Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Cán bộ phải có đạo đức!

06:55 | 19/05/2016

1,277 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hằng năm vào dịp 19-5, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân đất Việt lại bồi hồi nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh và những câu chuyện cảm động về đạo đức, lối sống của Người. Đạo đức Bác Hồ không phải những điều cao siêu mà gần gũi với mọi người, thể hiện sâu sắc trong bốn phẩm chất: Cần, kiệm, liêm, chính.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho chúng ta những lời dạy, những chỉ dẫn quan trọng về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, mà chính Người luôn là tấm gương sáng. Từ những lá thư, những bài nói chuyện, những cuốn sách, cho tới những lời dặn thiêng liêng trong Di chúc, rất nhiều lần Bác nói về đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn vô cùng giản dị, ai nghe, ai đọc cũng dễ hiểu, dễ nhớ.

Tháng 10-1947, Bác viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, với bút danh XYZ. Mục đích của tác phẩm là để giúp cán bộ, đảng viên nâng cao trình độ lý luận, tư tưởng và tình cảm cách mạng, tác phong công tác, năng lực lãnh đạo. Và đúng như tên gọi, sửa đổi là để khắc phục mặt yếu, phát huy mặt mạnh. Lối làm việc cũ, quan liêu, mệnh lệnh, ba hoa, lãng phí… thì phải sửa cho bằng được. Thấm thía nhất là những điều Bác nói về đạo đức người cách mạng.

Gần 70 năm trôi qua, “Sửa đổi lối làm việc” vẫn nóng hổi tính thời sự. Bác viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t5, tr.252).

can bo phai co dao duc
Bác Hồ đi cấy với bà con nông dân tại trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội, năm 1960 Ảnh: Tư liệu

Người cách mạng không có đạo đức chẳng khác nào sông không có nguồn, cây không có gốc. Muốn làm tròn công việc được giao, phải có đủ đức, tài, nhưng đức là gốc. Vào dịp kỷ niệm 39 năm Ngày Thành lập Đảng, 3-2-1969, chỉ còn không lâu nữa, Hồ Chí Minh về với Thế giới người Hiền, Bác đã viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Bác dặn lại, Đảng ta không phải trên trời sa xuống, đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Cho nên phải tự sửa mình, bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa.

Tư tưởng Hồ Chí minh về đạo đức cách mạng rất rộng lớn, nhưng có thể khái quát trong bốn đức tính của con người: Cần, kiệm, liêm, chính. Đây là chuẩn mực điều chỉnh hành vi ứng xử của mỗi người, bất luận trong hoàn cảnh nào. Bốn đức tính ấy có quan hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau. Cần mà không kiệm thì làm ra bao nhiêu cũng hết, như lời người xưa thường dặn: “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. Ngược lại kiệm mà không cần thì “của núi” cũng lở, người lo xa, chịu thương chịu khó, “làm ngày nắng ăn ngày mưa, làm ngày xưa ăn bây giờ”. Bác đặc biệt nhấn mạnh liêm và chính. Liêm là sự thanh liêm, trong sạch “ít lòng ham muốn về vật chất”. Chính là công bằng, đứng đắn, không thiên vị, “yêu ai nên tốt, ghét nhau nên xấu”.

Hơn 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, toàn Đảng ta đã tập trung đổi mới, chỉnh đốn Đảng, trong đó vấn đề cốt lõi là tự phê bình, phê bình, nhằm khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Qua kiểm điểm, qua sự góp ý của quần chúng nhân dân, qua các thông tin từ báo chí, chúng ta thấy rõ, sự suy thoái về đạo đức, lối sống vẫn biểu hiện chủ yếu ở chỗ, không thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Sự lười biếng, không chịu khó lao động, học tập, không sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, sản xuất là tình trạng khá phổ biến ở nhiều đơn vị, cơ quan. Khi còn là Phó thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc có lần nói: Dư luận cho rằng, có tới 30% công chức sáng cắp ô đi, tối căp ô về. Vậy mà ở nhiều nơi, khi tổng kết cuối năm chỉ có… 1% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Rõ ràng là rất mâu thuẫn. 

Về tiết kiệm, cũng có nhiều điều đáng báo động. Hiện nay nợ công, nợ xấu được ví như hai cục máu đông, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe nền kinh tế. Nguyên nhân có nhiều, nhưng có nguyên nhân do lãng phí, do  ném tiền qua cửa sổ, làm ăn không tính toán hiệu quả. Có rất nhiều dẫn chứng. Từ việc xây dựng sân bay, bến cảng, thủy điện, đến xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn cốt chạy theo thành tích đạt các tiêu chí nông thôn mới… Rồi việc mua sắm các trang bị, vật tư kỹ thuật đắt đỏ đều có những dẫn chứng điển hình về sự lãng phí và ăn cắp của công. Bởi tham nhũng - lãng phí luôn là cặp bài trùng. Ở đâu có lãng phí là ở đó có tham nhũng

“Liêm, chính” là hai đức tính thường đi liền nhau. Cái chính và cái liêm thường có trong mỗi con người. Ai đó không liêm thì cũng chẳng giữ được chính. Thời gian qua chuyện “chạy” trở thành câu nói cửa miệng của người dân. Chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy tuổi, chạy chỗ, chạy tội, chạy dự án. Anh chuyên viên ở một bộ kinh tế nọ nói xanh rờn: “Chạy xong dự án này, được lại quả  hoa hồng là bằng số lương 20 năm của em rồi. Xin về sớm được rồi”. Một anh Chủ tịch UBND huyện nói: “Khổ lắm bác ạ. Một công trình tầm dăm bảy chục tỉ đồng mà bao nhiêu bác gọi điện bảo “quan tâm” cô này, chú nọ. Anh em tôi có quyền gì đâu”. Đồng chí Tổng bí thư từng yêu cầu phải làm rõ chạy ai, ai chạy? Đương nhiên, nhân dân đã phát hiện, đã  chỉ ra một số trường hợp, nhưng chưa nhiều. Những giải pháp đã khá cụ thể, nhưng bắt tay làm thì vướng đủ chỗ. Nó vướng ở những người có quyền sinh, quyền sát mà không liêm, chính.

Năm nay chúng ta kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Bác Hồ trong lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Sinh thời Bác thường nhắc, cách tốt nhất để kỷ niệm các sự kiện lớn là tập trung làm thật tốt những công việc lợi dân, ích nước. 

Vào dịp sinh nhật của mình, Bác nhiều lần đi công tác để tránh chúc tụng ồn ào. Vị lãnh tụ cả đời chỉ có một ham muốn tột bậc là dân ta được no ấm, được học hành. Người tránh xa những gì phô trương, hình thức, hữu danh vô thực. Kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ là dịp mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân đất Việt cùng nhắc nhau học tập và làm theo gương Bác. Càng trong khó khăn, thử thách, nhớ về Bác, bỗng thấy trí ta sáng, lòng ta trong, sức ta mạnh, mọi người đến với nhau thân ái, tin cậy hơn.

Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày đã nhấn mạnh: “Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng. Tập trung thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm”.

Nói đi đôi với làm. “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”. Đó là tư tưởng lớn; là  những điều sinh thời Bác vẫn hằng mong và chính Người là mẫu mực một tấm gương công bộc của dân.

Hải Hà

Năng lượng Mới 523