Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Chữa bệnh sĩ diện hão thế nào?

07:00 | 07/03/2013

12,024 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Xem ra, căn bệnh sĩ diện hão đã ngấm vào trong máu thịt của người Việt rồi. Và cứ xem thực trạng xã hội hiện nay thì rõ ràng căn bệnh sĩ diện hão ngày càng nảy nở và trầm trọng hơn.

Trong bài “Họa sĩ diện hão”, chúng tôi đã đề cập đến một vấn đề - đó là căn bệnh sĩ diện hão đang có ở khắp nơi, khắp chốn, trong đủ mọi tầng lớp xã hội và đủ loại người. Hậu quả của căn bệnh này đã tác động không nhỏ đến đời sống xã hội, xây dựng và phát triển kinh tế.

Có thể nói tất cả những khiếm khuyết của nền kinh tế đang bộc lộ hiện nay từ ngân hàng đến bất động sản, từ công nghiệp đến nông nghiệp; rồi trong các ngành y tế, giáo dục, nơi nào cũng thấy những hậu quả của căn bệnh sĩ diện hão.

Có thể nói chính từ căn bệnh sĩ diện hão này đã nảy sinh ra một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, đó là bệnh duy ý chí.

Chúng ta đã có những bài học đau đớn về sự duy ý chí trong xây dựng và phát triển kinh tế.

Còn nhớ sau giải phóng miền Nam năm 1975, lúc đó Việt Nam đứng trên đỉnh cao của vinh quang và đang là tâm điểm của loài người yêu chuộng hòa bình.

Lúc ấy chúng ta tưởng rằng làm cái gì cũng được.

Khi bàn đến việc gì có vẻ khó khăn, người ta thường nói đến câu: “Đánh Mỹ còn được, huống hồ…?”. Rồi chúng ta tưởng rằng đánh Mỹ được, đằng sau lưng lại có khối xã hội chủ nghĩa hùng cường thì việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến lên chủ nghĩa cộng sản là việc… “trong tầm tay”. Từ đó, sinh ra tâm lý chủ quan, muốn đốt cháy giai đoạn… Và thế là ào ạt phong trào đi lên “sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa” bằng cách nhập các hợp tác xã cấp thôn lại thành cấp xã, rồi nhập huyện, nhập tỉnh…

Người ta không cần biết rằng, mỗi tỉnh, huyện, vùng dân cư… có đặc tính riêng, có bản sắc văn hóa riêng, có phong tục tập quán, lối sống riêng và nhất là tính cục bộ bản vị của người Việt thật khủng khiếp. Cho nên, như đàn ngựa hoang, khi “nhốt” ráo cả vào “một chuồng”, mọi việc cứ lộn tùng phèo lên. Chẳng những kinh tế không phát triển, mà tình người cũng bị xói mòn. Việc ấy để lại hậu quả mà mãi đến thập niên 90 của thế kỷ trước mới giải quyết xong.

Căn bệnh sĩ diện hão thật ra trên thế giới, dân tộc nào cũng có, nhưng ở Việt Nam xem ra lại nặng nề hơn cả. Sở dĩ chúng ta “sĩ diện” hơn thiên hạ bởi xuất phát từ đặc tính sống duy tình của người Việt và từ một nền kinh tế tiểu nông. Làm nông nghiệp cuộc sống vốn bần hàn, khổ cực, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, vì vậy nảy sinh tâm lý muốn tỏ ra “hơn người”, cốt là để che giấu cái thiếu thốn của mình.

Cũng do phải đối mặt và chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai mà người ta phải “chung lưng đấu cật” để cùng tồn tại và có tính cộng đồng rất cao; dễ gắn kết khi quyền lợi bị xâm phạm; nhưng lại dễ chia rẽ, vô cảm khi cuộc sống bình lặng. Cũng từ tính cộng đồng cao mà người Việt rất coi trọng danh dự: “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng”; “tốt danh hơn lành áo”… Nhưng cũng chính vì “quá” trọng danh dự nên lại sinh bệnh sĩ diện, coi mình là “nhất” và “một miếng giữa làng, hơn một sàng xó bếp” rồi “đem chuông đi đấm xứ người. Không kêu cũng đấm một hồi cho kêu”…

Rồi cũng từ cái suy nghĩ “tiểu nông” này mà sinh ra tính đố kỵ: thấy người khác giàu thì khó chịu, ghen ghét; thấy người ta nghèo thì coi khinh.

Ai đi ra nước ngoài (nhất là ở châu Âu) đều thấy người ta không có tính sĩ diện hão, thể hiện rõ nhất đó là trong ăn uống. Họ gọi đồ ăn vừa đủ, không có lối “mâm cao, cỗ đầy”, ăn nhậu thừa mứa như ta. Khi ăn xong, nếu còn thừa, họ sẵn sàng gói lại, mang về… Trong khi đó, chúng ta nghèo, muốn ăn no đã khó, chứ chưa dám nói ăn ngon, vậy mà sự lãng phí thấy nơi nào cũng có. Chỉ thị của Chính phủ về cấm dùng rượu ngoại khi tiếp khách, liên hoan… nhưng có mấy nơi chấp hành đâu.

Tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy” đã khiến cho nhiều người cố chạy theo thành tích để thỏa mãn cái sĩ diện hão của mình.

Xem ra, căn bệnh sĩ diện hão đã ngấm vào trong máu thịt của người Việt rồi. Và cứ xem thực trạng xã hội hiện nay thì rõ ràng căn bệnh sĩ diện hão ngày càng nảy nở và trầm trọng hơn.

Vậy muốn chữa trị căn bệnh này phải làm thế nào và bắt đầu từ đâu?

Chắc chắn trước tiên phải là những người lãnh đạo từ cấp thấp đến cấp cao. Nếu như người lãnh đạo dám nhìn thẳng vào sự thật tại đơn vị, cơ quan, địa phương… do mình quản lý và dám nói ra sự thật đó, dù có phũ phàng đến mấy, thì sẽ ngăn chặn được tính sĩ diện hão của cấp dưới, từ đó chặn được thói báo cáo gian dối, chạy theo chủ nghĩa thành tích. Nhưng để làm được điều này, lại cũng đòi hỏi người lãnh đạo không sợ mất ghế… mà đây quả là việc khó.

Người lãnh đạo mà sĩ diện 1 thì cấp dưới sĩ diện 2; người lãnh đạo báo cáo gian dối 1 thì cấp dưới báo cáo gian dối 10.

Rồi một điều cần phải làm cho bớt tính sĩ diện hão, bớt ảo tưởng mọi người, ấy là đừng có tô vẽ ra những điều quá lạc quan trước những kế hoạch xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… Cần phải nhìn thấy tất cả những khó khăn sẽ nảy sinh dù đó là do nguyên nhân khách quan hay chủ quan.

Suốt một thời gian dài, trẻ em Việt Nam, mới đi học đã được dạy dỗ rằng, nước ta tiền rừng bạc biển, dân ta dũng cảm và cần kiệm… Nhưng hầu như không dạy cho trẻ em biết rằng, đất nước chúng ta vốn xuất phát điểm ở mức thấp thế nào? Dân trí ra sao? Và những tính xấu cố hữu của người Việt.

Tại sao không dạy cho trẻ em biết nước ta thiên tai lắm, hết lũ lụt lại hạn hán… Cho nên cha ông ta đã dạy phải biết “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”.

Rồi tại sao không dạy cho con trẻ biết rằng, nước ta chẳng phải “tiền rừng bạc biển” gì đâu, tài nguyên khoáng sản thứ gì cũng có, nhưng chỉ là có… một tý, khai thác lại khó khăn và đòi hỏi phải có kiến thức, có công nghệ, mà những điều kiện đó phải trông chờ vào học vấn và ý chí của các em.

Tại sao không dạy cho các em phải biết tiết kiệm từng hạt lúa, củ khoai, từng miếng cơm, ngụm nước và nếu không biết sử dụng tiết kiệm thì sẽ tới lúc nước chẳng có mà uống đâu?

Tại sao không dạy cho trẻ em biết dân ta kỷ luật lao động rất kém, dân trí thì thấp… Cho nên các em muốn thoát đói khổ, muốn có công ăn việc làm sau này để đủ nuôi cái miệng thì cố mà học cho giỏi.

Bé đã có ảo tưởng nhỏ, thì lớn ắt sinh ảo tưởng lớn… Và đó mới là cái họa.

Cho nên, muốn chữa căn bệnh sĩ diện hão thì chúng ta đừng có… sĩ diện, mà hãy biết nhìn thẳng vào sự thật!

Như Thổ

(Báo Năng lượng Mới số 201, ra ngày 5/3/2013)