Bán lẻ trực tuyến vẫn khó “hạ gục” bán lẻ trực tiếp
Nhiều khách hàng “sợ” mua hàng trực tuyến
Không thể phủ nhận những mặt tiện lợi của phương thức bán hàng trực tuyến hay thường nói là bán hàng online. Được đánh giá là xu thế trong tương lai nhưng với nhiều người Việt thì hình thức mua hàng này vẫn chưa thể giành trọn niềm tin với họ.
Bán hàng trực tuyến đang thử thách niềm tin của người tiêu dùng |
Thực tế này được lý giải là do hiện có hàng trăm, hàng nghìn trang web “ảo” xuất hiện mỗi ngày. Quảng cáo online bắt mắt nhưng từ hình thức đến chất lượng sản phẩm còn có khoảng cách. Không ít khách hàng bị lừa mất tiền và chỉ sau khi bị lừa họ bắt đầu “cạch” hình thức mua sắm này. Những kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” khi mua hàng online chắc chắn đã khiến không ít người đã phải chịu một vài lần ấm ức. Với những hình ảnh vô cùng bắt mắt quảng cáo trên mạng từ quần áo cho đến đồ ăn đều hấp dẫn người tiêu dùng sẵn sàng mở hầu bao. Nhưng lúc nhận được hàng thì sự thật khiến ai nấy đều ngỡ ngàng vì… không như mong đợi.
Theo kết quả khảo sát được Shopee công bố, 38% người tiêu dùng Việt Nam thường mua sắm qua kênh trực tuyến, trong khi có 46% người được hỏi lựa chọn kênh truyền thống. Về tìm kiếm sản phẩm, có 58% số người được hỏi cho biết, họ tìm kiếm qua kênh online và số tìm kiếm qua kênh truyền thống là 61%.
Điều này cho thấy, tỉ lệ người Việt tham gia mua sắm trực tiếp vẫn chiếm ưu thế. Đây được xem là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp đang muốn mở rộng kinh doanh mua sắm online nhưng đồng thời cũng chính là thử thách. Bởi việc kiểm soát được chất lượng hàng hóa, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng để từ đó họ bỏ dần thói quen mua sắm truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức bấy lâu nay là vấn đề không hề đơn giản.
Nắm bắt được tình hình thực tế của thị trường bán lẻ Việt Nam, TS. Đinh Thị Mỹ Loan nhận định: “Mua sắm tại chợ hoặc cửa hàng bán lẻ truyền thống sẽ vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong năm 2019, điều này khá dễ hiểu do ngành bán lẻ Việt Nam có xuất phát điểm từ 100% là bán lẻ truyền thống và theo nhận định của chúng tôi, tình hình này sẽ còn kéo dài đến sau 2030”.
Còn theo khảo sát của Vietnam Report, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn giữ vai trò chủ đạo trong ngành bán lẻ Việt Nam. Doanh thu bán lẻ hiện nay chủ yếu đến từ hệ thống siêu thị/cửa hàng chính hãng (chiếm tới 92% doanh thu), trong khi bán hàng trực tuyến qua Internet chỉ chiếm khoảng 6% doanh thu. Số đông người tiêu dùng thường mua sắm tại các địa điểm (không tính các khu chợ truyền thống) gần nhà hay nơi làm việc, tiện cho việc đi lại.
Dự báo năm 2019 - 2020, ngành bán lẻ Việt sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà bán lẻ ngoại rót vốn |
Cạnh tranh khốc liệt gia tăng điểm bán hàng
Số liệu năm 2018 cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục có mức tăng trưởng ngoạn mục, đạt 4.395.704 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017, trong đó bán lẻ hàng hóa vẫn là trụ cột chính với mức tăng 12,4%. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ luôn cao gấp 1,5 đến 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng thời kỳ.
Và điểm đáng chú ý, theo Tổng cục Thống kê, bán lẻ thuộc 1 trong 6 ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất. Các nghiên cứu dự báo, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng Việt Nam sẽ đạt 180 tỉ USD vào năm 2020. Dự báo năm 2019 - 2020, ngành bán lẻ Việt sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà bán lẻ ngoại rót vốn thông qua đầu tư trực tiếp cũng như các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) sôi nổi.
Kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam của Family Mart theo dự kiến sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng vào 2020 tại Việt Nam, còn 7-Eleven (Nhật Bản) sẽ mở rộng hoạt động với 1.000 cửa hàng tại Việt Nam sau 10 năm (2027). Trong khi đó, các thương hiệu Việt cũng tích cực mở rộng thị phần như chuỗi cửa hàng tiện ích Vinmart+ dự kiến sẽ có 4.000 cửa hàng vào năm 2020... hứa hẹn tạo nên sự sôi động cho sân chơi này.
Cùng với đó, Saigon Co.op hiện đã có hơn 500 điểm bán lẻ trên cả nước với nhiều định dạng khác nhau, bao gồm siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, trung tâm thương mại Sense City và cửa hàng thực phẩm Co.op Food, Co.op Smile, cửa hàng Co.op… cũng như kênh bán hàng qua truyền hình HTVCo.op và tiếp tục mở thêm nữa. Mạng lưới điểm bán cũng được các tập đoàn phân phối - bán lẻ lớn khác tại Việt Nam như Vincommerce, Aeon, Lotte, Metro… tập trung phát triển.
Sự phát triển sôi động của thị trường bán lẻ trong thời gian qua và trong tương lai, dù theo kịch bản nào đi nữa thì bên được hưởng lợi nhiều nhất vẫn là người tiêu dùng. Điều này, TS. Đinh Thị Mỹ Loan cũng thừa nhận: “Cuộc đua lý thú giữa bán lẻ hiện đại với bán lẻ truyền thống, giữa bán lẻ trực tuyến với bán lẻ trực tiếp đang mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng”.
Minh Lê
-
Tin tức kinh tế ngày 30/8: Thị trường bán lẻ có dấu hiệu phục hồi
-
Shopee, TikTok Shop “chiếm lĩnh” thị trường bán lẻ online
-
Tin tức kinh tế ngày 4/8: Giá cà phê lao dốc 3 tuần liên tiếp
-
Tin tức kinh tế ngày 30/6: Xuất khẩu gạo mang về gần 3 tỷ USD
-
Ngành bán lẻ của Trung Quốc ảm đạm sau lễ hội mua sắm giữa năm
-
Giá dầu hôm nay (23/10): WTI tăng, Brent giảm trong phiên
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 23/10: Giá dầu thế giới diễn biến trái chiều
-
Các chuyên gia nói gì về nhu cầu dầu từ nay đến năm 2035?
-
Yếu tố nào đang đè nặng lên thị trường dầu mỏ?
-
VPI dự báo giá xăng dầu giảm từ 1,2 - 3,1% trong kỳ điều hành ngày 24/10