Bộ TT&TT ra mắt ứng dụng bản đồ số 4D "thuần Việt" đầu tiên tại Việt Nam
Sáng nay (6/11), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Lễ ra mắt Nền tảng Bản đồ số Map4D. Đây là một trong chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số Made in Vietnam nhằm thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tham gia sự kiện có đại diện nhiều cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành, học viện, tập đoàn và các doanh nghiệp lớn.
Map4D là bản đồ số 2D, 3D, 4D thuần Việt, đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay. Ứng dụng có khả năng hiển thị, tương tác với các đối tượng 3D và thể hiện chiều thời gian 4D (cho phép người dùng có thể đánh giá được sự thay đổi hiện trạng ở quá khứ/hiện tại/tương lai của các đối tượng 3D trên bản đồ), sẵn sàng tích hợp các công nghệ tiên tiến VR, AI, IoT, Machine Learning...
Một số ưu điểm vượt trội của Map4D có thể kể đến là đảm bảo tính chủ quyền - do người Việt Nam phát triển và làm chủ, có dữ liệu đặt tại Việt Nam nên tính bảo mật, an ninh quốc gia cao; có khả năng tích hợp số hóa, quản lý cơ sở dữ liệu và ứng dụng phong phú, dễ dàng; các dữ liệu được cập nhật nhanh chóng và chính xác so với thay đổi thực tế.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) phát biểu tại lễ ra mắt ứng dụng bản đồ số Map4D. |
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) đánh giá cao dịch vụ bản đồ số Map4D, cho rằng công cụ này sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và số hoá hạ tầng đô thị thông minh tại Việt Nam. “Nếu chúng ta làm từng sản phẩm riêng lẻ thì sẽ rất lâu. Tuy nhiên nếu sở hữu những nền tảng sẵn có trong tay, chuyển đổi số sẽ được thúc đẩy rất nhanh chóng và hiệu quả”.
Ngoài ý nghĩa người Việt làm chủ công nghệ dùng cho người Việt, các sản phẩm “Make in Vietnam” còn giúp giải bài toán đảm bảo an toàn dữ liệu. “Chuyển đổi số muốn thành công hay không, có một phần quan trọng phụ thuộc vào dữ liệu”, đại diện Cục Tin học hoá nhấn mạnh.
“Nếu chúng ta sử dụng các nền tảng số của nước ngoài, thì gần như dữ liệu chắc chắn sẽ nằm tại các máy chủ ở nước ngoài. Do đó, rất cần những sản phẩm ‘Make in Vietnam’ để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện”.
Theo thống kê của Cục Tin học hoá, mỗi năm các doanh nghiệp logistic phải chi trả cho Google khoảng 50 triệu USD để được tích hợp API dịch vụ của Google Maps. Nhìn rộng hơn, các doanh nghiệp Việt cũng đang chi cho nước ngoài hàng nghìn tỷ đồng chỉ riêng đối với bài toán xây dựng dịch vụ dựa trên ứng dụng bản đồ.
Bởi vậy, nếu như các doanh nghiệp trong nước xây dựng được nền tảng và đáp ứng được nhu cầu bản đồ số, nguồn thu khổng lồ sẽ nằm tại Việt Nam, thay vì được luân chuyển sang nước ngoài như hiện nay.
Tính năng chỉ đường dựa trên mô phỏng 3D của ứng dụng. |
Theo ông Đỗ Quang Vinh - Chủ tịch Công ty cổ phần IOTLink, Map4D có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, du lịch, xây dựng, tài nguyên và môi trường, đô thị, nông nghiệp, giao thông.
Ngoài ra, Map4D cũng đã sẵn sàng cung cấp nền tảng số phục vụ chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh và dịch vụ logistics nhằm tối ưu hóa các hoạt động quy hoạch, quản lý của cơ quan nhà nước và phát triển kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện nay, IOTLink (đơn vị sở hữu giải pháp Map4D) cũng đã và đang triển khai mở rộng hợp tác với nhiều đơn vị trên toàn quốc như Viettel, VNPost, Ahamove, TOT, HCMGIS, QTSC... với mong muốn phục vụ rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp, người dùng và Chính phủ góp phần cho công cuộc đổi mới, hiện đại hóa của đất nước trong thời đại công nghiệp 4.0.
Theo Dân trí
-
Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
-
Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp
-
Thủ tướng: Chuyển đổi số cần hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tăng tốc, bứt phá hơn
-
Thành phố Bà Rịa: Mít tinh hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia
-
Chìa khóa để TKV phát triển bền vững
-
LPG Expo Châu Á - Thái Bình Dương 2024: Cơ hội hợp tác toàn cầu trong ngành công nghiệp LPG
-
Tiến bộ công nghệ khoan dầu khí tiên tiến trên đất liền và ngoài khơi (Kỳ 3)
-
Tiến bộ công nghệ khoan dầu khí tiên tiến trên đất liền và ngoài khơi (Kỳ 2)
-
IEAE 2024: Cầu nối mở rộng hợp tác cho doanh nghiệp điện tử và thiết bị thông minh
-
Tiến bộ công nghệ khoan dầu khí tiên tiến trên đất liền và ngoài khơi (Kỳ 1)