Bộ Tài chính: Giá xăng dầu tăng giảm đúng Luật
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).
Petrotimes: Xin ông cho biết, cơ sở nào để Bộ Tài chính đưa yêu cầu giảm giá xăng dầu 500 đồng vào ngày 9/4?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trong lần điều chỉnh giá xăng dầu chiều 9/4, Bộ Tài chính thực hiện theo Nghị định 84 với tần suất điều chỉnh tối đa 10 ngày. Theo đó, chốt ngày 8/4, liên bộ thấy có chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ dương (+) 450 đồng nên đã yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh.
Theo đó, doanh nghiệp giảm 500 đồng/lít với xăng, 450 đồng/lít với dầu hỏa và diesel, riêng với dầu mazut do chênh lệch thấp ở mức 42 đồng thì đề nghị doanh nghiệp tiếp tục theo dõi.
Petrotimes: Có phải là sự trùng lặp ngẫu nhiên hay là động thái trấn an dư luận khi quyết định chỉ đạo giảm giá của Bộ Tài chính lại diễn ra trước thềm buổi họp báo quý I/2013 của Bộ Tài chính, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi khẳng định không có chuyện đó. Đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Bộ Tài chính điều hành đúng theo chu kỳ tính giá. Trong mỗi lần điều chỉnh giá, các doanh nghiệp thường lấy lý do quỹ bình ổn bị âm, kinh doanh lỗ. Vậy quỹ này hiện nay ra sao, Bộ đã kiểm tra chuyện lỗ lãi thực sự của doanh nghiệp chưa?
Theo Thông tư 234, quỹ được trích lập ở mức 300 đồng/lít, kg và sử dụng theo điều hành giá của liên bộ. Doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo định kỳ ba tháng một lần về số dư quỹ bình ổn và khi có yêu cầu đột xuất.
Petrotimes: Ngày 26/2, giá cơ sở của mặt hàng xăng đã giảm 1.200 đồng/lít so với thời điểm 25/2 và giá bán lẻ chỉ thấp hơn giá cơ sở khoảng 1.000 đồng/lít. Trong khi đó, liên bộ vẫn cho xả quỹ bình ổn 2.000 đồng/lít xăng và 800 đồng/lít dầu khiến các doanh nghiệp lãi lớn?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thời điểm ngày 26/2, giá cơ sở chênh giá bán lẻ 2.300 đồng/lít xăng. Trước đó, các doanh nghiệp đã dùng quỹ bình ổn 1.000 đồng/lít. Tuy nhiên, sau khi tính bình quân 30 ngày, liên bộ thấy mức chênh lệch giá trên 2.000 đồng nên cho trích sử dụng thêm 1.000 đồng nữa để kiềm khả năng tăng giá. Như vậy tổng mức trích quỹ là 2.000 đồng chứ không phải lúc đó doanh nghiệp sử dụng ngay 2.000 đồng. Tính đến ngày 28/3, quỹ âm 524 tỉ đồng và đến ngày 30/3 là khoảng 430,9 tỉ đồng.
Petrotimes: Có thông tin phản ánh giá xăng dầu các nước xung quanh đang thấp hơn giá tại Việt Nam, xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Với một số nước thực hiện theo cơ chế thị trường thì giá xăng dầu sẽ cao hơn ở Việt Nam, một số được bao cấp mặt bằng thì giá thấp hơn. Tuy nhiên, việc xem xét chênh lệch giá xăng dầu giữa Việt Nam và các nước chung biên giới chỉ là một khía cạnh, điều hành xăng dầu vẫn phải theo Nghị định 84. Nếu giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở thì trước hết liên bộ sẽ yêu cầu dùng quỹ bình ổn, còn nếu giá bán lẻ cao hơn cơ sở thì yêu cầu giảm giá.
Petrotimes: Bộ có tính đến phương án tăng thuế nhập khẩu xăng dầu trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Điều hành xăng dầu vẫn theo nguyên tắc thị trường có điều tiết qua quỹ bình ổn giá và thuế. Hiện thuế suất thuế nhập khẩu các loại xăng dầu trong nước còn thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quy định nhưng để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, Nhà nước và doanh nghiệp thì trước mắt vẫn chưa khôi phục thuế suất thuế nhập khẩu, thay vào đó là quyết định yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Hải
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị giữ quy định áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Giá vàng hôm nay (29/10): Tiếp tục tăng mạnh
-
Giá dầu hôm nay (29/10): Dầu thô tăng trong phiên
-
Việt Nam và UAE ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA)
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 29/10: Giá dầu thế giới tăng nhẹ đầu phiên