Bếp gia đình: Không còn là nơi an toàn nhất
Mất vệ sinh an toàn thực phẩm từ chính... bếp ăn gia đình |
Mẹ chết con cấp cứu vì ngộ độc
Chỉ từ ngày 25 đến 27-9-2015 đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) nghiêm trọng làm 1 người tử vong và 12 người khác phải đi cấp cứu bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.
Vụ đầu tiên phải kể đến là trường hợp 2 mẹ con cụ Lê Thị Tứ và bà Đường ở thôn Hội Trung, xã Đức Liên, Vũ Quang, Hà Tĩnh, sau khi ăn hết 2 chiếc bánh dẻo do cháu gái biếu, cụ Tứ, 95 tuổi đã tử vong ngay tại nhà. Còn bà Đường phải đi cấp cứu bệnh viện trong tình trạng nghiêm trọng.
Bệnh nhân nặng nhất trong số 9 người bị ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn gia đình ở Ninh Bình |
Sự việc được người nhà cụ Tứ trình bày lại, ngày 24-9, cháu gái cụ Tứ có mua bánh trung thu (chỉ loại bánh dẻo) ở thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh rồi mang về biếu cụ. Đến sáng ngày 25-9, cụ Tứ lấy 2 chiếc bánh đó ra cùng bà Đường, 68 tuổi, là con dâu cũng ở xã Đức Liên ăn hết. Tuy nhiên, cụ Tứ chỉ ăn hết nửa cái. Còn lại bà Đường ăn. Khoảng 5 tiếng sau tính từ lúc ăn, cụ Tứ và bà Đường bắt đầu có hiện tượng ngộ độc khi buồn nôn, chóng mặt, đau bụng, tê chân tay… Tất nhiên, cùng với bánh trung thu thì cụ Tứ và bà Đường còn ăn một số thứ khác được nấu trong bữa cơm trưa. Bị biểu hiện đó một lúc thì cụ Tứ tử vong ngay tại nhà khi chưa kịp đưa đi cấp cứu. Còn bà Đường được đưa đến Phòng khám Đa khoa Đức Lĩnh trong tình trạng tiêu chảy, hạ huyết áp, nôn mửa, tê đầu lưỡi…
Theo bác sĩ Trần Hữu Tình, Trưởng phòng khám Đa khoa Đức Lĩnh, sau khi được truyền dịch và điện giải… thì bà Đường đã đỡ nhiều, chỉ còn rối loạn tiêu hóa nhẹ. Sau đó được xuất viện. Còn cụ Tứ, bác sĩ Tình cho rằng có thể do huyết áp cao, sức khỏe lại không tốt nhiều năm nay nên khi bị ngộ độc đã tử vong. Bác sĩ cũng cho biết, loại thực phẩm gây ngộ độc cho cụ Tứ và bà Đường có thể chứa chất gây kích thích mạnh nên mới khiến các bệnh nhân tê đầu lưỡi như vậy.
Khi được hỏi liệu tình trạng ngộ độc thực phẩm của cụ Tứ và bà Đường có phải do bánh trung thu thì bác sĩ Tình thẳng thắn: “Chưa thể khẳng định là do bánh trung thu bởi ngoài 2 chiếc bánh đó, bệnh nhân còn ăn một số thứ khác được chế biến ngay tại nhà. Tuy nhiên, hiện nay cũng không thể xác định đối với 2 chiếc bánh trung thu bởi các bệnh nhân đã ăn hết không còn mẫu để xét nghiệm. Theo gia đình bệnh nhân thì đó là những chiếc bánh chỉ được bao nilon và không có tem nhãn ghi nguồn gốc xuất xứ. Hiện Phòng y tế và Y tế Dự phòng của Đức Thọ chỉ còn dựa vào mẫu thức ăn được cụ Tứ và bà Đường ăn tại nhà xem đây có phải nguyên nhân gây ngộ độc hay không.
Chỉ sau khi xảy ra NĐTP 1 ngày làm cụ Tứ tử vong thì tại Ninh Bình 2 giờ chiều ngày 27-9, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận 9 bệnh nhân trong gia đình bà Trần Thị Cường, 75 tuổi, ở xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư bị NĐTP. Theo tường trình của người trong gia đình thì trưa hôm ấy, gia đình tổ chức liên hoan rằm trung thu với các món: chả thịt lợn, thịt cầy, trứng rán, canh rau ngót, đặt biệt có món vịt quay do nhà mua vịt sống ở chợ về làm rồi mang ra nhờ người ướp gia vị, trước khi quay. Tất cả các món đều do những người trong gia đình tự chế biến và nguyên liệu đều mua từ ngoài chợ sau khi đã lựa chọn. Tuy nhiên, ăn xong được khoảng 30 phút thì 9 người trong gia đình bắt đầu có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tê chân tay… Nhận biết ngay đây là dấu hiệu của NĐTP nên cả 9 người đều được đưa đi cấp cứu.
Tại bệnh viện, các bác sĩ đã nhận định sau khi tiếp nhận bệnh nhân: diễn biến lâm sàng rất nhanh, đe dọa tính mạng bệnh nhân đồng thời đồng tử giãn nên các bệnh nhân đã phải rửa dạ dày vừa để “xả độc” vừa để lấy mẫu dịch đi kiểm nghiệm cùng với mẫu từ thức ăn thừa trong buổi liên hoan nhằm tìm ra nguyên nhân gây ngộ độc. Trong số 9 bệnh nhân bị ngộ độc, có 3 bệnh nhân nặng nhất phải đặt nội khí quản, các bệnh nhân còn lại có chiều hướng phục hồi tốt.
Xác định rõ đây là vụ ngộ độc trong bếp ăn gia đình nghiêm trọng, Cục ATTP, Bộ Y tế đã cử một đoàn công tác trong đó gồm cả bác sĩ của cả Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với các cơ quan chức năng ở tỉnh Ninh Bình để xác định nguyên nhân, rà soát các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả vụ ngộ độc trước hết bằng cách lấy mẫu gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia.
Đến nay cả 9 bệnh nhân đều đã được xuất viện tuy nhiên nguyên nhân gây ngộ độc vẫn đang chờ được làm rõ.
Bên cạnh bếp ăn gia đình cũng phải nói đến bếp ăn tập thể rất đáng lo ngại khi thời gian qua liên tiếp xảy ra NĐTP. Điển hình như 200 công nhân của công ty Meraki, ở khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương, sau khi ăn bữa tăng ca gồm bún, thịt lợn xào hành tây, nước mắm pha… đã bị các triệu chứng nôn mửa, rối loạn tiêu hóa, đau bụng… phải đi cấp cứu bệnh viện. Hay nhiều vụ NĐTP phẩm tập thể nữa đã xảy ra trước đó.
52% xảy ra tại bếp ăn gia đình
Theo thống kê của Cục ATTP, tính đến ngày 15-9, cả nước có 129 vụ NĐTP, 3.600 người mắc, trong đó 20 trường hợp tử vong. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ này giảm nhưng riêng đối với ngộ độc tại bếp ăn gia đình lại tăng, chiếm 52% các vụ ngộ độc (64/129 vụ), ngộ độc tập thể có 28 vụ.
Nguyên nhân được các chuyên gia của Cục ATTP xác định là do việc đảm bảo vệ sinh ATTP tại các bếp ăn gia đình vẫn còn hạn chế, đặc biệt là đối với các thực phẩm không đảm bảo an toàn như cá nóc, các loại côn trùng, nấm rừng… vẫn bị lạm dụng chế biến để ăn, bất chấp các trường hợp tử vong đã xảy ra do NĐTP những thực phẩm này. Đối với chế biến, nhiều gia đình đã phó mặc cho các cơ sở chế biến thức ăn sẵn dẫn đến nhiều nguy cơ gây NĐTP.
Còn đối với các bếp ăn tập thể, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP nhận định: “Thực trạng ATTP tại bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp vẫn là vấn đề nhức nhối bởi suất ăn của công nhân quá rẻ, chưa đến 10 nghìn đồng/bữa. Trong khi ngành y tế chỉ có thể hướng dẫn về dinh dưỡng, tuyên truyền để doanh nghiệp thấy vốn quý là sức khỏe công nhân nhưng suất ăn lại là thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Khi suất ăn tăng giá thì lương giảm, công nhân không chấp nhận. Suất ăn công nghiệp quá rẻ tiền nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP”. Trên cơ sở đó, ông Phong khẳng định nguyên nhân dẫn đến ngộ độc tập thể là do sử dụng các nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, thực phẩm do các hộ gia đình sản xuất nhưng không được kiểm soát triệt để, việc vận chuyển, bảo quản, chế biến chưa bảo đảm, cộng thêm yếu tố thời tiết, vận chuyển từ công ty chế biến đến nơi tiêu thụ…
Để giải quyết vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Phong xác định rõ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có trách nhiệm bảo đảm ATTP bằng cách phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời việc quản lý ATTP phải dựa trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành; Trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm công tác quản lý ATTP phải dựa trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với ATTP và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về ATTP, phòng, chống NĐTP tại bếp ăn tập thể cho các đối tượng sử dụng dịch vụ, cung cấp dịch vụ thức ăn sẵn và người tiêu dùng. Yêu cầu các doanh nghiệp chịu trách nhiệm bảo đảm ATTP cho đơn vị, ký cam kết giữa doanh nghiệp với y tế địa phương, thực hiện triệt để quy trình, kỹ thuật và nội dung kiểm thực ba bước: khi nhập thực phẩm; trước khi nấu và chế biến; trước khi ăn…
Đối với các cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm các vi phạm đối với các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, kinh doanh thực phẩm không an toàn…
Xuân Bách
Năng lượng Mới số 463
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo