Được xây dựng vào năm 1898 và khánh thành vào ngày 28/2/2902, cầu Long Biên có chiều dài 2290m qua sông và 896m cầu dẫn, cầu gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ với lối kiến trúc độc đáo.
Đây là cây cầu thép đầu tiên bắc ngang qua sông Hồng của Hà Nội.
Bên cạnh đó, cầu Long Biên còn được xem là một chứng tích lịch sử quan trọng đã chứng kiến những thăng trầm của Hà Nội qua cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Sau quần thể Tháp Bút - đền Ngọc Sơn cùng chùa Một Cột, cầu Long Biên là một trong những biểu tượng đặc trưng và độc đáo nhất về lịch sử, văn hóa Hà Nội.
Năm 1945, khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, cây cầu đã trở thành nhịp dẫn đưa hàng nghìn người dân ngoại ô đến với quảng trường.
Tháng 10/1954, Hà Nội ngập trong biển cờ hoa mừng ngày giải phóng Thủ đô, cầu Long Biên cũng đứng đó và chứng kiến niềm hân hoan của dân tộc.
21 năm sau, cây cầu lại một lần nữa chứng kiến niềm vui độc lập thống nhất đất nước, miền Nam được giải phóng.
Ít người biết được, đây từng là cây cầu dài thứ hai trên thế giới (chỉ sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ), thậm chí được gọi là tháp Eiffel nằm ngang của Hà Nội.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian cùng biến cố lịch sử, cây cầu vẫn hiên ngang và trở thành một trong những biểu tượng của Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Trước đó, ngày 25/10/2013 UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị nghiên cứu phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng trùng với cầu Long Biên.
3 phương án được đưa ra gồm: Di dời 9 nhịp đầu cầu Hà Nội về phía thượng lưu cách tim cầu cũ 85m để bảo tồn. Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại; Dỡ cầu Long Biên cũ và xây cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại với kết cấu nhịp dàn thép và hình dáng tương tự với thiết kế ban đầu của cầu Long Biên. Tức là cầu cũ sẽ được bảo tồn sống theo quan điểm bảo tồn và phát triển; Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.
3 phương án cải tạo cầu Long Biên đã và đang tạo ra nhiều cuộc tranh luận trong giới chuyên môn cũng như ý kiến của các nhà quản lý, nhà văn hóa, nhà sử học và các kiến trúc sư trong và ngoài nước
Phải khẳng định rằng, trải qua hơn 100 năm lịch sử, cây cầu không còn là một hiện vật vô tri vô giác, nó như người bạn đồng hành cùng mỗi người dân Thủ đô nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.