Cảnh báo nhiều trẻ bị bỏng khi xông hơi chữa Covid-19 cùng bố mẹ
Nhà nhà xông hơi chữa Covid-19, chuyên gia cảnh báo nguy hiểm nếu lạm dụng |
Nhiều trẻ bị bỏng khi xông hơi phòng Covid-19 cùng bố mẹ
Để điều trị Covid-19, người phụ nữ ở Hà Nội hàng ngày vẫn thực hiện phương pháp xông hơi bằng các loại thảo dược. Tuy nhiên, trong một lần người phụ nữ này và con hơn 2 tuổi cùng xông, chị không may bị tuột tay làm rơi nồi nước xông khiến nước nóng bắn vào người cháu bé.
Đây là một trường hợp được BS Nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường, tình nguyện viên điều trị mẹ và bé F0 tại nhà, cấp cứu gần đây.
BS Cường chia sẻ: "Em bé bị bỏng độ 2, tổn thương ở cơ quan sinh dục. Rất may là mẹ có kiến thức sơ cứu đã rửa cho con bằng nước mát trước, sau đó đưa em bé vào viện kịp thời nên tình trạng của cháu bé đã ổn định".
Trên thực tế, thời gian vừa qua, vì lo ngại Covid-19, nhiều F0 điều trị tại nhà và cả những người khỏe mạnh đã lạm dụng biện pháp xông hơi bằng các loại thảo dược, vì tin rằng phương pháp này có thể phòng và điều trị Covid-19. Nhiều người xông hơi trên 3 lần/ngày. Thậm chí, không ít gia đình cho trẻ nhỏ cùng xông hơi, trong khi đây là đối tượng được các chuyên gia khuyến cáo chưa nên sử dụng phương pháp này.
Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, thời gian gần đây, khoa liên tiếp tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị bỏng do xông nước lá để phòng bệnh.
Điển hình như trường hợp 3 mẹ con chị P. (trú tại huyện Tân Kỳ). Với tâm lý phòng bệnh, chị mua lá về xông cho cả nhà. Trong quá trình xông, chị T. ôm bé nhỏ nhất trong lòng. Bé N.T.K. (4 tuổi) cũng ngồi bên cạnh mẹ để cùng xông. Tuy nhiên, bé em đã ưỡn người lên, đá nghiêng nồi xông nóng rực lên bé N.T.K. Thời điểm nhập viện, bé K. được chẩn đoán bị tổn thương bỏng vùng ngực, đùi trái, tay trái.
Một trường hợp khác là nữ bệnh nhi P.N.K.V. (14 tuổi, TP Vinh) nhập viện do bị bỏng. Qua điều tra bệnh sử, gia đình thông tin, do lo lắng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, mẹ cháu đã tham khảo trên mạng, chuẩn bị cho cháu nồi nước lá xông. Bất ngờ tai nạn không mong muốn đã xảy ra, trong lúc xông, cháu bất cẩn vướng vào quai nồi. Nước lá xông vừa sôi đã đổ ụp xuống chân, khiến cháu bị bỏng.
Sau khi tiếp nhận trường hợp các bệnh nhi P.N.K.V. VÀ N.T.K., các bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng đã nhanh chóng phẫu thuật cắt lọc hoại tử, ghép da tạo hình vạt che phủ, điều trị phác đồ bỏng chuyên sâu. Hiện tại, sau hơn một tuần điều trị, sức khỏe của các bé đều đã ổn định.
Tuyệt đối không xông cho trẻ dưới 30 tháng
Theo BS Cường, các bậc phụ huynh không được lạm dụng xông hơi, không được xông trực tiếp vào người trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 30 tháng, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật hay người dị ứng với tinh dầu. Trẻ có bệnh lý nền cần tuân thủ theo tư vấn và chỉ định của bác sĩ.
Theo BS Quách Duy Cường, Khoa Virus - Kí sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mục đích của phương pháp xông là làm loãng chất tiết dịch, làm mềm vảy mũi, cung cấp độ ẩm cho niêm mạc mũi bị khô, dẫn lưu các chất dịch ứ đọng vùng mũi được tốt hơn. Từ đó, xông hơi giúp bảo vệ lớp niêm mạc mũi họng, cải thiện các triệu chứng ngạt mũi, giảm xung huyết niêm mạc mũi, giúp người bệnh cảm giác thư giãn, thoải mái hơn. Tuy nhiên, xông hơi không có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm hay chữa khỏi bệnh Covid-19.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga (Bộ Quốc Phòng) xông hơi, đánh gió không có tác dụng tiêu diệt virus. Phương pháp này chỉ giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu. BS Hoàng khuyến cáo, F0 chỉ nên xông hơi nếu không sốt cao, thực hiện ở nơi kín gió và cũng không nên xông nhiều hơn một lần mỗi ngày và mỗi lần không quá 20 phút.
Xử trí bỏng ở trẻ
Trường hợp trẻ bị bỏng cần được sơ cứu đúng cách ngay từ những giây phút đầu tiên, bởi nếu xử lý sai cách thì tổn thương bỏng chuyển độ sâu, nhiễm trùng, sẽ để lại các di chứng như sẹo lồi, sẹo phì đại, sẹo co rút.
Để xử trí bỏng ở trẻ em, theo BS Cường cần tiến hành các bước sau:
- Đầu tiên, phải loại bỏ tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt, đưa trẻ ra khỏi vùng ảnh hưởng.
- Bố mẹ cần cởi bỏ quần áo (đang có nước nóng), đặc biệt là vùng da bỏng để làm mát ngay bằng nước sạch, mát (khoảng 15 - 20 độ C là tốt nhất) trong thời gian ít nhất 20 - 30 phút để giảm bỏng ăn sâu vào da, giảm đau và sưng viêm. Bố mẹ tuyệt đối không dùng đá hoặc nước đá lạnh.
- Tiếp theo, bố mẹ giữ vết bỏng sạch, thoáng, có thể băng nhẹ để giảm đau tại chỗ và ngăn ngừa bụi bẩn. Lưu ý rằng, tuyệt đối không tự ý bôi thuốc, hóa chất lên vết bỏng (như kem đánh răng,...). Phụ huynh nên sử dụng băng gạc vô khuẩn để tránh nhiễm trùng.
- Sau đó, bố mẹ cho trẻ bú nhiều hơn hoặc uống nhiều nước (hoặc oresol) để tránh mất nước, sốc do bỏng.
- Trong trường hợp trẻ còn tỉnh táo, bố mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian sớm nhất. Nếu trẻ bị sốc cần bế đầu cao, nghiêng một bên tránh trào ngược thức ăn vào khí quản.
"Bên cạnh việc cấp cứu xử lý khi bị bỏng, cha mẹ cũng cần động viên tinh thần, an ủi tránh trẻ bị hoảng loạn, quấy khóc, gây khó khăn trong việc điều trị", BS Cường nhấn mạnh.
Theo Dân trí
-
Máy lọc nước nóng lạnh Karofi: Nâng tầm tiện nghi cho gia đình Việt
-
Người trẻ đua nhau làm việc tự do vào ban đêm: Năng động hay hại sức khỏe?
-
Khám bệnh và tặng quà gia đình chính sách tại Quảng Bình
-
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu
-
Long Châu nỗ lực từng ngày để hoàn thiện, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ
- Tử vi ngày 13/11/2024: Tuổi Mùi cơ hội thăng tiến, tuổi Thìn gặt hái thành quả
- Tử vi ngày 12/11/2024: Tuổi Thân tài lộc tăng tiến, tuổi Dậu tinh thần dấn thân
- Tử vi ngày 11/11/2024: Tuổi Tỵ dám nghĩ dám làm, tuổi Dần triển vọng đầu tư
- Tử vi ngày 10/11/2024: Tuổi Ngọ quyết định khôn ngoan, tuổi Tuất gặp gỡ quý nhân
- Tử vi ngày 9/11/2024: Tuổi Thìn chạm đến mục tiêu, tuổi Tuất tin vui tìm đến
- Tử vi ngày 8/11/2024: Tuổi Dần tín hiệu tích cực, tuổi Hợi thành quả như ý
- Tử vi ngày 7/11/2024: Tuổi Tỵ thành công mong đợi, tuổi Thân dư dả tài chính
- Tử vi ngày 6/11/2024: Tuổi Tý trên đà tăng tiến, tuổi Mùi tài lộc khả quan