Chỉ mong muốn học sinh nên người
Thạc sĩ Vũ Duy Hảo - Hiệu trưởng PVMTC:
Tâm huyết với nghề, quan tâm đến trò
Năm nay ngày 20-11 khá đặc biệt đối với Trường cao đẳng nghề Dầu khí (PVMTC), khi cách đây ít ngày trường kỷ niệm ngày thành lập tròn 40 năm. Đội ngũ thầy, cô giáo hiện gắn bó với trường có người đã trên 30 năm và chất lượng đào tạo đều được đánh giá rất cao.
Hiện nay từ chương trình, giáo trình - giáo án giảng dạy đều được biên soạn theo hướng đổi mới, hiện đại, hướng đến chuẩn khu vực và quốc tế, bên cạnh đó, PVMTC luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư đặc biệt của Tập đoàn nên thầy, cô giáo đều rất an tâm công tác, có sự gắn bó lâu dài với nhà trường.
Nhiều thầy, cô giáo theo như tôi nhận xét, có thể dùng từ là cháy hết mình trong công tác chuyên môn trong từng giờ lên lớp để cung cấp cho học sinh - sinh viên những bài giảng rất có chất lượng, để các em có đầy đủ hành trang, kiến thức sau khi ra trường đi làm đóng góp cho sự phát triển của ngành.
Hiện tại môi trường giáo dục Việt Nam có nhiều đổi mới nhưng trong đổi mới cũng gặp không ít bất cập, hạn chế như việc các trường ĐH, CĐ phát triển với tốc độ chóng mặt trong thời gian vừa qua… PVMTC có sự thuận lợi là nhận được sự quan tâm rất lớn của PVN đối với công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, Đảng ủy, Ban Giám hiệu PVMTC rất quan tâm đời sống của giáo viên. Không chỉ đào tạo, PVMTC còn kết hợp làm dịch vụ kỹ thuật để làm sao bản thân ngoài đầu tư của PVN thì giáo viên nhà trường được tăng thu nhập để cho cán bộ, công nhân viên yên tâm, tạo điều kiện cho giáo viên thấy thỏa mái trong công tác để đóng góp cho sự nghiệp trồng người. Chính vì thế mà cán bộ, giáo viên nhà trường rất tâm huyết, bám lớp, bám nghề. PVMTC là ngôi trường có tinh thần đoàn kết, tinh thần tập thể rất cao, có lẽ vì thế mà hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý đa phần cũng từ giáo viên đi lên đều có tâm huyết gắn bó với PVMTC, nhiệt tình công tác, tâm huyết trong từng giờ giảng, luôn quan tâm đến học trò… đã cùng chung sức xây dựng mái trường trong suốt 40 năm qua phát triển ổn định, bền vững.
PGS Văn Như Cương, Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh:
Đổi mới nền giáo dục là nhiệm vụ của toàn xã hội
Nghề dạy học mang đến cho tôi và gia đình rất nhiều niềm vui. Cả nhà tôi hầu như đều làm nghề dạy học; tôi, vợ tôi, tất cả các con tôi và bây giờ là các cháu… Ông cụ thân sinh ra tôi cũng là thầy giáo trường làng từ năm 1920 và ông cụ thân sinh ra vợ tôi cũng thế. Ngoài ra các chị tôi, em gái tôi, các anh rể và em rể cũng làm nghề “đưa đò qua sông” này. Nếu nghề dạy học là “đáng buồn” thì không lẽ gì mà cả gia đình tôi đều ham mê nó đến thế.
Hôm vừa qua tôi nhận được một giấy mời về dự lễ kỷ niệm 95 năm thành lập của Trường tiểu học xã Quang Ngọc, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Sở dĩ tôi được mời vì cách đây 95 năm bố tôi là Hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường đó. Học sinh của năm học đầu tiên không còn ai vì đã ngoài 100 tuổi cả. Nhiều học sinh cũ ở các khóa sau đã về dự… Tôi thực sự xúc động vì mọi người nhắc đến bố tôi như là người đặt nền móng đầu tiên cho ngôi trường đó. Còn tôi, chỉ là con trai của bố tôi cũng được trân trọng tiếp đón… Tôi cảm thấy rằng, người thầy giáo nếu làm tốt công việc của mình sẽ được học sinh và nhân dân quý mến và biết ơn lâu dài. Đó là niềm vui lớn!
Việc học hành của học sinh bây giờ so với ngày xưa có sự khác biệt là rất lớn. Ngày xưa “học” có nghĩa là phải thuộc lòng tất cả những điều có sẵn trong sách vở. Và những học sinh suốt ngày ê a để học như “tụng kinh” được gọi là chăm chỉ. Bây giờ học như thế được gọi là “học vẹt”, nó bị lên án vì không mang lại một lợi ích nào cả. Trong thời đại này cũng xuất hiện những lối học đáng phê phán: học nhồi, học nhét, học qua quýt, học để lấy điểm, học để đi thi. Cũng như mọi người thầy khác, tôi luôn luôn mong muốn học sinh mình thành đạt. Tôi vui mừng khi biết rằng học trò mình đã trở thành những công nhân lành nghề, những người lao động sáng tạo, những nhà khoa học thành công, những trí thức uyên bác, những chính khách lỗi lạc, những nhà lãnh đạo được lòng dân… Thực tế phần đông học trò đã vượt qua thầy, đã giỏi hơn thầy, đã cống hiến cho dân cho đất nước nhiều hơn thầy… và đó là điều đáng quý nhất, mang lại hạnh phúc cho người thầy nhiều nhất.
Tuy nhiên, là một người thầy điều tôi mong muốn nhất hiện nay là cần phải đổi mới nền giáo dục hiện hành. Sự trì trệ và lạc hậu của giáo dục là một cản trở hết sức lớn cho sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Bởi vậy cần phải lựa chọn giữa “đổi mới” hay là “chết”… Nói một cách ngắn gọn thì mục tiêu của giáo dục đổi mới là đào tạo ra những con người có nhân cách và có kỹ năng làm việc tốt.
Đây là một công việc rất lớn lao và rất khó khăn, muốn làm tốt cần tập trung trí tuệ cao của toàn bộ xã hội chứ không riêng gì của ngành giáo dục.
Tôi mong muốn, Bộ GD&ĐT luôn luôn sâu sát thực tiễn bằng cách lắng nghe ý kiến của công luận mỗi khi có vấn đề không được suôn sẻ, luôn luôn tự nâng tầm của mình lên bằng cách hỏi ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, của các nhà sư phạm, của các thầy, cô giáo và học sinh.
TS Hồ Thị Tâm - Trường THPT chuyên Quốc học Huế:
Hãy trả chúng tôi về đúng vị trí người thầy
Giáo dục bất cứ thời đại nào cũng có sứ mệnh cao cả. Giáo dục đúng hướng sẽ làm con người ta tốt hơn lên. Ngược lại, nếu gặp phải một nền giáo dục lệch lạc, sẽ làm hỏng ít nhất một thế hệ con người. Có thể nói không phải đến bây giờ xã hội mới quan tâm đến giáo dục, nhưng phải nói chưa bao giờ cả xã hội lại chung tay với giáo dục như hiện nay. Giáo dục đang nhận được rất nhiều những hành động tiếp sức chung tay xã hội hóa về cơ sở vật chất đến chăm lo đời sống tinh thần của rất nhiều cá nhân, cơ quan đoàn thể. Đó là những việc làm giúp cho ngành giáo dục phát triển, là niềm vui của những người làm giáo dục.
Nhưng bên cạnh đó là sự đòi hỏi về chất lượng giáo dục ngày càng cao. Trước hết xuất phát từ phía phụ huynh. Họ luôn mong ước sự giáo dục của nhà trường sẽ đào tạo cho họ có những đứa con xuất sắc. Thứ nữa là nhu cầu xã hội, trong bối cảnh phát triển về mọi mặt, đặc biệt là kinh tế, luôn cần một lực lượng nhân lực ngày càng phát triển và giỏi về chuyên môn, tốt về nhân cách. Điều đó khiến cho những người làm giáo dục ngày càng chịu nhiều áp lực trong công việc giảng dạy, đào tạo của mình. Trong khi đó, chế độ tiền lương Nhà nước trả cho những người trực tiếp làm công việc giảng dạy, đào tạo lại chưa bao giờ đủ để trang trải những chi phí sinh hoạt trong đời sống hằng ngày. Người giáo viên phải tìm đủ mọi cách để có đủ chi tiêu, như vậy lại ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng giảng dạy, dẫn đến ít nhiều đổ vỡ niềm tin của phụ huynh, của những người quan tâm đến giáo dục đã gửi gắm. Bao năm nay, cái vòng luẩn quẩn này vẫn cứ đang quẩn quanh mối quan hệ giữa người thầy - gia đình - xã hội.
Nếu xã hội ngày trước, phụ huynh gửi con đến trường với mong muốn con được học tập, rèn luyện để trở thành một học sinh bình thường, phát triển lành mạnh thì bây giờ hầu hết phụ huynh gửi con đến trường với mong mỏi con mình phải trở thành nhân tài, người giỏi, phát triển xuất sắc và toàn diện. Đặc biệt là với những gia đình ở các thành phố lớn. Đó thật ra là một điều tốt, nếu quả thật các học sinh đều có tố chất tốt. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có khả năng năng lực trở thành xuất sắc.
Dù phát triển dưới hình thức này hay hình thức kia, tôi luôn thấy bóng dáng của sự giáo dục trong đời sống. Nó có thể tồn tại ở trường học hoặc trong gia đình hoặc trong xã hội, trong các tổ chức đoàn thể của các tổ chức tôn giáo. Một xã hội phát triển không thể không có sự hiện diện của giáo dục. Đó có thể là sự giáo dục từ gia đình hay nhà trường hay tự nhiên thì đều giúp con người được giáo dưỡng để tốt hơn lên. Vì vậy, thời nào, người đóng vai trò giáo dục đều được xã hội lấy làm trọng. Nhưng thời nay, làm nghề giáo quả thật có rất nhiều băn khoăn trăn trở. Dạy phải tốt để được xã hội tôn trọng, đồng thời phải chu toàn đời sống riêng gia đình, theo tôi đó là bài toán khá hóc búa. Nên, vui thì cũng vui nhiều, khi nhìn những lớp học trò của mình ngày càng trưởng thành. Còn buồn? Không biết nói như nào, thôi tôi xin kể chuyện về một phụ huynh có một lần đem đến nhà cô giáo một phong bì với ý nguyện xin cô nâng điểm cho cháu đủ điểm đạt danh hiệu học sinh giỏi để có học bạ “đẹp” sau này dễ xét tuyển vào các trường đại học hơn. Dĩ nhiên tôi hiểu phụ huynh đó rất thương con mà làm vậy. Nhưng trước tình thương và cách hành xử này tôi không biết nên vui hay nên buồn, đáng thương hay đáng trách?
Đơn giản nhất, xã hội nên trả chúng tôi về đúng lại vị trí của người thầy, người giảng dạy truyền tải tri thức bằng tình yêu thương và trách nhiệm, cho chúng tôi dạy học trò cách làm người tốt chứ đừng bắt chúng tôi chỉ việc đào tạo ra người giỏi, người tài mà vô cảm nữa. Muốn vậy, xã hội đừng bắt thầy trò chúng tôi phải tham gia hết các hoạt động của các cơ quan đoàn thể bên ngoài. Phụ huynh đừng ép con mình phải trở thành học sinh giỏi, xuất sắc toàn diện mà để các em được phát triển đúng năng lực của mình. Như vậy, việc học sẽ dễ dàng hơn, đồng thời học sinh cũng được phát triển tối đa năng lực sở trường của các em.
Bao giờ, việc đến trường không trở thành áp lực thì cặp sách con em chúng ta mới nhẹ bớt đi được, việc dạy - học mới trở thành niềm say mê hứng thú. Học trò có thể không trở thành người tài, nhưng chúng có thể trở thành người tốt. Lúc đó mới quay trở lại kính trọng và yêu thương người dạy chúng. Chính người học mới nhận ra giá trị của người thầy để từ đó “Nhất tự vi sư bán tự vi sư” chứ không phải bố mẹ đến nhà để kính thầy thay chúng được. Tôi chỉ có mong muốn duy nhất, là học trò mình được học đúng sở trường, phát huy đúng năng lực và trở thành người tốt. Từ những người tốt đó mới vươn đến phát triển thành tài nhân. Chỉ có thế thôi!
TS Nguyễn Tùng Lâm, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội):
Làm sư phạm phải theo chuẩn mực
“Tôn sư trọng đạo” vẫn luôn là truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay, nhưng hiện nay câu nói này không còn được như ngày trước nữa. Đó là một thực tế. Nhiều năm làm trong ngành giáo dục tôi thấy rằng, về cơ bản, phụ huynh sẽ đối xử tốt, yêu quý các thầy, cô nếu dạy dỗ con cái họ tốt. Còn giáo viên nào có biểu hiện tiêu cực thì họ tỏ thái độ là đương nhiên. Vậy nên, nơi nào thầy, cô biết yêu thương học trò thì nơi đó người tôn trọng nghề giáo.
Nhưng ở một khía cạnh khác, phụ huynh và học sinh bây giờ cũng bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Nếu như ngày xưa, các trò nghĩ kiến thức của các thầy là vô biên, trò có học mãi cũng không hết chữ thầy. Thì bây giờ, học trò có thể học từ nhiều thứ: Từ máy tính, từ thiết bị hiện đại trên mạng Internet… Cũng từ những yếu tố này khiến tính cách của học trò không còn thuần khiết như xưa, đa phần phát triển cá tính mạnh. Nếu thầy nói không đúng thì các em có thể hỏi lại, thậm chí tỏ thái độ. Đó là điều các em có thể làm.
Còn phụ huynh, có thể vì lý do nào đó mà giao phó việc dạy con cho nhà trường, cho thầy, cô. Và hiện trạng giáo dục gia đình mất nền nếp đang ở mức báo động. Nhiều bậc phụ huynh do quá bươn trải lo lắng về kinh tế mà dùng đồng tiền thay thế cho những thứ khác. Cái đó rất nguy hiểm, nó tác động không nhỏ đến tâm, sinh lý của học sinh. Nên nhớ gia đình là nền tảng trong hình thành nhân cách con người, nếu biết yêu thương, giúp đỡ nhau sống trong gia đình đầm ấm, được quan tâm giúp đỡ thì nó hoàn toàn khác với việc các em bị thả nổi. Để rồi khi “sản phẩm” chưa tốt thì mối quan hệ gia đình - nhà trường- thầy cô giáo trở nên căng thẳng.
Đừng hỏi tôi có buồn về việc này không? Tôi cho rằng: Càng khó khăn thì giáo viên lại càng phải nỗ lực. Thời đại mới đòi hỏi người thầy vừa phải có tri thức, vừa có phẩm chất có năng lực tốt… Nếu như ngày xưa chỉ cần thầy có tri thức và sống mẫu mực đã thu hút được học trò thì bây giờ hai thứ đó thôi chưa đủ. Chúng ta còn phải nhanh nhạy, biết nắm bắt tâm lý học trò để có phương pháp giáo dục phù hợp. Nếu giáo viên không hiểu học trò, không đưa ra được giải pháp sư phạm linh hoạt để tác động đến học trò, thu hút học trò học thì chúng ta thất bại.
Học trò bây giờ có quyền dân chủ, các em có quyền trao đổi thẳng thắn những suy nghĩ của các em… Vậy thì nhiệm vụ của người thầy là phải biết khơi dậy những mặt tích cực, để các em tự rút ra những mạnh yếu của mình chứ không thể dùng biện pháp áp đặt, chúng sẽ không chấp nhận.
Nên nhớ nhiệm vụ của chúng ta là “trồng người” và nghề giáo là một nghề cao quý. Tuy sẽ có lúc thế này, thế kia nhưng anh phải chấp nhận, đừng nên có những băn khoăn, làm sư phạm thì chúng ta phải theo chuẩn mực, phải hết sức lắng nghe, thấu hiểu học trò. Đặc biệt là các thầy cô giáo trẻ chúng ta phải chủ động nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn để dẫn dắt học trò, động viên được học trò chứ không phải giáo dục bằng sách vở. Còn bản thân tôi, đến giây phút này những gì đã làm cũng đều là vì học sinh của tôi.
Cô Nguyễn Lan Anh, Trường THPT Trần Phú (Hà Nội):
Tôi vẫn chọn nghề dạy học
Tôi theo nghề đã được 15 năm. Ban đầu khi đến với nghề cũng không phải vì chủ đích, tôi chọn nghề giáo chỉ vì bố mẹ tôi thích nghề ấy. Nhưng 15 năm, một chặng đường dài, tôi thấy mình bén duyên với nghề thực sự. Đến bây giờ, tôi như người “nghiện” học sinh. Và nếu hỏi rằng: Nếu được chọn lại thì tôi có chọn nghề giáo? Tôi tự tin trả lời vẫn sẽ chọn lại nghề.
Với tôi, nghề giáo là một nghề cao quý. Học sinh của tôi rất tình cảm, suốt những năm tháng qua là đầy ắp những kỷ niệm. Bản thân tôi đã nhiều lần được học sinh tổ chức sinh nhật, đã nhiều lần được học sinh nói rằng em đến lớp vì cô, rồi có em đi du học thì người em muốn nói lời tạm biệt khi xa Hà Nội là tôi… Đó là những điều tôi thấy được an ủi khi chọn nghề.
Làm nghề giáo, quan điểm của tôi là hãy gần học sinh nhất có thể. Vì thế mà tôi luôn cố gắng gần gũi các em bằng việc nhắn tin, hỏi han các em hằng ngày. Tôi luôn nghĩ: Dạy học trò cũng giống như dạy dỗ con mình, nhiều khi nó học chưa tới thì mình phải kiên trì, động viên để các con có thời gian tiến bộ. Đợi một sự tiến bộ, lâu lắm chứ. Nên tôi luôn tự nhủ phải nhẫn nại, không bao giờ nản lòng với học sinh.
Tôi luôn muốn tâm sự với học sinh, quan sát xem chúng có chuyện gì lạ, chuyện gì buồn, thay đổi gì thì tôi chủ động nói chuyện với chúng… Tôi không ngại nhắn tin hỏi han học sinh, rồi nói chuyện với học sinh trên mạng xã hội, thậm chí đi chơi, uống nước nói chuyện với học trò… Và tôi thấy rằng, tôi được rất nhiều từ điều đó. Tôi hiểu học sinh của tôi nhiều hơn. Tôi luôn nói với chúng rằng: Nếu mình làm được điều mình muốn làm thì nó phải được xuất phát từ ngày hôm nay, sau mới là người thành công được. Ví dụ người ta chỉ dám uống cốc nước 10 nghìn, nhưng chúng ta thành đạt, có năng lực kiếm tiền bằng chính đôi chân của mình thì mình có thể tự tin đến những nhà hàng sang trọng, được người ta phục vụ chu đáo.
Đó là cách mình nói để học trò của mình cảm nhận được về những người thành công trong cuộc sống.
Nhiều người nghĩ rằng, nghề giáo không còn được coi trọng như trước. Tôi nghĩ đó chỉ là hiện tượng, không phổ biến. Là giáo viên thì hãy luôn bao dung. Học sinh có hư thì phải rèn giũa. Nhưng nói thật là tôi vẫn nghĩ học sinh nó mới là người bao dung với thầy cô hơn. Ai cũng có hạn chế, nhược điểm mà nhiều thầy, cô hay quá quắt với học sinh nhưng tôi chưa thấy học sinh có phản ứng quá dữ dội.
Nghề giáo vất vả đó nhưng cũng lắm niềm vui, nhân ngày 20-11, tôi muốn nhắn nhủ với học trò của mình rằng: Các thầy, cô luôn yêu các con, mỗi người có một cách để thể hiện tình yêu với học sinh của mình. Cảm ơn các con đã cho cô có niềm vui trong nghề và tâm huyết với nghề. Cô nhận ra được vẻ đẹp trong tâm hồn các con nên các con tiếp tục mạnh dạn phát huy và hiện đại hơn nữa nhé.
Nhóm Phóng viên
Năng lượng Mới 476
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Petrovietnam và Zarubezhneft trao văn kiện hợp tác
-
[VIDEO] Thủ tướng đến Nga dự Hội nghị BRICS mở rộng
-
Liên doanh dầu khí Nga - Việt đã mang về cho đất nước tỷ USD
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện