Chữ Hiếu thời này
Ảnh minh họa |
Tôi nhập viện khá bất ngờ, khi đi khám bện định kỳ ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, bác sĩ bảo, bác chịu khó nằm viện mấy ngày để làm các xét nghiệm và theo dõi chứng rối loạn nhịp tim. Cùng phòng bệnh với tôi có bác T gần 90 tuổi. Suốt mấy ngày không thấy có con cháu hỏi han, tôi hỏi thì bác nở nụ cười thật hiền: “Tre nứa già thì tốt, người già thì hỏng. Già, ốm đau luôn, chúng nó chán!”.
Chăm sóc, nâng giấc bữa ăn, giấc ngủ là một ô sin (người giúp việc) tên N. Năm nay cô 36 tuổi, quê Cẩm Khê, Phú Thọ. Theo lời N thì cô làm công việc này đã hơn 10 năm nay. Cả hai vợ chồng cùng xuống đây trông nom bệnh nhân tại bệnh viện. Tuần này cô làm ở tầng 4, chú trên tầng 7. Cuối giờ chiều là lúc đỡ việc, cô chú gặp nhau chuyện trò ríu rít. Lại gọi điện thoại video cho đứa con gái đã 16 tuổi và đứa em nó để cả nhà “giao ban”. Thằng em tố chị gái trưa nay cho em ăn cơm chỉ có món rau rền nấu với tép khô. Nghe thế, mẹ cười cười nhưng khóe mắt dân dấn nước. Cô bảo, cuối tuần có lương, bố mẹ về sẽ mua thịt cá cho hai chị em cải thiện nhé. Còn bố thì bảo, chịu khó học giỏi, hôm nào về sẽ thưởng cho bộ quần áo mới. Chú khoe với tôi, cô chị vừa đi thi học sinh giỏi môn toán, cháu giật giải nhì huyện.
N kể, lúc đầu đi làm ô sin cũng áp lực lắm, tưởng phải bỏ “nghề”. Bệnh nhân nhiều người mệt mỏi càng khó tính. Họ quát mắng luôn. Đêm không ngủ được cứ gọi liên tục bảo vỗ lưng, bóp vai, bóp chân, rồi dìu đỡ đi vệ sinh. Lương Ô sin thì theo “giá làng”, chăm người bệnh nặng, liệt nằm một chỗ giá 600 nghìn đồng/ngày, loại nhẹ thì 500 nghìn đồng, so với làm ruộng ở quê thì cũng là nguồn thu kha khá. Tích tiểu thành đại, hai vợ chồng N sau bao năm tích cóp cũng xây được căn nhà rộng rãi, ba tầng ở mé đồi.
Nhiều năm “xa người thân, gần người lạ”, điều gì ấn tượng nhất đối với cô? Có lần tôi hỏi N. Như khơi đúng mạch suy nghĩ lâu nay, người mẹ trẻ ấy kể cho tôi nghe những câu chuyện buồn về tình cảm của con cái đối với cha mẹ. Rằng, ở thành phố, đời sống vật chất khá hơn nhiều so với ở nông thôn chúng cháu, nhưng cứ gợn lên một cái gì đó về sự rạn vỡ mối quan hệ trong mỗi gia đình. Vẫn biết không phải nhà nào cũng thế, nhưng qua câu chuyện ở một số nhà giàu có, cháu thấy các bậc cha mẹ già đang bị tổn thương nhiều lắm. Như trường hợp ông T đây. Ông ấy là một nhà khoa học, khi còn công tác chức vụ cũng kha khá. Các con đều thành đạt, kinh tế khá giả, nhưng chả mấy khi hỏi han đến bố. Mỗi lần ông ốm, việc đầu tiên là anh em bảo nhau chuyển tiền vào tài khoản cho bác trưởng. Bố bệnh gì, diễn biến bệnh tật ra sao chẳng ai để ý. Ông kể, cách đây ba năm ông bị ung thư dạ dầy, phải cắt ba phần tư, may còn sống đến hôm nay, vậy mà vợ chồng cậu út không một lần tới bệnh viện, với lý do đang rất bận hoàn thành một công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước. Cô con dâu lạnh lùng bảo chồng, các “thể loại” ung thư dạ dầy, tiền liệt tuyến không sao, dính vào gan hay phổi mới chết nhanh. Mà cường độ lao động nặng thế này có khi mình còn “đi” trước cụ (!).
Ngừng một lát N kể tiếp, ông C giường bên cũng cám cảnh lắm. Hai đứa con đều đại gia, cũng khoán trắng cho bà mẹ già bị bệnh khớp mãn tính, đi lại chỉ chực ngã. Bố bệnh tim, đặt ba cái ten rồi, thỉnh thoảng ôm ngực kêu đau, thở dốc, hãi lắm. Có đêm con gái đang đi du lịch ở Sinh (Singapore) gọi điện thoại video về bảo gặp bố. Bà đưa máy cho ông, ông xua tay, nói đứt quãng: “Thế ra... nó vẫn còn nhớ... trên đời còn có một... ông bố!”.
Ông C lúc tỉnh táo bảo, nhìn mấy ông bạn già tuy nghèo một tý nhưng có con cái quây quần, nâng giấc bữa ăn giấc ngủ, mình thèm lắm. Trẻ cậy cha, già cậy con. Ai trẻ rồi cũng sẽ già. Kinh Phật bảo, ta chỉ đến cõi này trong một thời gian ngắn. Mình giờ già cũng chả “cậy” gì đâu. Con cái bận công việc, thuê mướn người giúp việc cũng phù hợp với điều kiện sống ngày nay. Con cái chưa đến mức gọi là bất hiếu, nhưng mà cha mẹ buồn, buồn nhất là tình cảm cha con, anh em phai nhạt. Mình chả hoài cổ, đòi các vị ấy lúc nào cũng phải “ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”. Nhưng lòng biết ơn thì không nói trên đầu môi chót lưỡi được. Không phải cái gì cũng dùng tiền mà mua được. Đối với người già, người bệnh, khác nào trái chín cây, lần gặp nào cũng có thể là lần cuối cùng, chả làm sao hiểu được phận làm con chúng đang nghĩ gì? Ngẫm ra, nỗi đau tinh thần mới là nỗi đau ê ẩm. Nỗi đau không chịu ngủ.
Vâng, ông đã nói đến một điều gan ruột về chữ Hiếu trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Hiếu là phạm trù đạo đức được cả loài người ý thức từ rất xa xưa và đặt ra những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức cho phạm trù này. Điểm chung nhất là thái độ ứng xử trong mối quan hệ gần gũi giữa cha mẹ và con cái, là đạo nghĩa, lòng biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đức Phật dạy rằng: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Và, “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc”. Thế nhưng, chữ Hiếu giờ đây, ở nơi này nơi khác, đang có phần bị xem nhẹ cùng với nhiều giá trị đạo đức truyền thống đang bị băng hoại, xói mòn.
Tôi ghi lại mẩu chuyện nhỏ trong bệnh viện, những mong góp đôi điều về câu chuyện vợ chồng con cái trong thời hiện đại, thời khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, trí tuệ nhân tạo (AI) đang từng bước thay thế bộ óc con người, thế giới trở nên chật hẹp như một cái làng. Nhưng lòng người, tình người thì không vì thế mà hẹp lại.
Hải Đường