Cấp thiết thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu Việt Nam
PV: Ông có thể cho biết vì sao các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu quyết tâm thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu Việt Nam?
Ông Giang Chấn Tây |
Ông Giang Chấn Tây: Thời gian qua, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu luôn trong trạng thái hoạt động bấp bênh, thua lỗ nặng nề. Nguyên nhân chính là những quy định trong Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP không có lợi cho doanh nghiệp bán lẻ, không công bằng đối với các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu. Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu luôn ở thế bất lợi trong việc thương thảo hợp đồng kinh doanh, từ đó luôn gặp khó khăn, thua lỗ kéo dài, phải cầm cố hoặc bán tài sản để duy trì hoạt động, bởi vì dù có bị thua lỗ vẫn không được phép tạm nghỉ.
Cơn khủng hoảng thiếu xăng dầu ở phía Nam, sau đó lan sang phía Bắc gần đây và chiết khấu tiệm cận 0 đồng... khiến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải đóng cửa do hết hàng và do thua lỗ, không còn vốn để hoạt động kinh doanh. Tiếp đó, diễn biến tình hình kinh doanh xăng dầu khó khăn bởi nhiều nguyên nhân như biến động thị trường, cách tính giá cơ sở xăng dầu cũng như các chi phí phát sinh liên quan đến kinh doanh xăng dầu chưa được cơ quan quản lý, điều hành tính đúng hoặc không cập nhật kịp thời, khiến doanh nghiệp bị lỗ kéo dài, ảnh hưởng toàn hệ thống kinh doanh xăng dầu, ảnh hưởng đến hạ tầng năng lượng quốc gia. Đó cũng là nguyên nhân cấp thiết phải sửa Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.
Tôi nhận thấy, việc góp ý, kiến nghị theo dạng nhóm và theo dạng ủy quyền mặc dù vẫn được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm nhưng về mặt pháp lý vẫn chưa được chặt chẽ và có nhiều trở ngại. Có quan điểm cho rằng, đây chỉ là nhóm tự phát chứ không phải đấu tranh trong khuôn khổ pháp lý, mặc dù doanh nghiệp đấu tranh đúng quy định của pháp luật và phân tích rất hợp lý những vấn đề bất cập và bất công bằng đối với doanh nghệp bán lẻ xăng dầu.
Do đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu mong muốn thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu Việt Nam để tiếng nói của một tổ chức đại diện cho doanh nghiệp được bảo đảm tính pháp lý theo quy định của pháp luật, từ đó bảo đảm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, góp phần làm cho thị trường xăng dầu Việt Nam hoạt động công khai, minh bạch và phát triển ổn định.
PV: Dự kiến mục đích, tôn chỉ của Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Ông Giang Chấn Tây: Tên gọi thống nhất là Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu Việt Nam. Đây là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các doanh nghiệp có cửa hàng hoặc hệ thống các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong toàn lãnh thổ Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu, các sản phẩm từ dầu mỏ và nguồn năng lượng khác. Hiệp hội được thành lập trên tinh thần tự nguyện, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần phục vụ nhân dân, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hiệp hội sẽ đại diện cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên - các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu - trong các hoạt động của Hiệp hội và các mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ cung cấp thông tin giá cả thị trường xăng dầu và dự đoán giá bán lẻ để các doanh nghiệp bán lẻ nắm bắt nhằm thuận tiện trong việc đặt hàng, kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn và phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.
Hiệp hội cũng sẽ hỗ trợ, giải đáp thắc mắc cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu những lĩnh vực có liên quan như chính sách đất đai, thuế, tài chính - kế toán, phòng cháy chữa cháy, môi trường...
Chúng tôi sẽ xây dựng tổ chức, tập hợp hội viên vào hệ thống của Hiệp hội nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác để cùng nhau phát triển; phản ánh kịp thời các khó khăn, vướng mắc và đề đạt các nguyện vọng chính đáng của hội viên trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, các sản phẩm hóa dầu và năng lượng khác để các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan pháp luật kịp thời điều chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động kinh doanh xăng dầu, các sản phẩm hóa dầu và nguồn năng lượng khác.
Vận động thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu |
Ngoài ra, Hiệp hội cũng sẽ tham gia các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ về các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội; tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Hiệp hội theo quy định của pháp luật; kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội, đến sự phát triển của Hiệp hội.
PV: Ông có thể cho biết, điều kiện để trở thành hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu Việt Nam là gì?
Ông Giang Chấn Tây: Hội viên của Hiệp hội gồm hội viên chính thức và hội viên danh dự.
Hội viên chính thức là doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu (có 1 cửa hàng bán lẻ xăng dầu); đại lý bán lẻ xăng dầu (có hơn 1 cửa hàng bán lẻ xăng dầu); thương nhân phân phối (có nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu) có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Hiệp hội, tán thành Điều lệ Hiệp hội, tự nguyện gia nhập Hiệp hội.
Hội viên danh dự là những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam không có điều kiện là hội viên chính thức nhưng có uy tín, kinh nghiệm và có công lao đối với sự phát triển của Hiệp hội, tán thành Điều lệ Hiệp hội và được Ban Chấp hành Hiệp hội nhất trí cho làm hội viên danh dự của Hiệp hội.
Để trở thành hội viên chính thức, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, đại lý xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu) phải hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều lệ Hiệp hội.
Khi hội viên tự xét thấy không thể tiếp tục tham gia Hiệp hội, có quyền gửi đơn xin ra khỏi Hiệp hội. Hội viên hoạt động trái với quy định của pháp luật Việt Nam dẫn đến bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tước quyền công dân theo quy định của pháp luật; tổ chức tự ngừng hoạt động, bị đình chỉ hoạt động, bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật, thì Hiệp hội sẽ xem xét, xóa tên hội viên.
Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu Việt Nam sẽ là tiếng nói chính thức của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp được pháp luật công nhận. Hiệp hội thay mặt hội viên để bảo vệ quyền lợi chung cho các hội viên. Hiệp hội cũng là cơ quan điều phối các hoạt động, tạo sức mạnh tổng hợp cho cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu Việt Nam. |
PV: Hiện nay, việc xin phép thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu Việt Nam đã tiến hành được những bước nào, thưa ông?
Ông Giang Chấn Tây: Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức buổi họp mặt ra mắt Ban vận động thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại TP HCM vào ngày 24-9-2023. Ban vận động thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có 12 thành viên. Theo biên bản họp ra mắt, Ban vận động sẽ đại diện cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu Việt Nam vận động và thực hiện các quy định liên quan đến việc xin phép thành lập Hiệp hội.
Hiện nay, Ban vận động đang chuẩn bị hoàn thành mọi thủ tục để gửi văn bản đến Bộ Nội vụ và Bộ Công Thương, xin công nhận Ban vận động thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu Việt Nam. Phạm vi hoạt động của Hiệp hội trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Thời gian trù bị thành lập Hiệp hội chậm nhất là sau 90 ngày Ban vận động thành lập Hiệp hội được công nhận, đi vào hoạt động.
Cơ quan chức năng kiểm tra tại một bồn xăng ở TP HCM |
Tôi cho rằng việc thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu Việt Nam là nhu cầu bức thiết. Khi Hiệp hội được chính thức thành lập sẽ là tiếng nói chính thức của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp được pháp luật công nhận. Hiệp hội thay mặt hội viên để bảo vệ quyền lợi chung cho các hội viên. Hiệp hội cũng là cơ quan điều phối các hoạt động, tạo sức mạnh tổng hợp cho cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu Việt Nam.
Việc ra đời của Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu Việt Nam sẽ tập hợp và chọn lọc tiếng nói tiêu biểu của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, chắc chắn sẽ góp phần tránh được những phát ngôn tự phát không chuẩn mực trên mạng xã hội dẫn đến vi phạm pháp luật khi gặp phải vấn đề bức xúc.
Ban vận động thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tham gia Hiệp hội để hoạt động trong một tổ chức được pháp luật công nhận; đóng góp các ý kiến xây dựng Hiệp hội ngày càng hoạt động hiệu quả; tham gia vào công tác xây dựng những chính sách về kinh doanh xăng dầu càng hoàn thiện hơn và có lợi cho quản lý nhà nước, có lợi và an toàn hơn trong quá trình hoạt động kinh doanh cho chính các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
PV: Ở góc độ là doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, ông có góp ý gì về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 và Nghị định 95?
Ông Giang Chấn Tây: Hiện tại, Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu; sửa đổi, bổ sung quy định về công thức giá, phương thức điều hành giá xăng dầu, thời gian điều hành, công bố giá, mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu...
Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu; sửa đổi, bổ sung quy định về công thức giá, phương thức điều hành giá xăng dầu, thời gian điều hành, công bố giá, mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu... |
Tôi cho rằng, thị trường xăng dầu thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất ổn, chủ yếu liên quan đến vấn đề chiết khấu. Phần chiết khấu tối thiểu là phần cứng và là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu được đề xuất trong công thức giá cơ sở, bảo đảm cho mọi hoạt động của cả hệ thống kinh doanh xăng dầu được ổn định, công bằng và diễn ra một cách liên tục, xuyên suốt để phục vụ cho cả nền kinh tế, cho người tiêu dùng. Phần chiết khấu còn lại là sự linh hoạt của các nhà cung cấp để cạnh tranh chiếm thị phần. Đây chính là phần chiết khấu theo cơ chế thị trường và là phần tăng thêm được hưởng của doanh nghiệp bán lẻ. Mức quy định chiết khấu tối thiểu không dưới 5-6% trên mức giá bán lẻ. Nếu không sửa đổi theo hướng đó thì nên cho phép doanh nghiệp tự định giá bán lẻ xăng dầu theo cơ chế thị trường, vì đó cũng là xu hướng tiến tới một nền kinh tế thị trường hoàn toàn để hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.
Do đó, để ổn định thị trường xăng dầu, cần quy định mức chiết khấu, xem chiết khấu như một khoản phí của doanh nghiệp, bảo đảm cho hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thay vì nộp cho Nhà nước, để thị trường hoạt động ổn định trong bối cảnh biến động liên tục, khó lường.
Cần xem chiết khấu tối thiểu như là một khoản chi phí định mức để doanh nghiệp có đủ chi phí hoạt động ngay ngưỡng hòa vốn nhằm vượt qua những giai đoạn khó khăn, bất ổn và biến động của thị trường xăng dầu.
Theo đó, muốn thay đổi mức chiết khấu, cần thay đổi cách tính giá, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hoạt động ổn định. Điều này sẽ tăng tính ổn định của thị trường và môi trường kinh doanh, các hoạt động kinh doanh sẽ chuyển dần sang cơ chế thị trường một cách rõ nét, tạo sự khởi sắc cho hệ thống kinh doanh xăng dầu cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng của nền năng lượng quốc gia.
PV: Xin cảm ơn ông!
Cần xem chiết khấu tối thiểu như là một khoản chi phí định mức để doanh nghiệp có đủ chi phí hoạt động ngay ngưỡng hòa vốn nhằm vượt qua những giai đoạn bất ổn và biến động của thị trường xăng dầu. Muốn thay đổi mức chiết khấu, cần thay đổi cách tính giá, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hoạt động ổn định. |
VPI dự báo giá xăng bán lẻ có thể giảm 4% trong kỳ 2/10/2023 |
Nghiên cứu tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm 2024 |
Phương Vy
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Giải pháp của mô hình dịch vụ công ở các hội nghề nghiệp
-
Tăng cường hợp tác quốc tế và phổ biến kiến thức khoa học hướng tới tăng trưởng xanh
-
Cần cơ chế đặc thù cho các Tập đoàn chủ đạo trong nền kinh tế
-
Thẩm quyền giám sát vốn đầu tư Nhà nước tại doanh nghiệp còn chồng chéo