Bốn kiến nghị cần thiết
TS Nguyễn Đình Dương
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Hà Nội
Ở đâu và thời nào cũng vậy, đối với những hàng hóa và dịch vụ thông thường, thì người tiêu dùng đầu tiên, nếu không nói là quan trọng nhất, nhẽ tự nhiên trước hết phải là người tiêu dùng địa phương, trong nước. Tuy nhiên, khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không thể có giá trị thực tiễn và trở thành động lực mới cho phát triển đất nước, một khi nó không được cụ thể hóa và thể chế hóa, cũng như không thể dựa trên sự kéo dài mãi những cố gắng và hy sinh “đơn phương”, từ một phía…
Thực tế cho thấy, để cuộc vận động này thực sự đi vào cuộc sống, cần chú ý giải quyết tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tăng khả năng thanh toán và nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt:
Người Việt Nam sẽ tăng dùng hàng Việt Nam khi bản thân họ có nhu cầu và có khả năng thanh toán trên thực tế do tăng thu nhập từ lương và các nguồn thu nhập khác; khi họ có thông tin về nguồn hàng, chất lượng và giá cả hàng hóa, cũng như khi họ được tiếp cận hệ thống dịch vụ phân phối hàng thuận tiện và tốt nhất có thể trong so sánh với các hàng hóa ngoại nhập tương đương; khi người dân ta được tuyên truyền, giáo dục và tổ chức tốt để trở thành cộng đồng những người tiêu dùng thông minh, nhất là biết rõ công năng, lợi ích và tác động xấu của hàng ngoại phẩm cấp thấp, dù giá rẻ…
Vì vậy, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương cần tạo điều kiện cải thiện thu nhập thực tế của người dân; cũng như quan tâm thực hiện quảng cáo và quảng bá các thông tin hàng Việt với giá rẻ hoặc miễn phí trên tất cả các chương trình và phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương cũng như quốc gia.
Thứ hai, nâng cao chất lượng và sự hấp dẫn của hàng Việt:
Đồng thời, ngược lại, cũng không nên lạm dụng lòng yêu nước trong sáng và sức chịu đựng có hạn của người dân lành, nếu không nói là có tội với dân, với nước, khi nhân danh những giá trị tốt đẹp, cứ nhắm mắt làm ngơ trước thực tiễn người tiêu dùng Việt Nam buộc phải trả giá đắt đầy ấm ức cho những “hàng nội giả hiệu” được bảo hộ kéo dài. Chúng không chỉ móc “cháy túi” người dân, mà còn làm nghèo thêm ngân khố và tài sản Nhà nước, làm suy giảm nhanh chóng tiềm năng và sức mạnh quốc gia nói chung, làm tổn thương hình ảnh và giá trị thương hiệu “hàng Việt Nam” nói riêng… Trong bối cảnh mở cửa, người tiêu dùng có quyền rộng rãi hơn trong tiếp nhận thông tin và cơ hội lựa chọn các hàng hóa và nguồn cung cấp theo ý mình. Vì vậy, sẽ thật khó thuyết phục người tiêu dùng Việt Nam mua hàng Việt Nam chỉ vì lòng yêu nước thuần túy, dù cao cả, khi mà với cùng giá cả “xêm xêm” nhau, mà chất lượng hàng nội quá kém, mẫu mã lại đơn điệu và các dịch vụ hậu mãi dường như không có. Như vậy, hàng Việt Nam sẽ thuyết phục được người tiêu dùng Việt Nam khi những người lao động và quản lý doanh nghiệp Việt Nam “trên dưới một lòng” tận tâm hiệp lực sản xuất ra hàng hóa một cách trân trọng, giá cả cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Hàng Việt Nam sẽ chinh phục người tiêu dùng Việt Nam và cả trên thị trường nước ngoài tốt hơn khi ngày càng tiếp cận gần hơn các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu nghiêm ngặt nhất về vệ sinh, an toàn thực phẩm và các yêu cầu bảo vệ môi trường, dịch vụ hậu mãi vì lợi ích người tiêu dùng và cộng đồng…
Thứ ba, quan tâm xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu hàng Việt:
Xây dựng và bảo vệ thương hiệu là việc tạo dựng và bảo vệ một biểu tượng, hình ảnh về doanh nghiệp, cũng như về sản phẩm của doanh nghiệp trong tâm trí người tiêu dùng, làm cho người tiêu dùng tin tưởng hơn, yên tâm hơn và có mong muốn được lựa chọn và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, còn các đối tác khác chấp nhận đầu tư, hợp tác làm ăn với doanh nghiệp lâu dài…
Thực tế cho thấy, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu có tác dụng tích cực trong việc khuyến khích hợp tác, gắn kết giữa các doanh nghiệp và thành phần kinh tế. Một thương hiệu mạnh tự thân có khả năng hấp dẫn cao với hầu hết các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Một doanh nghiệp sở hữu một thương hiệu mạnh thường trở thành một “địa chỉ đỏ” để các doanh nghiệp khác tìm đến, ký kết hợp tác, hoặc doanh nghiệp có thể lấy thương hiệu đó như là một tài sản để góp vốn vào những doanh nghiệp cổ phần mà họ muốn. Việc bảo vệ bản quyền thương hiệu theo các quy định pháp luật hiện hành và phù hợp với thông lệ quốc tế cũng là một điều kiện để đảm bảo sự hợp tác, gắn kết kinh tế ổn định và lành mạnh giữa các doanh nghiệp và thành phần kinh tế.
Xây dựng thương hiệu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của các công ước, thỏa ước quốc tế và luật quốc gia về nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý. Khi lựa chọn tạo biểu trưng với tên gọi riêng, những dấu hiệu phân biệt cần đặc biệt lưu ý đến tính pháp lý, không trùng với tên, logo, dấu hiệu đã được người khác đăng ký bảo hộ hoặc vi phạm những trường hợp mà pháp luật quy định.
Để thương hiệu nhanh chóng đến được với người tiêu, cần tăng cường các hoạt động quảng cáo có tính chuyên nghiệp cao trên truyền hình, báo chí, đài phát thanh, tờ rơi, hội chợ triển lãm… Lựa chọn thông điệp trong quảng cáo sẽ góp phần cực kỳ quan trọng vào sự thành công của quảng cáo. Thông điệp và nội dung quảng cáo phải ngắn gọn, rõ ràng và mang sắc thái riêng, thể hiện ý tưởng của công ty và của sản phẩm. Bên cạnh đó, xây dựng và quảng bá thương hiệu cần có vai trò của hiệp hội, chứ không chỉ của Nhà nước và của doanh nghiệp. Hơn nữa, cũng cần quan tâm bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ và thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp chủ sở hữu đích thực, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc, kịp thời hiện tượng gian dối, ăn cắp, chiếm đoạt thương hiệu một cách trắng trợn, bất hợp pháp.
Thứ tư, tăng cường sự định hướng và sự hỗ trợ của Nhà nước, hiệp hội đối với sản xuất và phân phối hàng Việt, kiểm soát các hành vi cạnh tranh không bình đẳng và các gian lận thương mại khác:
Khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một khẩu hiệu đúng, thông minh, mềm dẻo và cần thiết, nhất là trong bối cảnh có sự suy giảm tổng cầu và thắt chặt hầu bao, cũng như cửa vào của các thị trường nước ngoài… Khẩu hiệu này sẽ không dừng lại ở ý nghĩa cổ động chính trị thuần túy, mà ngày càng trở thành thực tiễn kinh tế – xã hội sinh động, mang lại hiệu quả to lớn toàn diện cả cấp vĩ mô, lẫn vi mô, trong nước và ở nước ngoài, trước mắt, cũng như lâu dài, khi có sự hỗ trợ có tổ chức, thông minh và thực chất của Nhà nước Việt Nam.
Sự hỗ trợ này không chỉ từ phía Nhà nước tạo mọi cơ hội, làm tất cả nhằm làm tăng thu nhập và khả năng thanh toán thực tế của người tiêu dùng trong nước, làm giảm bớt các chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tổ chức sản xuất và phân phối hàng hóa cho người Việt Nam, bao gồm gần 90 triệu dân trong nước, lẫn hơn 3,5 triệu kiều bào ta đang định cư ở trên 100 nước trên thế giới.
N.Đ.D
-
Gần 100 doanh nghiệp giới thiệu hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2024
-
Kiến nghị xử lý tài chính gần 3.000 tỷ đồng trong tháng 4
-
Quảng Nam kiến nghị “gỡ khó” cho loạt dự án bất động sản chậm triển khai
-
Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị gì để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội?
-
Thủ tướng cho ý kiến về 2 kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh Hải Dương