Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Cho thuê tài chính: Rủi ro và thách thức

19:00 | 10/04/2013

Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bên cạnh kênh tín dụng từ các ngân hàng, thị trường tài chính còn cung cấp một kênh vốn khá hiệu quả, đó là qua công ty cho thuê tài chính (CTTC). Ở nước ta, dù đã được pháp luật ghi nhận từ những năm 90 của thế kỷ trước, tuy vậy, đến nay cả hệ thống chỉ còn 11 công ty hoạt động trong lĩnh vực này và đang ngày càng thu hẹp…

Cho thuê tài chính chưa hiệu quả

Điển hình trong hoàn cảnh này phải kể đến hai công ty CTTC có cùng ngân hàng mẹ - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (NHNN&PTNT VN) là Công ty CTTC I (ALC I) và Công ty CTTC II (ALC II). Theo con số báo cáo chính thức gần nhất từ những đơn vị này, con số lỗ tính đến 2009 của ALC II là 3.000 tỉ đồng, ALC I  cũng không khá hơn khi tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tính đến tháng 6/2010 là âm (-) 200%. Đặc biệt, nợ xấu tại ALC I khó tin lên tới 46,38% (30/6/2010). ALC II mặc dù không công bố báo cáo tài chính kế toán kể từ 2010 nhưng theo nhiều nguồn tin khác nhau, công ty này đang phải gánh số nợ lên tới 7.000 tỉ đồng (vốn điều lệ của ALC II chỉ là 350 tỉ đồng), tình hình tài chính cũng không mấy khả quan, công ty này cũng đang rơi vào tình trạng mất thanh khoản nghiêm trọng, không huy động được thêm nguồn vốn.

Tình trạng thua lỗ như trên là khá phổ biến trong nhóm các công ty CTTC hiện nay. Mới đây ngày 12/3/2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố Quyết định 509 của Thống đốc về việc thu hồi giấy phép hoạt động của Công ty CTTC ANZ/V-TRAC (100% vốn nước ngoài). Tuy vậy, quyết định trên chỉ để hợp thức hóa bởi ANZ/V-TRAC thực chất đã ngừng hoạt động tại thị trường tài chính nước ta từ lâu do hiệu quả hoạt động yếu kém. Ngoài ANZ/V-TRAC, còn 3 công ty CTTC 100% vốn nước ngoài đang hoạt động là Công ty TNHH CTTC Quốc tế Việt Nam, Công ty CTTC Kexim và  Công ty TNHH CTTC Quốc tế Chailease. Tuy vậy, hiệu quả hoạt động các công ty này cũng không cao.

Hoạt động cho thuê tài chính phát triển sẽ tạo thêm nhiều cơ hội giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Trong số 8 công ty CTTC trong nước, chỉ một vài công ty trực thuộc các NHTM lớn mới đủ tiềm lực về vốn và khách hàng để hoạt động ổn định và có lợi nhuận. Số còn lại cũng đang chật vật để tồn tại. Theo ông Đàm Đức Long, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho biết, trong số các công ty CTTC đang hoạt động, hiện chỉ có Công ty CTTC ACB, Công ty CTTC Vietinbank và Công ty CTTC Vietcombank là báo lãi. Lợi thế lớn trong việc nguồn khách hàng tốt và nguồn vốn ban đầu từ công ty mẹ giúp cho các công ty CTTC này kinh doanh ổn định, có lãi với mức tăng trưởng trung bình 20-30%/năm.

Theo thống kê từ NHNN, năm 2012, thị phần tín dụng của các công ty CTTC tại một địa bàn phát triển mạnh về tín dụng như thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ đạt chừng 3-4%/tổng dư nợ trung, dài hạn. Ngoài ra, dư nợ trong hoạt động CTTC lại đang rơi vào những ngành nghề hiện đang gặp nhiều khó khăn như vận tải biển, đóng tàu… vì vậy, nợ xấu cao và gần như không có khả năng thu hồi tài sản.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, để hoạt động CTCT phát triển thì cần phải có cơ chế và thị trường riêng, khác biệt với hệ thống các NHTM, bởi nếu cùng nhắm tới một đối tượng khách hàng, công ty CTTC sẽ không đủ tiềm lực và sức cạnh tranh khi đối đầu với các NHTM.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp hiểu biết về kênh cấp vốn qua dịch vụ CTTC còn hạn chế; hoạt động quảng bá, giới thiệu dịch vụ này đến doanh nghiệp còn yếu. Đa số khách hàng tìm đến với CTTC thường là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không đáp ứng được các yêu cầu của NHTM về uy tín, tài sản đảm bảo, báo cáo tài chính, hoặc do chính NHTM mẹ đẩy xuống... do vậy, công tác thẩm định và đánh giá tình hình tài chính của khách hàng là khó khăn và rủi ro cao.

Một nguyên nhân chủ quan khiến sức cạnh tranh của hoạt động CTTC còn thấp là giá cho thuê (gồm tiền trích khấu hao tài sản thuê, phí, bảo hiểm...) hiện nay còn cao. Nếu bỏ qua các yếu tố an toàn, chi phí bỏ ra ban đầu thấp... thì cho đến hết thời hạn thanh lý hợp đồng CTTC, bên thuê sẽ phải thanh toán tổng số tiền đối với tài sản thuê cao hơn so với đi vay từ các nguồn khác như ngân hàng. Như vậy, nếu tính ra lãi suất thì lãi suất thuê tài chính cao hơn lãi suất vay ngân hàng, bởi vì lãi suất thuê tài chính còn phải cộng thêm các chi phí về lắp đặt, vận hành, bảo hiểm... của bên cho thuê phải bỏ ra.

Môi trường còn nhiều yếu tố bất lợi

Hiện nay, hoạt động của các công ty CTTC đang chịu sự điều chỉnh của Luật các TCTD, Nghị định số 16/2001/NĐ-CP 02/5/2001 về tổ chức và hoạt động của các công ty CTTC và Nghị định số 65/2005/NĐ-CP 19/5/2005 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2001/NĐ-CP.  Cùng với đó là một số thông tư hướng dẫn thực hiện bổ sung. Tuy nhiên, những nghị định này ban hành đã khá lâu và có nhiều điểm không còn phù hợp.

Hiện NHNN quy định rất chặt chẽ việc ngân hàng thương mại cho các công ty “con” là công ty CTTC vay. Vì vậy, để các công ty CTTC có thêm nguồn vốn hoạt động ngoài nguồn vốn ban đầu, NHNN cần nghiên cứu đặc điểm riêng biệt của cho thuê tài chính để có quy định phù hợp, để các ngân hàng mẹ có thể cung ứng vốn cho các công ty cho thuê tài chính hoặc cho phép các công ty CTTC được huy động vốn, tạo điều kiện cho các công ty này phát triển.

Mặt khác, quy định không chặt chẽ về thuê tài sản là một trong những nguyên nhân đẩy các công ty CTTC vào tình trạng rủi ro cao. Hiện rất nhiều doanh nghiệp sau khi thuê tài sản của các công ty CTTC đã tẩu tán tài sản hoặc chây ỳ không trả lại tài sản, chiếm giữ tài sản trái phép hoặc trả lại trong tình trạng tài sản hư hỏng nặng. Những sự việc trên theo quy định có thể kiện ra tòa án nhưng quá trình kiện tụng và thi hành án thường kéo dài, tốn nhiều chi phí và công sức, vì vậy, nhiều trường hợp trong khi chờ được tòa án giải quyết thì công ty CTTC đã lâm vào tình trạng mất thanh khoản, hoạt động cầm chừng.

Ngoài ra, việc thực hiện quy định tỷ lệ an toàn của NHNN, các công ty CTTC chỉ được sử dụng 85% vốn huy động để cấp tín dụng và giới hạn dư nợ tối đa đối với một khách hàng chỉ là 25% vốn điều lệ cũng gây khó khăn cho không ít các công ty CTTC. Với đặc thù nguồn vón nhỏ dao động 150-500 tỉ đồng, chỉ đủ để các công ty CTTC hoạt động trong vài năm, hoặc tài trợ một vài dự án trong khi các công ty này lại không được phép huy động vốn ngắn hạn để bổ sung vào nguồn vốn hoạt động.

Hiện các công ty CTTC đang mong đợi nghị định mới của Chính phủ về tín dụng phi ngân hàng (trong đó có tín dụng cho thuê tài chính) được ban hành để tạo điều kiện cho hoạt động này phát triển. Ngoài ra, các công ty CTTC cũng cần chủ động tìm kiếm đối tượng khách hàng phù hợp, nâng cao chất lượng dịch vụ, cố gắng giảm các loại chi phí đầu vào nhằm hạ giá dịch vụ để thu hút khách hàng. Có như vậy, dịch vụ CTTC mới có thể ổn định và phát triển.

Thành Trung