Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Thực phẩm biến đổi gen:

Chưa có bằng chứng nguy hại

08:52 | 10/12/2015

462 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép nhập cảng và canh tác một số thực phẩm biến đổi gen như ngô, đậu nành… thì câu hỏi thực phẩm biến đổi gen có an toàn cho người sử dụng hay không lại được đặt ra như trước đó. Trả lời cho câu hỏi này có nhiều ý kiến trái chiều nhưng chung quy vẫn phải dựa trên cơ sở khoa học. Vậy chứng cớ khoa học ấy như thế nào?  

Thực ra không phải bây giờ mà thực phẩm biến đổi gen đã xuất hiện ở nước ta từ năm 2005 không chỉ là nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi mà thậm chí còn là thực phẩm trong bữa ăn của người Việt. Viện Công nghệ sinh học, Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long… của ta còn chuyển thành công các gen của kháng thuốc diệt cỏ, kháng sâu, gen tăng tổng hợp provitamin A… vào lúa, bắp cải, đu đủ, hoa, ngô… Tuy chưa đại trà nhưng tất cả những sản phẩm biến đổi gen này đều đã đưa vào sử dụng. Từ năm 2004, Việt Nam cũng đã trở thành thành viên chính thức của Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học với sinh vật biến đổi gen gồm 200 quốc gia tham gia với vai trò thành viên. Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Nghị định số 38/2012 của Chính phủ, Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường cũng đã đặt ra vấn đề này khi hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn ghi nhãn với thực phẩm có tỷ lệ thành phần nguyên liệu biến đổi gen lớn hơn 5%. Như vậy với tất cả những động thái trên, thực phẩm biến đổi gen phần nào đã được chấp nhận ở nước ta.

tin nhap 20151117150218
Ngô biến đổi gen

Điều đó càng rõ hơn khi mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hàng triệu tấn ngô, đậu nành để sản xuất thức ăn chăn nuôi, đơn cử như riêng 10 tháng năm nay, nước ta đã nhập hơn 3 triệu tấn ngô biến đổi gen của Mỹ, Brazil, Argentina, chiếm 80% trong tổng số lượng ngô nhập khẩu.

Và không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ cùng với những nước thuộc khu vực Bắc Mỹ, những nước đang phát triển… đã sử dụng thực phẩm biến đổi gen từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đến nay do nhu cầu sử dụng mà từ năm 1997 đến nay, diện tích nuôi trồng sinh vật biến đổi gen đã tăng gấp 80 lần, từ 17 nghìn km2 đến hơn 1,3 triệu km2. Cùng với đó, thực phẩm biến đổi gen toàn thế giới đã tăng đến 95%, trong đó Mỹ 46%, Brazil 16%, Argentina 15%, Trung Quốc 3%...

Vậy thực phẩm biến đổi gen có hại đối với sức khỏe con người và môi trường hay không trong khi diện tích nuôi trồng và sử dụng thực phẩm biến đổi gen ngày càng tăng như vậy?

Theo các nhà khoa học câu hỏi nghi ngại này bắt đầu chính từ bản chất của biến đổi gen là trên cơ sở gen có sẵn thông qua công nghệ di truyền, con người tạo ra nhiều vật nuôi, cây trồng mới. Nói một cách khác dễ hiểu hơn là người ta ghép gen mới hoặc loại bỏ những gen có hại của sinh vật (đột biến gen) để thay đổi về chất lượng hoặc số lượng. Cũng cần nói thêm ở đây, việc biến đổi gen này không chỉ diễn ra dưới bàn tay con người mà ngay cả trong tự nhiên, sinh vật cũng có thể tự biến đổi gen theo quá trình tiến hóa. Chẳng hạn, cây kiwi cho quả thơm ngon mà chúng ta hay ăn hiện nay trước đây chính là cây lý gai hoang dại, không ăn được. Nhưng sau khi tự biến đổi gen một cách ngẫu nhiên nó trở thành cây kiwi cho quả rất ngon. Hay năm 2006, người ta ghép gen của con giun tròn vào lợn để tăng khả năng tạo a-xít omega 3 và biến đổi gen để lợn tăng hấp thu Phốt pho trong thực phẩm…

Do sự biến đổi gen như vậy, dù sản phẩm đạt mục đích về số lượng hay chất lượng nhưng nhiều người vẫn lo lắng về tính an toàn của sinh vật vì quan niệm với hệ thống gen vốn có, sinh vật mới cho sản phẩm bảo đảm. Còn thay đổi gen, chất lượng sản phẩm cũng thay đổi theo. Mà trong thực tế, nhiều sinh vật thay đổi gen cũng đã cho thấy điều này, không những vậy lại còn có hại cho con người, môi trường.

Tuy nhiên, với những thực phẩm biến đổi gen đang sử dụng ngày càng nhiều hiện nay như ngô, đậu nành, hạt cải dầu… đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy có hại cho sức khỏe và môi trường sống... Cụ thể, tỷ lệ dị ứng thực phẩm biến đổi gen và thực phẩm truyền thống là ngang nhau và chủ yếu do cơ địa cá nhân. Các nhà khoa học của Nga, Pháp, Áo… khảo sát khả năng đậu nành biến đổi gen tác động tới sinh sản của chuột thì kết quả được cho là chưa ghi nhận điều gì. PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam khẳng định tại một hội nghị về thực phẩm biến đổi gen rằng, y văn thế giới chưa ghi nhận bất lợi do thực phẩm biến đổi gen gây ra. Ngay cả cộng đồng châu Âu, dù rất thận trọng trong sử dụng thực phẩm biến đổi gen nhưng cũng đã tài trợ 130 dự án gồm 500 nhóm nghiên cứu độc lập để đánh giá an toàn của thực phẩm biến đổi gen. Kết quả nghiên cứu được công bố: Thực phẩm biến đổi gen không gây hại so với thực phẩm truyền thống. Và công bố này cũng đã được đăng tải trên 500 bài báo khoa học. 

Còn GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam thì nhận định, cây trồng biến đổi gen để diệt sâu hại là những enzym chỉ tác dụng trong hệ tiêu hóa loài côn trùng, không ảnh hưởng lên con người và động vật. Ở Mỹ, nhiều sinh viên tình nguyện ăn tinh thể enzym này vào và thấy chúng được thải an toàn theo đường tiêu hóa. GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam thì xóa tan nghi ngại: “Không nên coi thực phẩm biến đổi gen là cái gì đó quá kinh khủng”.

Trong khi tác hại của thực phẩm biến đổi gen vẫn còn chưa được khẳng định và các ý kiến trái chiều vẫn chưa thống nhất thì một giải pháp đặt ra lúc này theo các nhà khoa học là đối với những thực phẩm biến đổi gen nên ghi nhãn để người mua nhận biết được trên cơ sở đó quyết định sự lựa chọn. Nếu như ở các nước khác như Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia… thực phẩm có nguyên liệu biến đổi gen chiếm từ 5%, Hàn Quốc là 3%, Australia là 1%... phải ghi nhãn thì ở ta theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn ghi nhãn với thực phẩm có tỷ lệ thành phần nguyên liệu biến đổi gen 5% trở lên.

Ông Phạm Văn Toản, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh tại hội nghị về thực phẩm biến đổi gen rằng: “Mục đích của việc ghi nhãn là cung cấp thông tin để người tiêu dùng có quyền lựa chọn chứ không liên quan đến cảnh báo an toàn. Thực phẩm biến đổi gen đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thực phẩm đồng nghĩa nó an toàn như thực phẩm truyền thống”.

Dù chưa thống nhất về mức độ an toàn của thực phẩm biến đổi gen thế nhưng có một điểm mà tất cả các nhà khoa học phải thừa nhận là trồng cây thực phẩm biến đổi gen sẽ tiết kiệm chi phí và mang lại năng suất cao vượt trội so với cây thực phẩm truyền thống. Cụ thể ở Việt Nam, theo tính toán của đại diện hai công ty đã được phép nhập khẩu giống ngô và đậu nành biến đổi gen là DeKalb (Mỹ), Syngenta VietNam (Thụy Sĩ) và thực tế cũng đã được nông dân ở những vùng đang trồng thí điểm những loại cây này như Phú Thọ, Đồng Nai minh chứng, mỗi ha sẽ tiết kiệm 2-3 triệu đồng tiền thuốc trừ sâu do loại cây này chống chịu được sâu bệnh. Đối với thuốc trừ cỏ thì nông dân chỉ phải dùng loại chuyên dụng và chỉ phun một lần ở thời điểm 30 ngày sau gieo hạt. Còn năng suất trung bình tăng 10-30% so với cây truyền thống. Chính vì năng suất cao như vậy nên thực phẩm biến đổi gen được xem là giải pháp để giải quyết bài toán dân số hiện đang tăng tới mức đáng báo động trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế thì cây thực phẩm biến đổi gen nếu được trồng đại trà ở Việt Nam sẽ gặp khó khăn lớn nhất là nguồn giống, sẽ phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp, giá giống lại cao hơn giá giống thông thường 80 nghìn đồng. Như vậy cứ 1ha ngô sử dụng 20kg giống phải tốn thêm 1,6-2 triệu đồng.

Với tất cả những lợi ích và nguy hại còn đắn đo, từ thực tế trồng thí điểm các cây lương thực biến đổi gen đang được thực hiện cùng với các nghiên cứu khoa học, thực tiễn trên thế giới, hy vọng các nhà khoa học trong nước sẽ có câu trả lời cuối cùng thực phẩm biến đổi gen có hại hay không trong tương lai.