Bộ trưởng TT-TT: "Không một bộ, ngành nào độc quyền trên môi trường số"
Góp ý về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sáng 19/9 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng ban Công tác đại biểu - cho rằng những xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đã và đang xuất hiện các phần mềm trí tuệ nhân tạo tham gia trên môi trường số. Những phần mềm này có tính năng xử lý, phân tích thông tin tốt như con người, hoàn toàn có khả năng thực hiện các giao dịch điện tử theo quy định của dự thảo luật một cách độc lập, không cần vận hành bởi các cơ quan, cá nhân hoặc tổ chức nào.
Bà Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Phạm Thắng). |
"Đối với những giao dịch điện tử do đối tượng này thực hiện thì dự thảo luật có điều chỉnh không? Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, có những quy định phù hợp đối với những loại hình do phần mềm trí tuệ nhân tạo thực hiện; nếu không quy định thì phải có những điều khoản thế nào để xác định phạm vi và để hiểu rằng chúng ta không điều chỉnh những loại giao dịch như thế"- bà Thanh nêu quan điểm.
Ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội cho biết, Chính phủ đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Vì vậy ban soạn thảo cần phối hợp với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Bộ Công an nghiên cứu để đảm bảo nội dung của dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành và tích hợp vào Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đảm bảo thống nhất, tránh chồng chéo nội dung.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý, khi chuyển đổi những giao dịch bằng văn bản giấy sang môi trường số thì vẫn phải chú ý đảm bảo đầy đủ tính toàn vẹn của các giao dịch đó.
"Chuyển sang hình thức số cũng phải đảm bảo đầy đủ các công đoạn của một hợp đồng. Tôi nói ví dụ người ta đã ký kết nhưng người ta muốn thay đổi hoặc người ta muốn hủy bỏ hợp đồng đó thì hợp đồng điện tử này, các quy định liên quan cũng phải đảm bảo đầy đủ, toàn diện các công đoạn như vậy"- ông Tùng cho hay.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc xây dựng và ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trong thời điểm này là rất cần thiết, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 17 năm thi hành.
Việc sửa đổi, thay thế luật ban hành năm 2005 để tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (Ảnh: Phạm Thắng). |
Bộ trưởng cho rằng Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số; là công cụ để Việt Nam có thể kết nối và hội nhập với thế giới ở trên không gian mạng.
Nguyên tắc ngành nào thì quản lý lĩnh vực đó của mình trên môi trường số là nguyên tắc phổ quát. Vì thế, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không quản lý lấn sân sang các ngành khác trên môi trường số.
"Sẽ không có một bộ, ngành nào độc quyền trên môi trường số"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, luật sẽ tạo cơ sở pháp lý chuyển đổi từ môi trường thực lên môi trường số và giúp cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc chuyển đổi các giao dịch trong thế giới thực đã được luật pháp hiện hành quy định trong lĩnh vực của mình lên môi trường số mà không cần xây dựng thêm các bộ luật mới. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không làm công việc chuyển đổi này mà đó là việc của các bộ, ngành sẽ phải làm.
"Luật Giao dịch điện tử mới là điều kiện cần để các bộ, ngành quy định chi tiết về các giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực quản lý của mình"- ông Hùng thông tin thêm.
Đáng chú ý, luật cũng quy định ngay cả khi giao dịch điện tử đã sẵn sàng thì người dân vẫn có quyền lựa chọn hoặc là offline hoặc là online.
Ông Hùng khẳng định, ban soạn thảo sẽ lắng nghe các ý kiến của đại biểu Quốc hội, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để nghiên cứu, chắt lọc các nội dung đảm bảo theo kịp với xu thế của thế giới mà vẫn phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam.
Cuối phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Ông đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự án luật tốt nhất.
Theo Dân trí
-
Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
-
Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp
-
Thủ tướng: Chuyển đổi số cần hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tăng tốc, bứt phá hơn
-
Thành phố Bà Rịa: Mít tinh hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia
-
Rystad Energy: OPEC+ sẽ không khôi phục sản lượng dầu trong năm nay
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 1/11: Xung đột Israel - Iran tiếp tục tác động đến giá dầu
-
IMF thúc giục Trung Quốc cải tổ nền kinh tế
-
Giá vàng hôm nay (1/11): Thị trường thế giới quay đầu giảm
-
Sóc Trăng hợp tác nuôi trồng thủy sản bền vững