Các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy ban đạt doanh thu gần 900 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Đức Phong – Phó Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương. Về phía Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có các Phó Chủ tịch: Hồ Sỹ Hùng, Nguyễn Ngọc Cảnh, Đỗ Hữu Huy; đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng, Văn phòng và Trung tâm Thông tin; đại diện lãnh đạo 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc, cùng toàn thể công chức, viên chức của Ủy ban.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trực thuộc
Báo cáo kết quả nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm 2022, ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, cùng với những hậu quả của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo. Kinh tế Việt Nam từng bước phục hồi trong trạng thái bình thường mới. Giá cả một số nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, nhất là dầu thô, khí tự nhiên và hóa lỏng; diễn biến thời tiết bất thường; nguồn nhân lực thiếu hụt cục bộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy ban.
Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công tác và thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo quyết liệt các đơn vị và các Tập đoàn, Tổng công ty tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; có các phương án, kịch bản gắn với giải pháp cụ thể phục hồi, phát triển sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, góp phần vào việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng báo cáo về kết quả thực hiện công tác 6 tháng đầu năm 2022 tại Hội nghị |
Trong 6 tháng đầu năm 2022, các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc đã tích cực vượt qua khó khăn, thích ứng linh hoạt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo báo cáo, tổng hợp kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch được giao của 19 Tập đoàn, Tổng công ty cho thấy các doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, về doanh thu, tổng doanh thu hợp nhất của 17/19 Tập đoàn, Tổng công ty, không bao gồm Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ước đạt 892.166 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch năm và bằng 127% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng doanh thu của 19/19 Công ty mẹ - Tập đoàn, Tổng công ty ước đạt 543.429 tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch năm và bằng 128% so với cùng kỳ. Trong đó, một số Tập đoàn, Tổng công ty có doanh thu hợp nhất và Công ty mẹ đều đạt cao so với kế hoạch năm và so với cùng kỳ như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)...
Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của 17/19 Tập đoàn, Tổng công ty, không bao gồm SCIC và VEC ước đạt 53.274 tỷ đồng, bằng 139% kế hoạch năm và bằng 91% so với cùng kỳ. Trong đó, một số Tập đoàn, Tổng công ty đã đạt lợi nhuận cao hoặc có nhiều nỗ lực, đạt lợi nhuận vượt trội so với kế hoạch năm và với cùng kỳ, như Petrovietnam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)...
Tổng nộp Ngân sách Nhà nước hợp nhất của 16/19 Tập đoàn, Tổng công ty, không bao gồm Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), SCIC và VEC, ước đạt 125.829 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch năm và bằng 121% so với cùng kỳ; tổng nộp Ngân sách Nhà nước 19/19 Công ty mẹ - Tập đoàn, tổng công ty ước đạt 31.818 tỷ đồng, bằng 82% kế hoạch năm và bằng 108% so với cùng kỳ. Trong đó, một số tập đoàn, tổng công ty nộp ngân sách cao so với kế hoạch năm và so với cùng kỳ như Petrovietnam, TKV và Petrolimex...
Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trình bày tham luận tại Hội nghị |
Ngày càng chuyên nghiệp hơn trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm
Theo Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng công ty đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn. Nhiều dự án đầu tư quan trọng đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiêu biểu như: Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 hoàn thành đầu tư xây dựng và đi vào vận hành thương mại ngày 13/5/2022, Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã hòa đồng bộ bằng dầu ngày 12/5/2022 và bằng than ngày 16/6/2022, Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã hoàn thành đánh giá các nội dung chính của dự án và báo cáo Chính phủ tại văn bản số 3223/DKVN-CNK&LH ngày 15/6/2022; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 được thực hiện đúng tiến độ; khởi công dự án xây dựng và đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu dự các dự án Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, dự án Mở rộng nhà ga T2 Nội Bài; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị đã khởi công 54 công trình lưới điện và đóng điện 44 công trình lưới điện…
Theo báo cáo, chiến lược chuyển đổi số được nhiều Tập đoàn, Tổng công ty tích cực thực hiện, mang lại hiệu quả bước đầu khả quan, đổi mới phương thức điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Trong đó, hai doanh nghiệp viễn thông là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo không chỉ đối với bản thân doanh nghiệp mà còn hỗ trợ các cơ quan nhà nước, các Tập đoàn, Tổng công ty khác thực hiện chuyển đổi số, như: VNPT đã tiếp xúc, triển khai 54 dự án chuyển đổi số cho 14 Bộ, cơ quan của Chính phủ; đẩy mạnh công tác triển khai cung cấp chính quyền điện tử, đô thị thông minh tại 35 tỉnh, thành phố; tiên phong ứng dụng và phổ biến các công nghệ 4.0 phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp như Ký số Smart CA, eKYC, BioID.... MobiFone đã đăng ký tham gia 15 nền tảng chuyển đổi số quốc gia, đồng thời tham gia vào mạng lưới các doanh nghiệp hỗ trợ SME chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Về công tác phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, Ủy ban đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các Tập đoàn, Tổng công ty khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 của từng doanh nghiệp, báo cáo Ủy ban xem xét, phê duyệt/trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng tiếp tục thực hiện ngày càng chuyên nghiệp hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chuyên trách tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty. Ủy ban đã tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước thuộc quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ đối với doanh nghiệp giao Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu về: Công tác cán bộ tại doanh nghiệp; bổ sung, hoàn thiện Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Petrovietnam và Chiến lược phát triển của SCIC giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; tiếp tục chỉ đạo cổ phần hóa 06 doanh nghiệp quy mô lớn thuộc thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa của Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban đã trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty về xây dựng chiến lược, kế hoạch; thực hiện đánh giá, xếp loại doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp; thực hiện công tác quản lý, giám sát tài chính và công khai tài chính doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức, hoạt động và các quy chế của doanh nghiệp; xem xét, thẩm định phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ; phê duyệt và chỉ đạo triển khai các dự án đầu tư quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty theo thẩm quyền; xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; thực hiện công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất: Phối hợp với Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định tại các Nghị định số: 167/2017/NĐ-CP và 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ; thực hiện công tác cán bộ, tiền lương, thi đua khen thưởng đối với doanh nghiệp...
Nêu cao tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng và quyết tâm
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến tham luận của các Vụ chức năng và doanh nghiệp trực thuộc, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá: 6 tháng đầu năm 2022 có rất nhiều thách thức, khó khăn. Trong bối cảnh đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chủ động và nỗ lực triển khai các giải pháp để thực hiện tốt nhất các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và của cơ quan thuộc Chính phủ; 19 Tập đoàn, Tổng công ty đã nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; tập trung đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
“Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn còn có những tồn tại, hạn chế; hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển của các Tập đoàn, Tổng công ty vẫn còn nhiều khó khăn. Việc phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 đòi hỏi Ủy ban và 19 doanh nghiệp trực thuộc cần đẩy mạnh hơn nữa các mặt công tác để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao” - Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cũng thẳng thắn chỉ ra.
Theo Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, trong 6 tháng cuối năm 2022 và thời gian tiếp theo, Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng công ty cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật các công việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty. Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cho biết, Ủy ban tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ các Tập đoàn, Tổng công ty trong hoạt động sản xuất - kinh doanh; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các Tập đoàn, Tổng công ty phục hồi và phát triển.
Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ xem xét, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án, chiến lược, kế hoạch theo quy định; thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định và kế hoạch; và đẩy mạnh giám sát tài chính, giám sát đầu tư, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm và kiện toàn đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp.
Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh giao nhiệm vụ, các doanh nghiệp cần khắc phục khó khăn, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức để hoàn thành mức cao nhất kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021; nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh; bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực Nhà nước giao; đầu tư phát triển theo kế hoạch được giao, bảo đảm có hiệu quả, phát triển bền vững. 19 Tập đoàn, Tổng công ty cần khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động phù hợp với các quy định pháp luật mới được ban hành. Các doanh nghiệp cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư kịp thời để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư kinh doanh quan trọng, có tính kết nối, lan toả, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt cả về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng.
Ngoài ra, người đứng đầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao nhiệm vụ cho 19 Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước bảo đảm đúng kế hoạch và công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật; đồng thời, phát hiện và xử lý dứt điểm các doanh nghiệp, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả; lành mạnh hóa tài chính, xử lý dứt điểm nợ không có khả năng thành toán và các tài sản không sinh lời.
Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cũng lưu ý các doanh nghiệp trực thuộc thực hiện nghiêm túc, bảo đảm thời hạn các quy định về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh hiệu quả hoạt động và công khai tài chính, công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
“Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tôi đề nghị các đơn vị và các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban nêu cao tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng và quyết tâm; tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cơ quan, địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần vào tiến trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước” – Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam
-
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xóa bỏ toàn bộ tàu “3 không”, xử lý dứt điểm “tàu ma”
-
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị BRICS mở rộng