Chương trình “Sóng và máy tính cho em”: Gieo hạt mầm yêu thương
Cùng dự tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ có lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng; Đại diện một số bộ ngành và doanh nghiệp tài trợ. Điểm cầu 63 tỉnh, thành do đại diện lãnh đạo địa phương chủ trì.
Trên 1,5 triệu học sinh thiếu thiết bị học tập
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức dạy học trực tuyến, song do hệ thống đường truyền Internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học hoạt động chưa tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập, sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả.
Toàn cảnh lễ phát động tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ |
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch Covid-19 (thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg) có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả. Chương trình ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Theo tổng hợp của Bộ GD&ĐT, đến thời điểm ngày 12/9, cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến (một số tỉnh chỉ học trực tuyến một số vùng, có tỉnh không giản cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến), với số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu học sinh. Số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến cần hỗ trợ ước khoảng 1,5 triệu em.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động gồm ba cấu phần: có sóng, có Internet đến tất cả các hộ gia đình; có máy tính cho các em thuộc các hộ nghèo; có giá cước phù hợp cho các máy tính này.
Đây là một chương trình lớn của mọi ngành, mọi cấp và mọi người, mọi doanh nghiệp dành cho ngành giáo dục, dành cho các em, dành cho tương lai của chúng ta. Giá trị của nó lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Có sóng cho em, có Internet cho em thì không chỉ là nỗ lực của nhà mạng, mà còn là sự chung tay của chính quyền các cấp, của người dân trong việc tạo điều kiện cho nhà mạng phát triển hạ tầng, xây dựng các trạm phát sóng.
“Một chiếc máy tính bảng cũ có thể bị chúng ta bỏ quên ở đâu đó, nhưng lại có thể giúp thay đổi cuộc đời của một em học sinh, giúp em đi học những ngày giãn cách, giúp em tiếp cận kho tri thức nhân loại, giúp các em lớn lên với đầy đủ tri thức để cống hiến lại cho cuộc đời. Chương trình này kêu gọi mọi người dân Việt Nam, ai có máy tính cũ, ai có máy tính mới hãy giúp các em.
Chương trình cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp toàn quốc hỗ trợ, người nhiều người ít, nhưng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với cộng đồng, với con cháu mình, với tương lai đất nước mình. Đất nước Việt Nam, người dân Việt Nam chính là cái nôi, là mảnh đất nuôi dưỡng các doanh nghiệp. Chăm lo cho mảnh đất ấy cũng chính là chăm lo cho chính mình trong dài hạn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Chương trình sẽ truyền đi năng lượng tích cực
Phát biểu phát động chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ với những khó khăn, vất vả về điều kiện học tập của học sinh, giáo viên trong giai đoạn hiện nay. Theo Thủ tướng, do dịch bệnh nên ngành Giáo dục phải tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy và học trực tuyến, tuy nhiên, một trong những vấn đề này sinh khi tổ chức dạy trực tuyến tại những địa phương bị ảnh hưởng dịch bệnh là thiếu thiết bị học và thiếu sóng Internet. Điều này có thể dẫn đến hệ quả thiếu công bằng, ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chương trình “Sóng và máy tính cho em” có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, Thủ tướng cho rằng: Ngoài việc hỗ trợ cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn ở vùng dịch thiết bị học trực tuyến, chương trình còn góp phần để chúng ta hướng tới phủ sóng Internet ở những vùng còn chưa có sóng và nâng cao chất lượng sóng nhằm mục tiêu ứng dụng phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội và nhất là phát triển xã hội số, chuyển đổi số.
Sóng và máy tính là phương thức học tập mới mang tính tình thế nhưng phù hợp trong điều kiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, để các cháu, nhất là các cháu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện học tập bình đẳng trong tiếp cận học tập. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, đây là phương thức học tập mới, nên đòi hỏi các nhà giáo, các cơ sở giáo dục, các chuyên gia tâm lý và các em học sinh phải điểu chỉnh phương thức dạy và hoc, nhất là các thầy cô phải điều chỉnh nội dung, giáo trình, thời lượng và khối lượng kiến thức phù hợp để các cháu tiếp thu một cách tốt nhất, đặc biệt đối với các cháu bước vào lớp 1 và cuối các cấp học.
Thủ tướng lưu ý, tiếp cận máy tính và không gian mạng đối với trẻ em là một trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn, mở ra chân trời mới, có nhiều kiến thức rộng lớn bổ ích và lý thú nhưng cũng tiềm ẩn mối nguy hiểm với các em, nếu nhà trường, gia đình và xã hội không chủ động có các biện pháp định hướng và các giải pháp đề phòng thì rất dễ có những vấn đề không đáng có xảy ra. Vì vậy, song song phát triển sóng và máy tính, chúng ta phải có giải pháp phù hợp để ngăn chặn thông tin xấu độc, ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" |
“Chương trình “Sóng và máy tính cho em” là thông điệp thích ứng phù hợp và lan tỏa lòng nhân ái của mỗi chúng ta. Tôi tin tưởng rằng chương trình sẽ truyền đi năng lượng tích cực, ý nghĩa nhân văn đến với cộng đồng để góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn trong kỷ nguyên số và đặc biệt làm cho các học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các em học sinh khó khăn được tiếp cận việc học tập bình đẳng.
Mỗi máy tính, mỗi khu vực có sóng, mỗi trẻ em được kết nối, được học tập trên không gian mạng trong điều kiện phải giải quyết tình thế, góp phần gieo từng hạt mầm để những hạt mầm ấy tiếp tục lớn lên và tiếp tục lan tỏa, tạo thành xã hội số, kinh tế số, tạo thành tình yêu thương trên mọi miền của đất nước ta”, Thủ tướng khẳng định.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã hưởng ứng chương trình, đặc biệt là các doanh nghiệp, cá nhân mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng với tinh thần tương thân tương ái đã sẵn lòng hỗ trợ chương trình ngay lập tức.
Thủ tướng đồng thời yêu cầu Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT, các địa phương xây dựng tiêu chí hỗ trợ máy tính cho học sinh đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và sử dụng hiệu quả. Tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện chương trình ý nghĩa này.
Hơn 1 triệu máy tính sẽ được huy động gửi tặng học sinh khó khăn
Tại lễ phát động, hơn 1 triệu máy tính đã được đăng ký trao tặng tới những học sinh gặp khó khăn học tập trực tuyến. Theo kế hoạch phối hợp giữa Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT, 100% cước phí sẽ được miễn khi học sinh, sinh viên sử dụng một số nền tảng dạy học trực tuyến, đồng thời miễn phí một số phần mềm dạy học trực tuyến. Năm 2021, tất cả những địa phương có học sinh học tập trực tuyến sẽ được phủ sóng Internet di động.
Tiếp nhận và cảm ơn sự ủng hộ, hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức dành cho ngành Giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Hoạt động hỗ trợ, quyên góp, huy động “Sóng và máy tính cho em” là hoạt động thể hiện tinh thần nhân ái, đề cao giá trị tốt đẹp của người Việt Nam. Đây cũng chính là một hành động mang tinh thần giáo dục sâu sắc về tình yêu thương và trách nhiệm xã hội cho tất cả học sinh.
Thay mặt ngành Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp nhận ủng hộ máy tính của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tại lễ phát động |
"Hỗ trợ hàng triệu học sinh lúc này, là hỗ trợ cho cả một thế hệ, giảm bớt khó khăn và thiệt thòi cho các em hôm nay là chúng ta giảm bớt gánh nặng xã hội cho hàng chục năm về sau. Giúp các em học tập hôm nay là chăm lo cho tốc độ và chất lượng phát triển đất nước trong tương lai.
Đường truyền mạng, sóng và thiết bị máy tính cho các em là sự kết nối mang tính vật lý và cơ giới phục vụ học tập, nhưng cũng là sự kết nối bền chặt hơn giữa con người với con người, sự kết nối các vùng miền và kết nối hiện tại với tương lai", Bộ trưởng nói.
Khẳng định tiếp thu và triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ một cách đầy đủ, sâu sát, toàn diện, Bộ trưởng cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để triển khai từng nội dung, nhiệm vụ. Sẽ tiếp nhận, điều phối, sử dụng một cách hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch các nguồn hỗ trợ của các tập thể, cá nhân.
Ngoài ra, ngành Giáo dục sẽ chú ý điều chỉnh về phương pháp dạy và học, nội dung dạy và học, kiểm tra, đánh giá phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới, phù hợp với việc vừa triển khai dạy học trực tiếp, vừa triển khai dạy học trực tuyến cũng như dạy học trên truyền hình.
Chú ý các biện pháp để hướng dẫn và hỗ trợ an toàn về sức khỏe học trực tuyến, hỗ trợ các biện pháp tâm lý để làm giảm đi các khó khăn cho cha mẹ học sinh và học sinh trong quá trình học trực tuyến. Đồng thời, phối hợp cùng với Bộ Y tế để triển khai sớm nhất việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh, triển khai mở cửa trường học một cách an toàn và sớm nhất.
“Toàn thể thầy và trò ngành Giáo dục sẽ nỗ lực dạy thật tốt, học thật tốt để đáp lại tấm lòng của Thủ tướng và toàn thể xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
N.H
* Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
-
[VIDEO] Thủ tướng đến Nga dự Hội nghị BRICS mở rộng
-
Xuất nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện - Động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế
-
Nhiều địa phương miễn 100% học phí cho học sinh các cấp
-
Thủ tướng Chính phủ công bố Ngày hội Đổi mới sáng tạo Quốc gia
-
NIC: Hạt nhân thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam
-
Bão Trami giật cấp 14, di chuyển nhanh về vùng biển Trung Trung Bộ
-
Quảng Ngãi: Tạm dừng tàu thuyền hoạt động từ 26/10 để phòng tránh bão số 6
-
Tử vi ngày 26/10/2024: Tuổi Mão ấn tượng tốt đẹp, tuổi Mùi tràn đầy năng lượng
-
Bão Trami có thể gây mưa đến 700mm, cảnh báo ngập lụt diện rộng
-
Quảng Ngãi: Lên phương án ứng cứu tàu chở hàng mắc cạn gần cảng Dung Quất
- Tử vi ngày 26/10/2024: Tuổi Mão ấn tượng tốt đẹp, tuổi Mùi tràn đầy năng lượng
- Tử vi ngày 25/10/2024: Tuổi Thìn phát huy tài lẻ, tuổi Thân tiến triển tích cực
- Tử vi ngày 24/10/2024: Tuổi Tý quý nhân che chở, tuổi Ngọ tài lộc rực rỡ
- Tử vi ngày 23/10/2024: Tuổi Dần phát huy tiềm năng, tuổi Dậu cơ hội phát triển
- Tử vi ngày 22/10/2024: Tuổi Tỵ cải thiện thu nhập, tuổi Tuất phát huy điểm mạnh
- Tử vi ngày 21/10/2024: Tuổi Sửu trải nghiệm mới mẻ, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 20/10/2024: Tuổi Dần tính toán tài tình, tuổi Thân thận trọng lời nói
- Tử vi ngày 18/10/2024: Tuổi Mão mở rộng ngoại giao, tuổi Ngọ nắm bắt cơ hội