Chân đất lại về với… chân đất (!) (Kỳ 1)
Kỳ 1: "Bắt mạch"... Bianfishco
Trong nhiều năm qua, tôm và cá tra của nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã mang về kim ngạch xuất khẩu chủ lực cho ngành thủy sản nói riêng và rất đáng ghi nhận cho nền kinh tế Việt Nam nói chung. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt mức 6,1 tỉ USD, tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước.
Năm 2012, ngành thủy sản đang phấn đấu để cán đích con số 6,5 tỉ USD và định hướng đến năm 2020 sẽ là 10 tỉ USD. Và tôm, cá tra của miền Tây vẫn được xác định giữ vị trí chủ lực, quyết định. Thế nhưng diễn biến có liên quan đến số phận của một số doanh nghiệp chế biến tôm, cá tra tại miền Tây thời gian qua đã khiến cho những ai quan tâm đến nó đều cảm thấy vừa buồn, vừa lo. Nếu không khéo, nhiều nông dân, doanh nhân tại vùng đất “chín rồng” lại trở về với chân đất vốn là xuất phát điểm của họ.
Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể khẳng định: Chưa khi nào các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu (XK) thủy sản, tập trung là mặt hàng tôm, cá tra phi lê lại ngất ngư, lao đao như thời gian vừa qua.
Hình ảnh nhộn nhịp tại Bianfishco trước khi doanh nghiệp này rơi vào tình trạng nợ ngập đầu
Câu chuyện vừa tạm ngớt lời bàn tán trong dư luận cả nước là chuyện Bianfishco (Công ty CP Thủy sản Bình An) của nữ đại gia đất Tây Đô - Phạm Thị Diệu Hiền một thời. Thuộc hàng em út trong ngành thủy sản XK (thành lập năm 2006) thế nhưng DN này đã bứt phá và đạt được nhiều kỳ tích, không phải chỉ “liền chị, liền em” mà khiến hàng trăm DN chế biến, XK từng mơ cũng không thấy. DN này đã có vùng nuôi cá nguyên liệu đạt tiêu chuẩn Global GAP; có dây chuyền chế biến với công nghệ hiện đại; áp dụng hệ thống quản lý truy suất nguồn gốc từ vùng nuôi đến… bàn ăn. Ngay từ những mẻ sản phẩm đầu tiên, DN đã dồn sức cho chất lượng mang thương hiệu Việt. T
iếp theo đó, DN đã cho sản phẩm “đổ bộ” vào Mỹ - thị trường khắt khe, khó tính nhất nhì thế giới. Thế là từ một “đứa trẻ”, Bianfishco nhanh chóng được người ta biết đến, nhất là sau khi được Mỹ cho hưởng thuế suất đặc biệt 0% từ năm 2009 (theo Billing code 3510-DS-P với tư cách là "New Shipper" - đối tácmới), rồi được gia hạn lần 2 đến hết năm 2012. Trong lúc nhiều DN cùng hội cùng thuyền của Việt Nam bị áp mức thuế đến 4,22 USD/kg cá tra phi lê XK vào thị trường Mỹ - cao hơn cả giá thành bán tại Mỹ thì Bianfishco lại là DN chế biến, XK thủy sản đầu tiên của Việt Nam đạt được điều này, thật đúng là kỳ tích.
Và pháp luật của Mỹ cũng rất sòng phẳng: Nếu DN nào 3 lần được xem xét áp dụng mức thuế đặc biệt này thì sẽ được hưởng ưu đãi vĩnh viễn. Chỉ còn hơn tháng nữa sẽ hết năm 2012. Bianfishco sẽ được ưu đãi vĩnh viễn? Đây cũng là điều mà SHB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội) cũng đang rất quan tâm sau khi chính thức tham gia tái cấu trúc toàn diện Bianfishco cách đây vài tháng.
Sắp một năm rồi kể từ khi bùng nổ chuyện nợ nần của Bianfishco. Và bây giờ, Bianfishco đã tạm thời qua sóng gió. Nhưng nhiều người vẫn chưa hết thắc mắc, đâu là nguyên nhân chủ quan khiến Bianfishco đang lên như diều gặp gió lại bỗng rơi vào tình cảnh không ai ngờ tới.
Tôi là một trong những nhà báo từng viết nhiều về những thành công của Bianfishco nhưng cũng sớm nhận ra dấu hiệu “vung tay quá trán” của nữ đại gia Diệu Hiền. Bi kịch một điều là, nữ đại gia này do tin tuyệt đối vào những ý tưởng của mình mà bỏ ngoài tai nhiều lời cảnh báo và quên một động tác hết sức quan trọng sau khi bỏ tiền đầu tư dài hạn, đó là mải say chiến thắng mà quên nhìn nhận, đánh giá tình hình, nhất là vào thời điểm cơn bão suy thoái kinh tế ngày một lây lan, lớn dần, các ngân hàng co cụm lại bởi dấu hiệu nợ xấu.
Còn nhớ Nhà máy Bình An ra đời đi vào hoạt động vào năm 2006. Người đứng đầu Bianfishco dồn mọi công lực, tiền bạc vào “đứa con” này. Đây là sự lựa chọn đúng. Sự đúng đắn này đã mở ra nhiều cơ hội cho Bianfishco trong tương lai gần. Đối tác có lúc xếp hàng tìm đến Bianfishco và “bị” lựa chọn. Sản phẩm chủ lực là cá phi lê của Bianfisco làm ra không kịp theo đơn đặt hàng. Và dù có vùng nuôi cá nguyên liệu rộng lớn (thuộc hàng lớn nhất so với nhiều DN chế biến cá tra XK tại ĐBSCL), cá đến lứa thu hoạch đều đều nhưng Bianfishco vẫn liên kết rất tốt với những người nuôi cá chuyên nghiệp bằng nhiều chính sách đặc biệt: mua giá cao, hỗ trợ cho ứng vốn trước…
Sức khỏe của mình thế nào thì chính bản thân mình rõ hơn ai hết. Trong kinh doanh cũng không khác. Đã có ít nhất một người lưu ý với bà Diệu Hiền như thế, khi được bà thăm dò. Thế nhưng bà vẫn tự tin và nghĩ đến chiến thắng: “Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể vì thương hiệu cá tra Việt Nam”.
Vậy là sau khi thương hiệu Bianfishco “lên mây” với sản phẩm cá tra phi lê XK qua Mỹ, bà Diệu Hiền đã không ngại bỏ nhiều tiền ra để lập Viện Nghiên cứu thủy sản. Bianfishco trở thành DN tư nhân đầu tiên của Việt Nam lập Viện Nghiên cứu thủy sản. Ngày viện ra mắt, người ta thấy “bà chủ dám nghĩ, dám làm” khi dày công mời mọc, quy tụ chất xám là hơn 20 nhà khoa học, nhà quản lý có tên tuổi, trả lương cao ngất ngưởng.
Trong tiếng vỗ tay rào rào và tiếng nhạc chào mừng hôm ấy, nhiều đại biểu nghe chủ DN này hào hứng nói về kế hoạch "nâng cao chuỗi giá trị cá tra" bằng việc đầu tư hàng loạt công trình. Nào là Nhà máy Chế biến nước uống Collagen, Nhà máy Chế biến sản phẩm GTGT, rồi táo bạo hơn là Nhà máy Chế biến nước mắm, Nhà máy Chiết xuất Collagen từ da cá tra, chế biến dầu ăn từ mỡ cá tra. Có một vài người can, khuyến cáo bà chỉ nên tập trung cho con cá tra; nhưng có hàng trăm người tấm tắc thán phục nên chẳng ai muốn nói gì thêm.
Khẳng định: “Cơ hội không đến nhiều lần. Bianfishco thừa thắng xông lên!”. Bà Diệu Hiền giải thích thêm về sự ra đời (và cả những dự định cho ra đời) các nhà máy trên là thế này: Các nhà máy chỉ lấy 2 miếng phi lê - chiếm khoảng 30% trọng lượng con cá, đem đi chế biến XK; 70% còn lại của con cá gồm: xương, mắt, vi cá, gan, bao tử, bong bóng... thường bị bỏ đi một cách lãng phí, chưa kể tốn tiền xử lý nhằm tránh ô nhiễm môi trường. Phần 70% còn lại của con cá tra này chính là phần việc quan trọng mà tập thể các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Bianfishco dồn sức thời gian qua. Bianfishco cho ra đời những mặt hàng GTGT có giá trị cao hơn nhiều so với sản phẩm phi lê XK.
Cảnh mát-xa chân bằng cá ở Bianfishco thời hưng thịnh
Đọc báo lúc đó, người ta thiếu điều thuộc lòng câu phát biểu về giá trị lợi nhuận mà bà Diệu Hiền đưa ra: “Nếu như XK cá tra lời 1 thì sản xuất hàng hóa GTGT dự kiến lời 10. Còn chế biến nước mắm, dầu ăn thì lời nhiều hơn nữa. Riêng Collagen cùng hàng loạt chế phẩm khác mà Bianfishco chiết xuất từ phụ phẩm cá tra sẽ mang lại lợi nhuận rất cao. Đây có thể coi là những mặt hàng chiến lược của Bianfishcom vì đó là sản phẩm một vốn ba mươi lời”. Chính tôi cũng có lần phải thốt lên rằng, lời của bà Diệu Hiền nghe cũng hay hay, cũng đung đúng.
Rồi bà Diệu Hiền bỗng sang Mỹ nói rằng, tìm đất. Bà bỏ ra 7-8 triệu USD mua nhà (sau này mới nói lại là thuê - PV), lập dự án đầu tư hoành tráng tại Beverly Hills, bang California - nơi tập trung dày đặc "siêu sao" của Hollywood; rồi "tậu" từ Mỹ về chiếc Rolls Royce triệu USD, về gắn biển số tứ quý để làm chân đi. Người ta cũng vỗ tay, khen nữ đại gia.
Thật ra cũng chẳng lạ. Lúc đó người ta vỗ tay là ngưỡng mộ thật vì nghĩ rằng Bianfishco đang "rất khỏe", tự bay lên mây bằng cánh của chính mình chứ chẳng phải cánh mượn. Người ta vỗ tay vì nghĩ rằng, tiền đầu tư là tiền có được từ lợi nhuận do bán được cá bên Mỹ mang lại như bà Hiền đã nói chứ ai nghĩ rằng, tiền vay từ ngân hàng, với lãi suất trên mây xanh.
Rồi cũng lúc đó, người ta nghe thấy bà Diệu Hiền bỗng dưng… tâm huyết với một dự án cao ốc, văn phòng cho thuê trên đường Nguyễn Văn Trỗi (TP HCM). Người ta cũng vỗ tay vì ngẫm nghĩ rằng, xuất phát điểm ban đầu của bà Diệu Hiền chẳng phải là cá kiếc gì mà chính là bất động sản. Ở Cần Thơ, dự án Diệu Hiền tại Khu đô thị Nam Cần Thơ từng đạt kỷ lục nhiều cái nhất của địa phương.
“Lấy cái này nuôi cái nọ vẫn là cách làm bấy lâu nay của nhiều người. Như bác nông dân vẫn hay thích xen canh trên một mảnh vườn, lấy ngắn nuôi dài theo cách ba năm nữa hái cam, hái bưởi, hái xoài thì thôi bây giờ mình trồng rau, trồng cải, trồng đậu, trồng hành, trồng cái gì mà mình thích. Có khi thì người ta tự cho rằng, ấy là linh hoạt nhưng cũng có khi, lối làm ăn ấy lại bị cho là rặt suy nghĩ kiểu nông dân. Vào thời điểm Bianfishco làm những việc đó, doanh nghiệp được ngợi khen là mô hình, là đột phá, là có lối đi riêng, đúng hướng... thậm chí là đã "ra được biển lớn" chứ ai biết rằng, bà Hiền xây nhà nhiều tầng trên nền đất yếu mà chẳng quan tâm đến cọc cừ, dù đó chỉ là cây… cừ tràm” - tôi nhớ đã từng đau khi phải ví von và viết ra bằng câu, bằng từ như vậy.
Tình hình của Bianfishco đen tối nhất là khi lãnh đạo Cần Thơ được báo cáo từ ngành chức năng cho biết, từ cuối năm 2011, DN đã ở trong tình trạng "thở ôxy". Hụt vốn, không mua được cá tra nguyên liệu nên nhà máy phải hoạt động cầm chừng. Các nhà máy chế biến phụ phẩm, xưởng chế biến sản phẩm GTGT và Nhà máy Chế biến nước uống Collagen hầu như ngưng hoạt động. Công ty có 2 xưởng chế biến cá phi lê nhưng do không có vốn mua cá nguyên liệu để sản xuất nên công nhân 2 xưởng này phải nghỉ luân phiên. Đáng lo ngại nhất là vào thời điểm đó, Bianfishco đang nợ 10 ngân hàng thương mại cổ phần (gồm 1 tại Bình Dương, 4 tại TP HCM và 5 tại Cần Thơ) với tổng số tiền 1.100 tỉ đồng và nợ người bán cá gần 400 tỉ đồng.Trong khi đó, bảng cân đối kinh doanh của Bianfishco đến tháng 11/2011, tổng nợ phải trả hơn 2.000 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là gần 1.700 tỉ đồng, tài sản đầu tư dài hạn chiếm hơn 1.300 tỉ đồng.
Đang ở tình trạng nước sôi, lửa bỏng, đối mặt với khoản nợ "khủng" như thế nhưng cuối năm 2011, Bianfishco vẫn có văn bản đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, hỗ trợ cho DN vay thêm 350 tỉ đồng để vừa trả một phần nợ, một phần cho chi tiêu dịp tết. Không được cho vay thêm, cái khó lồ lộ trước mắt, vậy mà đám cưới cho con trai vẫn được “bà chủ” Bianfishco tổ chức với hình thức gây cảm giác khó chịu đối với các "chủ nợ"; kèm theo đó là những phát biểu gây "sốc", mà theo dư luận, rất chẳng nên tí nào.
Đám cưới cho con trai xong ngày hôm trước, ngày hôm sau, bà Diệu Hiền đi Mỹ. Các “chủ nợ” được một phen nhốn nháo, dù rằng, ông Trần Văn Trí - chồng bà - nói vợ mình đi trị bệnh ung thư.
Bà Hiền bệnh và đi trị bệnh là thật. Nhưng chẳng mấy ai tin, bởi khoản nợ của Bianfishco quá lớn. Lớn đến mức đọc báo xong, Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo Cần Thơ tìm hiểu, báo cáo…
Trong cuộc họp báo đầu tháng 3/2012, ông Trí đã phải cay đắng thốt lên rằng, ông trở thành Tổng giám đốc bất đắc dĩ vì chuyện do vợ ông gây ra. Và ông cũng ngậm ngùi khi nói sẽ bán nhà máy, bán những phần đất còn lại tại dự án Khu đô thị Diệu Hiền (Cần Thơ), dự án căn hộ cao cấp tại TP HCM, thậm chí bán cả siêu xe Rolls Royce và những thứ gì có thể… bán, để trả nợ. Ông Trí hứa rồi thất hứa, bởi lúc đó, ông chưa đủ tư cách làm thay cho vợ mình, nhất là đặt bút ký tá với ngân hàng.
Báo chí như “được mùa” bởi ngày nào cũng có thêm tin “hót” về Bianfishco. Sáng có báo phát hiện tài sản mà ông Trí định bán không thể bán do đã nằm trong ngân hàng; trưa đó báo mạng đưa tin tòa án tuyên nông dân thắng kiện Bianfisco; vài ngày hôm sau, báo chí lại phát hiện bà Diệu Hiền từng bán lượng lớn cổ phần trước khi đi Mỹ;… Ông Trí đau đầu trước áp lực của các “chủ nợ” mà lên tiếng rằng: “Tòa tuyên thế nào, Bianfishco chịu hết. Nợ thì phải trả. Chẳng phải bàn cãi…”. Ông Trí thú thật: Bianfishco “chết” là do công ty duy trì một thời gian dài phương thức điều hành, quản trị theo kiểu công ty gia đình, các bộ phận chuyên môn yếu kém, lại bị ngân hàng thắt chặt vốn vay…
Những ngày trước khi SHB “nhảy vào” tham gia tái cấu trúc toàn diện, từ kết quả "mổ xẻ" của dư luận, giới kinh doanh có thêm bài học đắng cay chuyện dùng vốn vay ngắn hạn đi đầu tư dàn trải, đầu tư “ngoài luồng”, sai mục đích, từ đó dẫn đến không kiểm soát được, hay nói như miệng đời là vung tay quá trán!
Bài học nhớ đời từ Bianfishco!
Bình Thái
(Xem tiếp kỳ sau: “Làm liều, làm ẩu, làm càn...”)