Bài 7: Di dời trường học, bệnh viện - được không?
Nhiều trường đại học trên trục đường Nguyễn Trãi đã gây áp lực rất lớn lên giao thông. |
20 năm trôi qua…“nguyễn y vân"
Nhiều năm trước vợ chồng anh Tuấn, chị Bình (quê TP Hải Dương) tay xách nách mang lên Hà Nội nhập học tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Anh học khoa Triết, chị học khoa Văn. Sau khi tốt nghiệp hai anh chị đều trở về quê sinh sống và làm việc.
Ngày là sinh viên, thông tin “nóng sốt" thỉnh thoảng anh chị được nghe là trường chuẩn bị được chuyển lên khu Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Tây cũ). Các lứa sinh viên sau sẽ được chuyển lên một địa điểm mới, rộng rãi, sạch đẹp “chuẩn quốc tế"...
Bẵng đi 19 năm sau khi ra trường, hai đứa con trứng gà trứng vịt của anh chị nay lần lượt tốt nghiệp THPT, rồi lên Hà Nội học tại Trường Đại học Quốc gia. Chỉ khác là cháu lớn (đang là sinh viên năm 3 Viện Đào tạo Báo chí) hiện vẫn học tại trường cũ của anh chị tại địa chỉ 336 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội). Còn cháu trai vừa nhập học trường Đại học Công nghệ thì đã được học trên Hòa Lạc.
“Ngày đưa các cháu nhập học, chúng tôi đều ngỡ ngàng trước sự thay đổi của thủ đô… May cái là cháu gái vẫn học ở chỗ hơn 20 năm trước bố mẹ từng học, nên cũng dễ tìm địa chỉ” - chị Bình chia sẻ.
Còn anh Tuấn giãi bày: “Dù 1/4 đời người đã trôi qua, song những “đặc sản" khó quên của Hà Nội thời đó vẫn còn - thậm chí còn nhiều hơn". Theo đó, năm 1999 anh Tuấn thuê trọ tại khu vực Đại La (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Mỗi buổi sáng đi học là anh phải căn thời gian cho chuẩn, kẻo rất dễ bị muộn giờ.
Quãng đường đến trường anh sẽ phải băng qua hai ngã tư: Vọng và “Ngã tư khổ" (gọi chệch từ Ngã Tư Sở) - là hai trong số những “điểm đen” giao thông của Hà Nội thời kỳ ấy. Nếu không may đi đúng giờ tắc đường thì sẽ phải mất chừng 20-30 phút mới thoát khỏi một trong hai cái ngã tư khổ sở ấy, và như vậy là muộn học.
Song cho đến thời điểm hiện tại, dù đã có cầu vượt cho cả Ngã tư Vọng lẫn Ngã Tư Sở, thì tình hình giao thông tại hai điểm đen này cũng chưa được cải thiện là bao. Mỗi buổi sáng, chiều người dân đi làm đi học qua thì vẫn bị ùn ứ, thậm chí tắc nghẽn.
Tuyến đường Nguyễn Trãi (dẫn đến trường ĐH KHXH&NV, ĐH KHTN...) dù đã được mở rộng “hết mức" thì người tham gia giao thông (đặc biệt là trong giờ cao điểm) đều có một cảm nhận là vẫn quá chật chội và nguy hiểm. Các loại ô tô xe máy xe bus xe đạp điện, xe máy điện, xe đạp… chen nhau một cách hỗn loạn. Thêm nữa người tham gia giao thông trên các tuyến đường thuộc quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… cũng thường xuyên được nếm đặc sản tắc đường từ sáng đến tối. “Góp phần" cho nạn tắc đường này có nguyên nhân là do các trường đại học vẫn đứng nguyên một chỗ.
Từ năm 2010 - 2011, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Bộ Xây dựng đã đưa ra đề xuất: di dời 12 trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội đô. Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ có Trường Đại học Y tế công cộng được di dời, 11 trường trong danh sách còn lại vẫn ở nguyên vị trí cũ. Riêng trường Đại học Quốc gia Hà Nội còn được quy hoạch từ những năm 2000. Cho đến thời điểm hiện tại thì đã có một số khoa tách ra thành trường, đã được chuyển lên địa điểm mới, song không vì thế mà vấn nạn kẹt xe xung quanh khu vực các trường đại học cũng như trong nội thành được giảm bớt.
Cảnh ùn tắc diễn ra hàng ngày trước cổng BV Bạch Mai. |
Bệnh viện mới - “Chùa Bà Đanh” và… đóng cửa
Cũng trong năm 2011, TP Hà Nội lập Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050 (QHC 1259) đã đề cập quy hoạch hệ thống y tế.
Theo đó có 13 bệnh viện lớn đang trong tình trạng quá tải, phải di dời khỏi nội thành, bao gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Phụ sản Trung ương, Nhi Trung ương, Việt Đức, Viện K, Tai Mũi Họng, Lao và Bệnh phổi Trung ương, Châm cứu Trung ương, Y học Cổ truyền Trung ương, Nội tiết, Mắt Trung ương, Đại học Y Hà Nội và BV Hữu nghị.
Báo cáo rà soát đánh giá thực hiện QHC 1259 do Sở Quy hoạch kiến trúc lập tháng 10/2021 nhắc lại những bất cập đã được nhận diện từ 10 năm trước mà không có hoạt động khắc phục nào được triển khai. Các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến trung ương ngày càng phình to dẫn đến gây áp lực, quá tải về hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội. Các bệnh viện, cơ sở y tế của Hà Nội đầu tư không nhiều và tiến độ chậm. Các bệnh viện, cơ sở y tế chưa gắn với các cơ sở đào tạo, sản xuất, kinh doanh thiết bị y tế, thuốc, trung tâm nghiên cứu.
Kết cục là trong vòng một thập kỷ gần như tất cả các bệnh viện trong nội thành không giảm tải mà đồng loạt nâng tầng/mở rộng, tăng diện tích sàn lên vài lần đến hàng chục lần. Các trung tâm y tế tầm cỡ quốc tế vẫn xa vời.
BV Bạch Mai cơ sở 2 đưa vào hoạt động chưa được bao lâu thì đã bị đóng cửa. |
Tháng 12/2014 tin vui đến với người dân TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung khi Bộ Y tế phê duyệt dự án đầu tư mới cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai - kỳ vọng sẽ là phương án giảm tải hiệu quả cho các bệnh viện tuyến trung ương ở miền Bắc.
Tháng 10/2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này chính thức được khánh thành. Tuy nhiên ngay sau khi đưa vào sử dụng đã xảy ra một loạt bất cập.
Ban đầu, Khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai thu hút 500 - 600 bệnh nhân đến khám/ngày. Sau đó số bệnh nhân giảm dần do tại đây chỉ thăm khám, không điều trị nội trú. Bệnh nhân nặng, cấp cứu phải chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam. Các ca bệnh khó không đủ máy móc, trang thiết bị chẩn đoán phải chuyển về cơ sở 1 tại quận Đống Đa, Hà Nội.
BV Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 thậm chí còn chưa đưa vào hoạt động đã đóng cửa. |
Thêm vào đó với khám ngoại trú, bệnh nhân không đi đúng tuyến không được thanh toán bảo hiểm. Đến tháng 3/2020 bệnh viện thông báo tạm thời dừng hoạt động.
Hiện tại, toàn bộ số máy móc, trang thiết bị trước đó đưa xuống cơ sở 2 đã được đưa về cơ sở 1. Còn Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 thậm chí mới cắt băng khánh thành và chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.
Còn nhiều bất cập nữa khiến cho hai bệnh viện với 2.000 giường, có tổng mức đầu tư gần 10 ngàn tỷ đồng đang trong tình trạng… chết lâm sàng! Và hy vọng giảm tải cho hạ tầng của thành phố cũng tắt ngúm.
Đề xuất sẽ quy hoạch mạng lưới bệnh viện theo vùng Cuối tháng 7/2023 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan, nhằm thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trước thực trạng Bệnh viện Trung ương luôn trong tình trạng quá tải và mới chỉ tập trung ở 1 số khu vực, chưa đảm bảo khả năng tiếp cận đầy đủ của mọi người dân, quy hoạch cơ sở y tế mới đề xuất sẽ quy hoạch mạng lưới bệnh viện theo vùng. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, xây dựng mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh đủ năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân của nước đang phát triển; chỉ tiêu cứ 10 nghìn dân thì có 33 giường bệnh, 15 bác sĩ, 3-4 dược sĩ, 25 điều dưỡng. Đến năm 2030, tiếp tục đầu tư nâng cấp một số bệnh viện cấp quốc gia thành bệnh viện hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến. Nhằm khắc phục bất cập trong phân bổ chưa đồng đều các Bệnh viện Trung ương, tuyến cuối hiện nay, Quy hoạch dự kiến đầu tư, nâng cấp 12 bệnh viện đa khoa tỉnh đảm nhận chức năng của bệnh viện cấp vùng. Đối với các vùng có quy mô dân số cao, như Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ, đề xuất đầu tư nâng cấp 2 bệnh viện đa khoa thành phố Hà Nội và 2 bệnh viện đa khoa thành phố Hồ Chí Minh thành 2 bệnh viện vùng, với điều kiện thành phố phải bố trí quỹ đất để mở rộng diện tích đất cho bệnh viện… |
Minh Tiến
-
Giá dầu hôm nay (19/10): Dầu thô quay đầu giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/10: Hơn 140 vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3