Bắc Đới Hà - cuộc họp kín mùa hè có thể “xoay chuyển” chính trường Trung Quốc
Khu nghỉ dưỡng ven biển Bắc Đới Hà (Ảnh: Kyodo) |
Nếu chỉ thoạt nhìn qua, thời điểm quan trọng nhất trong “mùa chính trị” tại Trung Quốc dường như rơi vào 3 tháng cuối năm, khi các nhân vật “đầu não” của nước này tập trung tại thủ đô Bắc Kinh để tham dự hàng loạt cuộc họp cấp cao liên quan tới việc hoạch định chính sách, trong đó quan trọng nhất là phiên họp toàn thể của ủy ban trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tuy nhiên trên thực tế, bầu không khí chính trị tại Trung Quốc “nóng nhất” là vào những ngày tháng 8, khi các nhà lãnh đạo đương chức và nghỉ hưu gặp nhau tại Bắc Đới Hà, khu nghỉ dưỡng ven biển phía bắc nổi tiếng của Trung Quốc.
Nằm cách thủ đô khoảng 300 km về phía đông, khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà mở ra không gian thư giãn cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt những người đã nghỉ hưu song vẫn có tầm ảnh hưởng, để họ cùng nhau trao đổi quan điểm về các chính sách quan trọng. Những quan điểm này thường được đưa vào các cuộc họp hoạch định chính sách chính thức của Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 10 hàng năm tại Bắc Kinh.
Theo truyền thống, thường không có thông báo chính thức về cuộc gặp tại Bắc Đới Hà. Thay vào đó, giới quan sát sẽ chú ý đến sự vắng mặt đột xuất của Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác trên các bản tin của truyền hình nhà nước Trung Quốc, vì đây là dấu hiệu cho thấy cuộc gặp kín mùa hè tại Bắc Đới Hà đã bắt đầu.
Khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà bắt đầu trở thành địa điểm chính trị quan trọng kể từ khi cố Chủ tịch Mao Trạch Đông, một người thích bơi lội, quyết định thành lập một “văn phòng mùa hè” dành cho các quan chức ở nơi tránh được sức nóng của thủ đô Bắc Kinh. Kể từ đó, khu nghỉ dưỡng này trở thành nơi “khai sinh” ra nhiều quyết định lịch sử của chính quyền Trung Quốc, bao gồm Chiến lược Đại nhảy vọt của Chủ tịch Mao và quyết định của ông khi cho phép nã pháo vào đảo Kim Môn do chính quyền Tưởng Giới Thạch tại Đài Loan kiểm soát.
Tầm quan trọng của cuộc gặp mùa hè tại Bắc Đới Hà đã giảm bớt dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập nắm vai trò lớn trong việc hoạch định chính sách và dưới sự lãnh đạo của ông, tầm ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo nghỉ hưu dường như cũng giảm đi đáng kể.
Tuy vậy, hầu hết giới phân tích vẫn tin rằng Bắc Đới Hà đóng vai trò quan trọng trong chính trường Trung Quốc, mở ra cho ông Tập cơ hội để xem xét và điều chỉnh các chính sách của mình. Đây là lý do khiến cuộc gặp tại Bắc Đới Hà vẫn là sự kiện được dư luận chờ đón.
“Bắc Đới Hà là nơi các lãnh đạo cấp cao có thể gặp nhau trong các cuộc họp không chính thức để trao đổi quan điểm của họ về các chính sách quan trọng, do vậy Bắc Đới Hà vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách của chính trị Trung Quốc”, Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.
Các chủ đề “đốt nóng” cuộc gặp Bắc Đới Hà
Ông Đặng Tiểu Bình (phải) bơi tại Bắc Đới Hà vào tháng 7/1987. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Cuộc gặp tại Bắc Đới Hà năm nay có thể sẽ được theo dõi rất chặt chẽ khi ban lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức chưa từng có tiền lệ. Các thách thức này bao gồm sự suy yếu của quan hệ Mỹ - Trung trong bối cảnh chiến tranh thương mại, các cuộc biểu tình quy mô lớn tại Hong Kong khi giới lãnh đạo tại Bắc Kinh xem đây là thách thức đối với chủ quyền của Trung Quốc, làn sóng ủng hộ độc lập dâng cao tại Đài Loan, nền kinh tế bị suy yếu với tốc độ tăng trưởng xuống thấp kỷ lục trong quý vừa qua.
Kerry Brown, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học King, London, tin rằng trọng tâm của cuộc gặp Bắc Đới Hà năm nay sẽ là tình hình xấu đi nói chung của môi trường quốc tế, đặc biệt là mối quan hệ Mỹ - Trung.
“Tôi cho rằng cuộc gặp lần này sẽ tập trung nhiều vào các vấn đề bên ngoài hơn trước đây, vì ngay cả ông Tập hay bất kỳ ai khác cũng không biết làm thế nào để đối phó với một nước Mỹ mà ban lãnh đạo chia rẽ và bất đồng như vậy, một nước Mỹ mà lập trường của họ ở thời điểm hiện tại vừa là cơ hội vừa là mối nguy hiểm thực sự (với Trung Quốc)”, giáo sư Brown, nhận định.
Cuộc gặp Đới Bắc Hà năm nay diễn ra sau hơn một năm chứng kiến những màn áp thuế trả đũa lẫn nhau giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và sự đối đầu leo thang giữa hai cường quốc đối thủ trong gần như mọi lĩnh vực, từ công nghệ, hệ tư tưởng, Đài Loan cho tới an ninh khu vực và toàn cầu.
Mỹ đã áp thuế 25% đối với khoảng một nửa giá trị hàng xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ và dọa sẽ tiếp tục áp thuế với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nếu đàm phán thương mại thất bại. Mỹ cũng phát động cuộc chiến công nghệ, liệt các công ty Trung Quốc vào danh sách đen, bao gồm hãng viễn thông khổng lồ Huawei. Trung Quốc cũng có động thái đáp trả, song các biện pháp của Bắc Kinh ở mức độ kiềm chế hơn.
Mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán thương mại tại cuộc gặp bên lề hội nghị G20 ở Nhật Bản hồi tháng 6, song triển vọng đạt được một thỏa thuận giữa hai nước vẫn xa vời. Cuộc chiến thuế quan và công nghệ đã gây tổn hại cho nền kinh tế của cả hai nước, cũng như uy tín của hai nhà lãnh đạo.
Theo dự đoán của Giáo sư Brown, khi chưa có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi làm thế nào để giải quyết với những thách thức từ Mỹ, ông Tập Cận Bình có thể sẽ dành cuộc gặp mùa hè tại Bắc Đới Hà để lắng nghe ý kiến từ các quan chức khác.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp mặt tại Nhật Bản hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters) |
Chuyên gia Wu cho rằng các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ đang diễn ra tại Hong Kong cũng là vấn đề ưu tiên trong chương trình làm việc của các lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Đới Hà. Dự luật cho phép dẫn độ tội phạm từ Hong Kong sang Trung Quốc đại lục.
Trong những tuần qua, các cuộc biểu tình đã biến thành phong trào quy mô lớn, đe dọa quyền kiểm soát của chính quyền trung ương Trung Quốc với Hong Kong. Người biểu tình quá khích thậm chí tấn công cả tòa nhà chính quyền Hong Kong.
Các cuộc biểu tình buộc chính quyền Hong Kong phải dừng dự luật dẫn độ. Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể coi các cuộc biểu tình này là thách thức nghiêm trọng nhất đối với chính quyền trung ương kể từ khi Hong Kong được Anh trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Ngoài Hong Kong, vấn đề Đài Loan dự kiến cũng sẽ xuất hiện trong các cuộc trao đổi tại Bắc Đới Hà.
Mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan xuống mức thấp nhất kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền lãnh đạo hòn đảo vào năm 2016. Một trong những điều khiến Bắc Kinh lo ngại là mối quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan, bất chấp việc Washington cam kết tôn trọng nguyên tắc “Một Trung Quốc”.
Trung Quốc vẫn hy vọng rằng mối quan hệ giữa hai bờ eo biển sẽ được cải thiện sau cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan sắp tới.
Chính quyền Trump rõ ràng coi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn và đảng của bà là đồng minh quan trọng trong chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương” của Mỹ. Trong khi đó, Bắc Kinh ủng hộ ứng viên Quốc dân đảng Han Kuo-yu, thị trưởng thành phố Cao Hùng và là người ủng hộ nguyên tắc “Một Trung Quốc”.
Khi chỉ còn 6 tháng là tới cuộc bầu cử tại Đài Loan, các lãnh đạo Trung Quốc đại lục cần đưa ra một số biện pháp để đảm bảo chiến thắng của ứng cử viên được Bắc Kinh ủng hộ. Chủ đề này có thể được thảo luận tại Bắc Đới Hà.
Bên cạnh đó, trong cuộc gặp tại Bắc Đới Hà, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể sẽ thảo luận các biện pháp để vực dậy nền kinh tế Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không chỉ chứng kiến tốc độ tăng trưởng thấp kỷ lục trong quý 2 năm nay, mà hiện cũng chưa có dấu hiệu cho thấy xu hướng “tụt dốc” kéo dài 12 năm của Trung Quốc sẽ dừng lại.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm xuống mức 6,2% từ tháng 4 đến tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 3/1992. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc còn giảm dần trong 10 năm qua, từ mức 14,23% năm 2007 xuống 9,5% vào năm 2011, 7,3% vào năm 2014 và 6,6% vào năm 2018.
Giới phân tích tin rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tận dụng cuộc gặp tại Bắc Đới Hà để đạt được sự đồng thuận trong giới lãnh đạo Trung Quốc về cách xử lý tác động chính trị từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, các cuộc biểu tình tại Hong Kong và nhiều vấn đề cấp bách khác.
Theo Dân trí
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Luật Điện lực (sửa đổi): Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần NQ55 và KL76
-
Nhà nước là chủ sở hữu vốn nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp