 11.600 tỷ đồng đầu năm 2007 và với số cổ phần nắm giữ, ông nghiễm nhiên trở thành đại gia chứng khoán số 1 Việt Nam trong năm 2008 và năm 2009.
Trong một lần trả lời báo chí, khi nói về sự tăng trưởng vượt bậc tài sản ròng của Hoàng Anh Gia Lai, ông Đức cho hay: Sở dĩ đạt được con số trên là do Hoàng Anh Gia Lai hiện đang sở hữu 27 dự án BĐS, trong đó có những dự án đã được đầu tư và mua đất từ năm 2000. Do giá thị trường BĐS, đặc biệt là căn hộ cao cấp tăng cao nên tổng giá trị tài sản ròng của tập đoàn cũng tăng.
Kỳ II: Đại gia Việt suy yếu vì đâu?
Thanh Ngọc
-
Nhà đầu tư "loay hoay" huy động vốn cho dự án năng lượng tái tạo
-
ADB: Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 17% vào năm 2070
-
Giá vàng hôm nay (31/10): Đồng loạt tăng
-
Nhiều ngân hàng kinh doanh tích cực trong 9 tháng đầu năm
-
Giá vàng hôm nay (30/10): Tiếp đà tăng mạnh