Chuẩn bị khởi động dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh
Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh có tổng mức đầu tư khoảng 47.480 tỷ đồng (tương đương 1.998 triệu USD), là dự án điện đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu tại miền Bắc, có công suất lên tới 1.500MW. Đây là dự án có vai trò quan trọng trong sự phát triển công nghiệp điện, tạo cơ hội để phát triển các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là ngành công nghiệp khí, đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 57.700 tỷ đồng trong vòng 25 năm.
Cuối năm 2020, tổ hợp nhà đầu tư bao gồm PV Power, COLAVI, Tokyo Gas và Marubeni đã cùng ký biên bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển dự án điện khí, trong đó có dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh. Đây đều là những nhà đầu tư lớn, có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, đầu tư xây dựng, vận hành các dự án năng lượng hàng đầu tại Việt Nam và Nhật Bản.
Nhà máy điện khí LNG. (Ảnh minh họa) |
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam
Thành lập từ năm 2007 với số vốn điều lệ ban đầu là 7.600 tỷ đồng, trải qua 15 năm xây dựng, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power), đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), hiện đã trở thành nhà sản xuất điện năng lớn thứ 2 tại Việt Nam, đứng đầu trong lĩnh vực điện khí với 7 nhà máy có tổng công suất 4.208MW, vốn điều lệ hơn 23.000 tỷ đồng, hàng năm đóng góp vào lưới điện quốc gia khoảng 21 tỷ kWh điện. Tất cả các nhà máy của PV Power đều áp dụng những công nghệ hiện đại nhất thế giới ở thời điểm xây dựng, đảm bảo tính ổn định lâu dài; công tác vận hành các nhà máy luôn được thực hiện an toàn, ổn định.
Theo chiến lược phát triển định hướng đến năm 2035, tổng công suất đặt của PV Power phấn đấu đạt từ 5.760 - 7.260 MW, sản lượng điện bình quân năm khoảng 40 tỷ kWh. Thực hiện Chiến lược phát triển đã được phê duyệt, PV Power hiện đang tập trung phát triển nguồn điện khí sử dụng LNG. Trước khi tham gia đầu tư vào dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, PV Power đã và đang quyết liệt triển khai đầu tư dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4, cũng là dự án điện sử dụng nhiên liệu LNG đầu tiên của Việt Nam. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào quý II/2024.
Trong dự án Nhà máy điện LNG Quảng Ninh, với tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, đầu tư xây dựng, vận hành kho cảng LNG và nhà máy điện, PV Power thể hiện rất rõ quyết tâm của mình bằng việc thúc đẩy thành lập tổ hợp đầu tư. PV Power cũng là đơn vị tích cực làm việc với tỉnh Quảng Ninh, từ giai đoạn nghiên cứu và đề xuất dự án đến việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung dự án LNG Quảng Ninh vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Công ty CP cơ khí và lắp máy Việt Nam
Công ty CP Cơ khí và Lắp máy Việt Nam (COLAVI JSC) thành lập năm 2003, tiền thân là Công ty CP Cơ khí Yên Thọ, hoạt động chủ yếu trong ngành gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại.
COLAVI chuyên thực hiện các dự án EPC, EP, PC, BOO thuộc lĩnh vực công nghệ tuyển quặng, vận chuyển khoáng sản bằng băng tải, đồng thời chế tạo kết cấu thép phi tiêu chuẩn, lắp máy đáp ứng nhu cầu dân dụng và các ngành công nghiệp nặng như sản xuất điện, xi măng, vật liệu xây dựng, luyện thép, cán thép,…
Trải qua 17 năm phát triển, COLAVI đảm nhiệm thiết kế và thi công nhiều tuyến tải vận chuyển khoáng sản phục vụ các nhà máy nhiệt điện phía Bắc, phần lớn hoạt động tại tỉnh Quảng Ninh. Hiện tại, COLAVI đang làm chủ công nghệ băng tải vận chuyển vật liệu - phương pháp được tín dụng hiện nay bởi đem lại hiệu quả kinh tế cao và giảm thiểu khí thải môi trường. Một số đối tác chính của doanh nghiệp là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam Vinacomin, Tập đoàn Hoa Sen Group và Tổng Công ty thép Việt Nam VNSteel.
Tập đoàn Tokyo Gas
Tập đoàn Tokyo Gas được thành lập năm 1885, là một trong những công ty khí lớn nhất Nhật Bản và có vị thế quan trọng trong ngành khí toàn cầu. Tokyo Gas đang cung cấp khí cho hơn 11 triệu khách hàng tại Nhật Bản, đồng thời là nhà cung cấp khí hóa lỏng chính cho nhiều thành phố lớn ở Nhật Bản như Tokyo, Kanagawa, Saitama, Chiba... Tokyo Gas có nguồn LNG ổn định từ các dự án tham gia góp vốn tại Mozampich, Canada và Vịnh Mexico (Hoa Kỳ).
Trong quá trình tự do hóa thị trường năng lượng của Nhật Bản, ngoài kinh doanh khí, Tokyo Gas còn đầu tư vào các nhà máy điện. Năm 2017, Tokyo Gas mua 24,9% cổ phần của Công ty CP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam. Việt Nam là nước thứ hai sau Malaysia mà Tokyo Gas mua cổ phần doanh nghiệp để tham gia phân phối khí gas.
Tháng 8/2016, Công ty Tokyo Gas Asia, công ty 100% vốn chủ sở hữu của Tokyo Gas, cùng với Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), Tập đoàn Bitexco thành lập công ty có tên LNG Vietnam có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, nhằm phân phối khí hỏa lỏng cho các khách hàng lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tập đoàn Marubeni
Tập đoàn Marubeni là một trong 5 tập đoàn thương mại lớn của Nhật Bản, hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng, hóa chất và lâm sản, năng lượng và kim loại, dự án điện và nhà máy, máy móc vận tải và công nghiệp…
Sau 20 năm hoạt động tại Việt Nam dưới hình thức văn phòng đại diện, Marubeni chính thức ra mắt Công ty TNHH Marubeni Việt Nam vào tháng 12/2011 nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đầu tư.
Ngoài LNG Quảng Ninh, đại diện Tập đoàn Marubeni cũng đã tới Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất kế hoạch xây dựng một nhà máy điện khí LNG, sau 2 năm nghiên cứu. Dự án dự kiến được xây dựng trên diện tích 200ha, với tổng công suất 4.800 MW. Dự kiến dự án này có vốn đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD, quý II/2025 sẽ đưa vào vận hành thương mại, hợp đồng mua bán điện sẽ được thực hiện trong khoảng 25 năm sau đó.
Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được xây dựng trên diện tích 56ha tại phường Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả), bao gồm 1 nhà máy điện khí LNG công suất 1.500MW, 1 bến nhập LNG cho tàu trọng tải 71.500DWT; 2 kho chứa LNG công suất 100.000m3/kho cùng hệ thống tái hóa khí. Kết nối giữa bến cập tàu và kho chứa LNG là tuyến ống dẫn LNG lỏng dài khoảng 3,0-3,5km. Ngoài ra, nhà máy sẽ được đấu nối với hệ thống lưới điện quốc gia bằng tuyến đường dây 500kV xây dựng mới dài khoảng 30km từ nhà máy đến trạm 500kV Quảng Ninh tại xã Thống Nhất (TP Hạ Long). Nhà máy được thiết kế sử dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp có hiệu suất cao trên 62%, được chế tạo bởi các nhà sản xuất tua bin khí hàng đầu trên thế giới như: GE (Mỹ), Siemens (Đức), Mitsubishi (Nhật Bản)… Đồng thời, Nhà máy sẽ sử dụng khí nhiên liệu hóa lỏng nhập khẩu với lượng tiêu thụ khoảng 1,2 triệu tấn/năm, đây là loại nhiên liệu sạch, góp phần đảm bảo giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Dự kiến khi đi vào hoạt động, Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh sẽ cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh điện/năm, là nguồn điện bổ sung quan trọng, cần thiết, kịp thời cung cấp cho nhu cầu phát triển kinh tế ngày càng tăng của tỉnh và cho khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong thời gian xây dựng, Nhà máy cũng sẽ giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương./. |
Trúc Lâm
-
Gỡ vướng mắc các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu
-
Mô hình tối ưu hóa thị trường điện Bắc Âu
-
TS. Ngô Đức Lâm: Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Duyên Hải và đấu nối: Đáp ứng nhu cầu điện cho tỉnh Trà Vinh
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Định Quán và đấu nối: Tăng cường đảm bảo điện cho tỉnh Đồng Nai và khu vực