Cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng
Chỉ số tiếp cận tín dụng tăng
Trong báo cáo mới nhất về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể và ổn định, nằm trong nhóm 30 nước có chỉ số cao nhất. Cụ thể, năm 2018, Việt Nam xếp thứ 29/190 nước, đạt 75 điểm trên thang điểm 100. So với năm 2017, chỉ số này đã tăng 5 điểm, cải thiện 3 bậc và là chỉ số cao thứ 2 trong 10 chỉ số của Việt Nam trong báo cáo. Cùng với 5 chỉ số tăng bậc khác, chỉ số tiếp cận tín dụng đã giúp cho xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, đứng vị trí 68/190.
Tiến sĩ Võ Trí Thành |
Đánh giá về vấn đề này, Tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, chỉ số này thể hiện những nỗ lực cải thiện trong khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với hệ thống ngân hàng. Đây chính là những nỗ lực cải thiện không ngừng nghỉ qua những thủ tục pháp lý và cả trên thực tiễn của Việt Nam.
Tuy nhiên, điểm số tiếp cận tín dụng 75 là khá tốt song vẫn còn xa so với chuẩn 100 điểm, đồng thời thấp hơn mức trung bình của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, bao gồm 34 nước có nền kinh tế thị trường phát triển nhất, có thu nhập cao), của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và thấp hơn rất nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Chỉ số tiếp cận tín dụng có vẻ khả thi nhưng song song với đó là những rào cản cố hữu trên con đường tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp Việt Nam.
Đơn cử, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, nguyên nhân chủ yếu là do những vấn đề nội tại của chính doanh nghiệp, như: Năng lực tài chính yếu kém; không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án; phương án sản xuất kinh doanh chưa rõ ràng, chưa chứng minh được hiệu quả cao; nợ phải trả tồn đọng lớn chưa có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, độ phủ về thông tin tín dụng của các cơ quan cung cấp tín dụng thấp hơn rất nhiều nước… Do vậy Việt Nam cần có nhiều nỗ lực hơn để cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng.
Vẫn còn nhiều quy định cứng
Đánh giá về tình hình tiếp cận tín dụng trong những năm qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định: “Việt Nam đã tạo dựng được một hành lang pháp lý để quan hệ tín dụng thực sự bình đẳng giữa doanh nghiệp và ngân hàng; giữa người cần cho vay và người vay vốn”.
Nhưng trên thực tế, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khởi nghiệp hay nông nghiệp gặp khó khăn trong quy định về tài sản cố định bảo đảm, nhiều doanh nghiệp có hàng nghìn héc-ta đất trồng trọt, sản xuất nhưng quy định hiện hành yêu cầu phải có nhà xưởng thế chấp mới có thể được vay vốn.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc |
Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Trong thời gian 2 năm gần đây, ngành ngân hàng đã có những tiến bộ vượt bậc, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp. Theo như xếp hạng của WB thì Việt Nam được xếp là 1 trong 30 nền kinh tế có chỉ số tiếp cận tín dụng dễ dàng nhất trên 190 nền kinh tế được xếp hạng. Điều này cho thấy những nỗ lực vượt bậc của ngành ngân hàng, là 1 trong 2 lĩnh vực của Việt Nam có tiến bộ nổi trội trong cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, trong thời gian qua, các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả cao và có sự minh bạch thì đều tiếp cận dễ dàng các nguồn vốn của ngân hàng.
Song song với những thuận lợi đó vẫn còn một số lĩnh vực hiện nay đang có những trở ngại cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đơn cử hai lĩnh vực quan trọng nhất đó là khởi nghiệp và nông nghiệp. Những vướng mắc trong lĩnh vực này không chỉ là trách nhiệm của ngành ngân hàng mà còn liên quan đến những khuôn khổ pháp lý. Do đó, đây phải là nỗ lực giải quyết đồng bộ của Quốc hội, Chính phủ, các ngành các cấp chứ không riêng ngành ngân hàng. Ví dụ với việc cho vay nông nghiệp thì phải có thay đổi trong chính sách đất đai, còn cho vay khởi nghiệp cũng cần có những thay đổi trong hệ thống pháp luật để có thể chấp nhận những rủi ro trong quá trình khởi nghiệp.
“Trong thời gian tới, VCCI sẽ làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến, từ đó đề xuất các giải pháp xử lý các vấn đề này. Trong đó, trọng tâm là các giải pháp sửa đổi luật vì sự chồng chéo của hệ thống pháp luật hiện nay đang cản trở việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực khởi nghiệp và nông nghiệp” - ông Vũ Tiến Lộc cho hay.
Dưới góc độ khác, theo ông Nguyễn Đức Long - Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê Ngân hàng Nhà nước, để tăng khả năng tiếp cận tín dụng, ngoài những giải pháp từ ngành ngân hàng, bản thân doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính, tạo niềm tin để các tổ chức tín dụng yên tâm cấp tín dụng. Đồng thời, cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ để hỗ trợ các quỹ bảo lãnh tốt hơn.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội: Các tổ chức tín dụng cần phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, trong đó có những sản phẩm đặc thù cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như sản phẩm về ngoại tệ, các công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá... |
Thiên Minh - Đông Nghi