Chuyện chưa biết về việc bếp núc trên tàu ra Trường Sa
“Hiện tại đã tới giờ ăn cơm, kính mời thủ trưởng và đoàn công tác xuống nhà ăn để dùng cơm” – hàng ngày 3 lần, từ chiếc loa phát thanh trên con tàu HQ 571 trong hải trình ra Trường Sa tặng quà Tết và chuyển quân lại vang lên. Để có được những tiếng quen thuộc đó là cả một sự cố gắng lớn của đội phục vụ hay còn gọi là những "anh nuôi" ở trên tàu.
Nấu ăn là công việc rất quen thuộc, tuy nhiên nấu ăn ở trên tàu biển, nhất là vào mùa cuối năm, sóng to, gió lớn như thế này thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Để mỗi bữa phục vụ hơn 250 suất ăn đầy đủ dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh trong điều kiện như thế cho đoàn hành trình không phải chuyện đơn giản. Điều đáng khâm phục hơn, toàn bộ 12 người trong tổ phục vụ đều không phải là những đầu bếp chuyên nghiệp. Nếu không tham gia hành trình thì họ là những lái xe, thợ sửa hay cán bộ, chiến sỹ của Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải Quân.
Trung úy Đỗ Văn Trung nấu canh trên chiếc bếp rất đặc biệt của tàu HQ 571. |
Trung úy Đỗ Văn Trung, một lái xe thuộc Đại đội 12, phòng Hậu cần của Lữ đoàn 146 vừa bê nồi canh to từ bếp xuống chia sẻ, đây là lần thứ 2 anh trở thành anh nuôi trên tàu ra Trường Sa. Công việc nấu ăn trên tàu trong những lúc trời yên biển lặng thì cũng bình thường như ở đất liền. Song mỗi lúc gặp sóng to thì lại là cả một vấn đề. Những nồi canh sôi trên bếp chòng chành, thậm chí mỗi khi tàu rung lắc mạnh, nồi canh có thể đổ ập bất cứ lúc nào.
“Làm việc này khó nhất là lúc mưa bão, chỉ cần không cẩn thận một chút thôi là bị bỏng ngay. Chúng tôi phải vừa nấu vừa buộc nồi lại vào thành bếp hoặc một người nấu thì có 2 người giữ nồi” – anh Trung kể.
Không những vậy, để đảm bảo bữa ăn đầy đủ cho mọi người trên tàu, anh em trong tổ phục vụ phải dậy từ 4 giờ sáng để có thể phục vụ được bữa ăn đầu tiên trong ngày. Ngay sau đó, họ lại lập tức bắt tay vào nấu bữa trưa và cứ như vậy là bữa tối. Do không phải là những đầu bếp phục vụ trên tàu chuyên nghiệp nên trong những lúc biển động, một số anh em trong tổ phục vụ cũng bị say sóng. Dù vậy, mọi người vẫn cố gắng để hoàn thành được nhiệm vụ của mình.
Lần đầu tiên làm công việc của anh nuôi trên tàu, Trung sỹ trẻ Phạm Văn Hiền, quê ở Bình Thuận chia sẻ: “Trong những ngày đầu tiên lên tàu, em cũng bị say sóng, tổ phục vụ đôi khi chỉ còn 3-4 người là đủ sức khỏe. Những anh em này phải làm công việc của tất cả những người còn lại nên vất vả lắm. Nhưng sau vài ngày thì chúng em cũng quen dần với điều kiện ở đây và cố gắng phụ giúp anh em”.
Anh em trong tổ phục vụ của tàu HQ 571 đang chia cơm cho bộ đội. |
Hiền là người đảm nhiệm việc nấu cơm trên tàu. Anh tiết lộ để có được những nồi cơm chín đều trên con tàu hay lắc lư thì cần nấu trong những cái nồi rất to và phải xoay nồi liên tục. Điện ở trên tàu cũng không được như ở trên bờ nên để nấu tới hơn 10 nồi cơm to, anh phải đảo hết nồi này tới nồi khác chứ không thể bấm nút một cách đơn giản như ở nhà.
Mồ hôi ướt nhẹp, tổ trưởng Phạm Hùng Sơn chỉ đạo các anh em trong tổ phục vụ chia cơm. Đã nhiều lần đi cùng đoàn công tác nên anh Sơn là người có kinh nghiệm nhất và được cấp trên tín nhiệm giao nhiệm vụ. Theo anh Sơn, việc nấu ăn trên tàu đã khó, việc chia thức ăn và cơm còn khó khăn hơn. Sóng gió khiến việc di chuyển không thể như bình thường. Các anh phải đi hình chữ chi để cơm canh không bị đổ.
Trong chuyến tàu ra Trường Sa, có cả những người lần đầu tiên phải đi dài ngày trên biển nên say sóng là điều khó tránh khỏi. Không thể tự xuống nhà ăn, các anh em trong tổ phục vụ còn bê cơm lên tận phòng hoặc nấu một thực đơn riêng cho những người bị say sóng để có thể giúp họ đảm bảo sức khỏe. Khó khăn vất vả là vậy, nhưng tổ trưởng Sơn vẫn cho rằng, bộ đội còn vất vả hơn nhiều và việc của các anh vẫn chưa thấm tháp gì.
Tổ trưởng Sơn (trái) cùng anh em trong tổ phục vụ chia cơm.
|
“Được đi theo phục vụ cho những chiến sỹ Trường Sa thật sự là một niềm vinh dự cho chúng tôi. Chính vì thế dù trong bất cứ điều kiện và hoàn cảnh như thế nào, chúng tôi vẫn phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình với tinh thần nhiệt huyết cao nhất. Đảm bảo được bữa ăn cho các đồng chí, giúp họ có được sức khỏe tốt nhất để sẵn sàng nhận nhiệm vụ chính là niềm vui lớn của chúng tôi” – anh Sơn nói.
Có ở trong cuộc mới thấy những anh nuôi trên các chuyến tàu ra Trường Sa đã phải chịu vất vả thế nào để có thể hoàn thành công việc của mình. Để thay cho lời kết cho bài viết này, có lẽ chỉ cần lời của một trong những chiến sỹ đi cùng hải trình của HQ 571: “Tôi sẽ nhớ mãi chuyến đi này, nhớ mãi sự phục vụ ân cần của các anh em trong tổ phục vụ. Chính sự phục vụ chu đáo, tận tình, hợp lý, khoa học đã giúp cho những người đến với Trường Sa như chúng tôi vượt qua những cơn say sóng, bảo đảm sức khỏe để sẵn sàng nhận nhiệm vụ bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc”.
Theo VOV
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
-
“Không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón”
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn