Bám sát ba đột phá chiến lược và ba động lực tăng trưởng
Toàn cảnh lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp |
19 Tập đoàn, Tổng công ty thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong nhiều ngành kinh tế
Thực hiện theo đúng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước”, trong 05 năm kể từ khi thành lập Ủy ban, hoạt động SXKD và đầu tư phát triển của 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đã thể hiện rõ vị trí, vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước góp phần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, cụ thể như sau:
Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô: Các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đã tích cực, chủ động, thể hiện vai trò chủ đạo bảo đảm chức năng dẫn dắt, ổn định thị trường như tăng sản lượng các sản phẩm thiết yếu cho thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu; bảo đảm cung ứng điện, xăng dầu...;
Xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia: Các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải, logistics (hàng không, đường sắt, hàng hải) đã nỗ lực rất lớn để bảo đảm nhu cầu về giao thông, vận tải cho đời sống của nhân dân, SXKD của doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đến năm 2023, ước tính về thị phần, các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu chiếm khoảng 49% vận tải hành khách hàng không nội địa, quản lý 21/22 cảng hàng không dân dụng trên cả nước, 16% hàng hóa vận tải biển, 100% điều hành và vận tải giao thông đường sắt, 45% thuê bao di động, 41% băng rộng cố định mặt đất; về khối vận chuyển đạt 126 triệu lượt hành khách, 114,5 triệu tấn hàng hóa.
Đẩy mạnh hoạt động đầu tư phát triển: Ủy ban đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để hướng dẫn, hỗ trợ, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nhiều dự án lớn, quan trọng đã được triển khai thực hiện, góp phần không nhỏ vào xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ cho phát triển kinh tế - xã hội, như: hạ tầng giao thông, nông nghiệp, năng lượng, viễn thông và chuyển đổi số, tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Trong giai đoạn 2018-2023, Ủy ban đã tích cực chỉ đạo, phối hợp với các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện Kế hoạch đầu tư phát triển với tổng giá trị đầu tư ước đạt 769 nghìn 969 tỷ đồng.
Nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào nguồn thu ngân sách nhà nước: So với năm 2018 (bắt đầu chuyển về Ủy ban), tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất tăng từ 1 triệu 055 nghìn tỷ đồng lên 1 triệu 154 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2 triệu 360 nghìn tỷ đồng lên 2 triệu 491 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của DNNN trong cả nước). Về cơ bản, các chỉ tiêu SXKD đạt được hàng năm có sự tăng trưởng. Năm 2022, tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 227 nghìn 990 tỷ đồng (năm 2021 đạt 217 nghìn 781 tỷ đồng).
Đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty nhận bằng khen của Ủy ban |
Giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng người lao động: Qua quá trình hoạt động, các Tập đoàn, Tổng công ty những năm qua đã góp phần không nhỏ vào công tác thực hiện chính sách về lao động, việc làm của nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ ổn định đời sống người lao động, giải quyết việc làm tại địa phương và trong cả nước.
Thực hiện một số nhiệm vụ chính trị - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh: Các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu có vai trò lớn trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; một số Tập đoàn, Tổng công ty đã thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, kết hợp SXKD với góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia; điển hình như: Petrovietnam, VNPT, Mobifone, EVN, VRG, Vinafood 1...
Cần bám sát ba đột phá chiến lược và ba động lực tăng trưởng
Trong bối cảnh dự báo tình hình quốc tế và trong nước những năm tới tiếp tục có nhiều yếu tố rủi ro, phức tạp, khó lường, đặc biệt là diễn biến bất ổn địa chính trị, Ủy ban xác định nhiệm vụ, giải pháp mà Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty trong thời gian tới cần bám sát ba đột phá chiến lược đã có trong nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng) và ba động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), cụ thể như sau:
Một là, tập trung triển khai kết luận số 5863-CV/VPTW ngày 05/01/2023 và số 5979-CV/VPTW ngày 31/01/2023 của Bộ Chính trị về đánh giá, tổng kết việc “Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp”; Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 19/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về tổng kết tình hình thực hiện Thông báo số 40-TB/TW ngày 14/9/2017 của Bộ Chính trị; theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện mô hình Ủy ban; thể chế hóa chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban thông qua sửa đổi cơ chế chính sách, pháp luật, cụ thể như: sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; trong đó, giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cho Ủy ban phù hợp hơn.
Hai là, tiếp tục cải thiện phương thức làm việc; xây dựng, hoàn thiện quy chế quản lý nội bộ bảo đảm hoạt động thống nhất, hiệu quả; nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ, ưu tiên tuyển dụng cán bộ có chuyên môn sâu về ngành nghề kinh tế, kỹ thuật, đầu tư về Ủy ban để đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Ba là, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ kết hợp với các giải pháp luân chuyển, điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các đơn vị thuộc Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.
Bốn là, chỉ đạo quyết liệt các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy vai trò của các Tập đoàn, Tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội.
Năm là, kịp thời tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật liên quan đến hoạt động SXKD và đầu tư, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, sắp xếp lại nhà, đất của DNNN còn bất cập, chưa rõ ràng nhưng chưa hoặc chậm được điều chỉnh, bổ sung gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Sáu là, tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương trong quá trình chỉ đạo hoạt động của doanh nghiệp theo đúng chiến lược, kế hoạch, nhiệm vụ được giao.
Bảy là, tiến tới đề xuất sửa đổi các quy định để có thể điều tiết được các nguồn vốn đầu tư giữa các DNNN; kết nối hoạt động kinh doanh giữa các Tập đoàn, Tổng công ty theo chuỗi; điều động, bổ sung cán bộ có chuyên môn, năng lực giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa Ủy ban với doanh nghiệp.
Tám là, đẩy mạnh hợp tác, trao đổi chuyên môn và chia sẻ kinh nghiệm với các cơ quan đại diện Việt Nam và đối tác quốc tế, tích cực tham gia các diễn đàn khu vực và thế giới về đổi mới và quản trị doanh nghiệp nhà nước.
Những nhiệm vụ, giải pháp phát huy vai trò của các Tập đoàn, Tổng Công ty
Để phát huy vai trò của các Tập đoàn, Tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau đây đối với các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu:
Một là, xây dựng chiến lược, kế hoạch SXKD và đầu tư phát triển gắn với phát triển ngành, lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật của các Tập đoàn, Tổng công ty và quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để sớm triển khai thực hiện.
Hai là, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ SXKD; các Tập đoàn, Tổng công ty có thế mạnh, điều kiện thuận lợi phải phấn đấu vượt kế hoạch được giao để góp phần đạt kết quả cao nhất.
Ba là, đẩy mạnh hoạt động đầu tư, bám sát ba đột phá chiến lược, ba động lực tăng trưởng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả nước; Chủ động đầu tư theo chiến lược, kế hoạch và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Bốn là, đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp theo cơ chế thị trường và các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế.
Năm là, đẩy mạnh tiết kiệm trong các khâu sản xuất; nghiên cứu phương án kỹ thuật, công tác cải tiến sử dụng nguyên phụ liệu thay thế phù hợp vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ và đảm bảo hạ giá thành.
Sáu là, tiếp cận có hiệu quả hơn các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để bảo đảm nguồn vốn đầu tư dài hạn, có chi phí thấp.
Bảy là, nâng cao chất lượng công tác dự báo, phân tích, cảnh báo, phòng ngừa rủi ro.
Tám là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động SXKD, đẩy mạnh phương thức kinh doanh trực tuyến phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ.
Chín là, phát huy vai trò của tổ chức Đảng tại doanh nghiệp; vai trò của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) được giao làm đại diện chủ sở hữu đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) trong 16 ngành kinh tế - kỹ thuật. Đến năm 2022, so với thời điểm bắt đầu chuyển về Ủy ban năm 2018, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty tăng 9% và chiếm tỷ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của DNNN trong cả nước; tổng tài sản hợp nhất tăng 6% và chiếm tỷ lệ khoảng 65% tổng tài sản của DNNN trong cả nước; doanh thu hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty tăng từ 19,4% lên 20% so với GDP của cả nước. |
Huy Tùng
-
Giá vàng trong tuần (21/10-27/10): Kết thúc tuần tăng giá
-
Đức ký kết hợp đồng mua khí đốt tự nhiên của Mỹ trong 10 năm
-
Chủ tịch HĐQT Shinec: Kinh doanh tín chỉ carbon như "bán đàn vịt giời"
-
Apple bị “soán ngôi” công ty giá trị nhất thế giới
-
Tin tức kinh tế ngày 26/10: Nợ nước ngoài của Chính phủ giảm nhanh