Lưới điện thông minh - giải pháp truyền tải điện
(Petrotimes) - Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) phối hợp với Công ty Honeywell vừa tổ chức hội thảo giới thiệu Lưới điện thông minh - công nghệ tự động điều chỉnh phụ tải (ADR) cho các đơn vị hoạt động trong ngành công nghiệp điện Việt Nam. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, triển khai lưới điện thông minh với công nghệ tự động điều chỉnh phụ tải có thể tiết kiệm được 20-25% nguồn năng lượng.
Tiết kiệm điện đến từng hộ gia đình
Đề án phát triển Lưới điện thông minh (LĐTM) đã được Chính phủ phê duyệt thực hiện năm 2012 nhằm nâng cao chất lượng điện, tăng độ tin cậy, quản lý nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Đây là đề án quốc gia nhằm áp dụng các giải pháp công nghệ tự động điều chỉnh phụ tải điện cho lưới điện Việt Nam.
LĐTM là sự thay đổi từ thủ công sang tự động trong việc đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng. Lưới điện được phát triển với các thiết bị truyền tải, phân phối và đo đếm mới. Các công ty điện có thể trực tiếp kết nối với khách hàng một cách chặt chẽ, khách hàng được cung cấp thông tin chuyên sâu hơn để tiết kiệm chi phí sử dụng điện năng thông minh. Đồng thời, LĐTM giúp triển khai ứng dụng quản lý về thu thập, xử lý thông tin để bảo đảm tính kịp thời và minh bạch trong giao dịch, mua bán và thanh toán trên thị trường bán buôn, phát điện cạnh tranh.
Hiện nay Điện lực Việt Nam đang nghiên cứu các giải pháp tiết kiệm năng lượng vĩnh cửu nhờ công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng bằng công nghệ tự động điều chỉnh phụ tải. Giải pháp “Tự động điều chỉnh phụ tải điện” có thể tận dụng sự linh hoạt trong hoạt động vận hành sẵn có trong các hộ gia đình, cơ sở thương mại và công nghiệp, từ đó giúp các nhà cung ứng và các nhà khai thác hệ thống độc lập có khả năng giảm tải lượng tiêu thụ điện năng trong thời gian cao điểm bằng cách truyền những tín hiệu về giá và độ tin cậy của hệ thống. Có 4 công nghệ mới được các nhà khoa học ứng dụng điện lực rất quan tâm là “Lập trình bộ điều chỉnh nhiệt theo thời gian sử dụng”, “Phương pháp điều chỉnh phụ tải điện tại các khu vực dân cư”, “Điều chỉnh phụ tải tại các khu công nghiệp” và “Quản lý năng lượng từ xa”.
Giá điện hiện nay đang áp dụng linh hoạt theo mức sử dụng và thời điểm sử dụng mỗi ngày. Giờ cao điểm, lượng điện tiêu hao càng nhiều, giá điện càng cao. Để thực hiện tiết kiệm điện chủ động, giảm lãng phí điện cũng như giảm chi phí về điện cho từng hộ gia đình, giải pháp công nghệ đáp ứng tiêu chí này là bộ điều chỉnh nhiệt có khả năng lập trình tùy chọn theo “thời gian sử dụng”. Bộ điều chỉnh này cho phép hộ gia đình tự điều chỉnh mức độ tiêu thụ năng lượng dựa trên giá điện được ban hành và theo nhu cầu sử dụng thực tế. Bộ điều chỉnh nhiệt phụ tải điện là thiết bị giúp các hộ gia đình quản lý năng lượng tốt hơn và giảm chi phí năng lượng, đồng thời là thiết bị chủ lực điều chỉnh phụ tải điện của các công ty phân phối điện với tổng lượng điện giảm tải hàng trăm MW, giúp các nhà cung ứng và các hộ dân quản lý chi phí và nhu cầu tải điện trong giờ cao điểm... Có thể nói, bộ điều chỉnh nhiệt có khả năng lập trình có thể mang lại những lợi ích kinh tế thiết thực của lưới điện thông minh vào từng hộ gia đình.
Bên cạnh đó, các đơn vị cung ứng điện có thể giải quyết bài toán phân phối và truyền tải, có thể điều chỉnh phụ tải điện, phân phối điện sinh hoạt hợp lý, tránh những giai đoạn sử dụng điện cao điểm và phải mua điện với giá cao từ những nhà khai thác độc lập trong các khu vực đông dân cư. Nâng cao năng lực cung cấp điện thông qua giải pháp điều chỉnh phụ tải điện sẽ giúp giảm chi phí 2-3 lần so với việc phải phát điện với công suất tối đa và tiết kiệm chi phí 10 lần so với một số công nghệ tái tạo khác. Đồng thời giúp cho các nỗ lực điều chỉnh phụ tải điện hiệu quả hơn thông qua tự động hóa và cải thiện độ chính xác. Khi áp dụng điện lưới thông minh sẽ giúp giảm thiểu việc cắt điện trong các khu vực, hợp lý hóa phân phối điện, tiết kiệm triệt để năng lượng cũng như giảm thiểu các sự cố trên lưới điện.
Đánh giá về LĐTM, ông Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho biết: Từ trước tới nay, ngành điện nước ta vẫn xảy ra tình trạng cung chưa đáp ứng cầu. Thời gian vừa qua chúng ta đã đầu tư rất nhiều tiền phát triển nguồn điện và chi phí truyền tải mà chưa chú trọng tới khâu phân phối. Hy vọng, phát triển LĐTM sẽ tạo cơ hội tốt cho thị trường điện, giảm tổn thất điện năng.
Giảm phụ tải cho các khu công nghiệp
Theo đại diện Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương, dự báo trong năm 2013 Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 3,7 tỉ kW điện. Hiện lưới điện của Việt Nam chưa đồng bộ, chưa hiện đại, khả năng tự động hóa tương đối thấp, tỷ lệ điện sinh hoạt và điện sản xuất công nghiệp đang có sự chênh lệch lớn. Thực trạng trên đòi hỏi Điện lực Việt Nam cần xây dựng LĐTM nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động, tăng cường khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng.
Hệ thống tự động điều chỉnh sử dụng điện theo các mức giá biến đổi (SCE) là một thành tựu lớn của ngành điện lực áp dụng trong việc quản lý lượng điện tiêu thụ của các khu công nghiệp. SCE hoạt động theo phương thức sau: Nhận các tín hiệu điều chỉnh giá điện từ các nhà cung ứng, liên lạc với hệ thống tự động hóa lắp đặt cho các tòa nhà, các xí nghiệp sản xuất công nghiệp… thực hiện các thay đổi dựa trên các bộ thông số do khách hàng cài đặt. SCE sẽ có liên kết trực tiếp với khách hàng để chia sẻ thông tin năng lượng quan trọng, yếu tố giúp LĐTM có hiệu quả đối với đối tượng doanh nghiệp. Hệ thống SCE có thể tích hợp các thiết bị tiêu thụ điện như bộ điều khiển HVAC (điều hòa - thông gió), điều khiển ánh sáng và tín hiệu, điều khiển lạnh, an ninh, kiểm soát truy cập, cảm biến cửa… nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và chi phí bảo trì, đồng thời duy trì một môi trường an toàn và thuận tiện cho các hoạt động thương mại. Nhờ đó, các nhà cung ứng có thể giảm tải 10-20%.
Nhận định về việc áp dụng LĐTM cho ngành điện Việt Nam, ông Nguyễn Vũ Quang, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực khẳng định: Phát triển LĐTM là xu hướng tất yếu. Bởi về lâu dài sẽ làm giảm áp lực về vốn đầu tư cho ngành điện thông qua việc nâng cao hiệu quả vận hành, hỗ trợ cho các giải pháp kỹ thuật để giảm tổn thất điện năng, tăng cường tiết kiệm điện.
Thống kê của EVN cho thấy, tổn thất điện năng toàn hệ thống vào khoảng 9,23%, trong đó tổn thất chủ yếu ở lưới điện phân phối từ 110kV trở xuống. LĐTM sẽ hỗ trợ công ty điện lực quản lý, vận hành lưới một cách tối ưu, cung cấp dữ liệu để đánh giá tốt hơn tình trạng tổn thất điện năng, từ đó xác định giải pháp để giảm tổn thất hiệu quả, nhất là tổn thất phi kỹ thuật, tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm cho ngành điện lực Việt Nam.
Lộ trình phát triển lưới điện thông minh EVN: Giai đoạn 1 (2012-2016): Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện; triển khai các dự án thử nghiệm; xây dựng khung pháp lý; xây dựng các quy định kỹ thuật và các chương trình truyền thông về LĐTM. Giai đoạn 2 (2017-2022): Thực hiện chương trình nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện, tập trung vào lưới điện phân phối; phổ biến các bài học từ dự án thử nghiệm; tích hợp nguồn điện phân tán… Giai đoạn 3 (từ 2022): Tiếp tục chương trình lắp đặt hạ tầng thông tin viễn thông cho lưới phân phối; thực hiện các ứng dụng thông minh cho phép cân bằng cung - cầu điện; xây dựng khung pháp lý cho triển khai các ứng dụng LĐTM dựa trên cơ sở hạ tầng thông minh sẵn có. |
Thành Công