Thờ ơ với đổi mới khoa học công nghệ
(Petrotimes) - Mặc dù, khoa học công nghệ (KHCN) được đánh giá là động lực lớn nhất cho sự phát triển kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, nhưng rất ít doanh nghiệp nước ta quan tâm đến việc đổi mới KHCN. Điều này cũng lý giải cho giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực.
Doanh nghiệp ít quan tâm đến KHCN
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương với các doanh nghiệp đã được nâng cấp về KHCN thì có đến 80% doanh nghiệp có công nghệ quá 10 năm nhưng chỉ có rất ít doanh nghiệp (dưới 1%) quan tâm tới vấn đề công nghệ, sẵn sàng trả phí về quyền sở hữu trí tuệ, quyền được áp dụng các công nghệ vào trong sản xuất của mình; 80% các doanh nghiệp vẫn hoạt động theo hướng sử dụng nhiều lao động, điều khiển máy móc vẫn chủ yếu dùng sức người, giá trị gia tăng hàng hóa còn thấp.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Gia Hảo nhận định: Ý thức quan tâm tiếp cận công nghệ và mức độ “sẵn sàng” đối với công nghệ của các doanh nghiệp nước ta nhìn chung còn thấp, nhiều khi còn trông chờ vào cấp phát tài chính từ phía Nhà nước với vấn đề đổi mới công nghệ. Do chúng ta thoát thân từ nền kinh tế bao cấp, Nhà nước độc quyền trong nhiều lĩnh vực, động lực thúc đẩy kinh tế chủ yếu dồn vào “nhanh, nhiều” mà thiếu “tốt, rẻ”. Do vậy, trình độ công nghệ của cả nền kinh tế nói chung và riêng đối với doanh nghiệp Nhà nước còn rất thấp. So sánh giữa các khu vực kinh tế về tốc độ phát triển KHCN thì trình độ KHCN của các doanh nghiệp Nhà nước luôn thấp hơn so với khu vực doanh nghiệp dân doanh và càng xa với khu vực FDI.
Đa số các doanh nghiệp vẫn hoạt động theo hướng thâm dụng lao động không quan tâm đến đổi mới công nghệ
Chính vì vậy, việc đổi mới công nghệ trong sản xuất của nước ta cũng đang thua kém nhiều nước trong khu vực, ở ta chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, trong khi mức độ sử dụng công nghệ hiện đại tại Thái Lan là 30%, Malaysia là 51% và Singapore là 73%. Công nghệ cao đóng góp cho xuất khẩu ở ta chỉ chiếm 7%, trong khi con số này ở Thái Lan là 30%, Trung Quốc 27%, Singapore 57%. Chỉ riêng về những chỉ số này, không biết bao giờ ta mới đuổi kịp các nước trong khu vực và các nước công nghiệp đã phát triển?!
Bên cạnh đó, một trong những nhược điểm thường được nhắc tới của doanh nghiệp nước ta là tính cộng đồng, tính gắn kết còn yếu... Riêng về lĩnh vực KHCN thì do tính khép kín, chưa quen đặt mua bên ngoài mà muốn có tất cả các loại thiết bị từ “A đến Z”. Cho nên, trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp thừa và lãng phí công nghệ, trong khi nhìn chung việc sử dụng KHCN trong sản xuất của ta còn yếu kém so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Hiện nay, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (WTO và các FTA), các doanh nghiệp tham gia thị trường phải tuân thủ một “luật chơi” thống nhất, doanh nghiệp nước nào có hàng tốt, hàng rẻ có quyền đưa sang nước khác bán, ngược lại các doanh nghiệp sản xuất ra mặt hàng gì, cho dù chỉ tiêu thụ nội địa không xuất khẩu nhưng có chất lượng kém, mẫu mã xấu, giá thành lại đắt hơn hàng nhập khẩu từ ngoài vào thì sẽ bị “bóp chết” ngay chính tại “sân nhà”, dù có “kêu gào” hãy thể hiện lòng yêu nước bằng việc dùng hàng nội địa cũng không có tác dụng. Vì vậy, vai trò của KHCN càng được đánh giá cao trong giai đoạn này, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Cần đầu tư có trọng điểm
Để tiến tới trở thành một nước công nghiệp hiện đại như chúng ta mong muốn, không thể không nói đến việc ứng dụng KHCN trong sản xuất vì trong nền kinh tế tri thức hiện nay, khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, hàm lượng trí tuệ, trong đó có công nghệ trong sản phẩm ngày càng tăng; giá trị gia tăng của khâu sản xuất, lắp ráp chỉ chiếm khoảng 40-45% giá trị gia tăng của sản phẩm. Điều đó đòi hỏi sản xuất, dịch vụ phải không ngừng thay đổi, đa dạng để kịp phục vụ yêu cầu ngày càng cao trong xã hội.
Nhận thức vai trò quan trọng của KHCN đối với phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay, trong Hội nghị Trung ương 6, Đảng đã quyết định ra Nghị quyết về phát triển KHCN phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết chỉ rõ, trong chương trình đổi mới doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao vai trò kinh tế Nhà nước chúng ta phải rất chú trọng đến trình độ KHCN bởi vì đây chính là động lực lớn nhất trong phát triển kinh tế, không có công nghệ hiện đại, không có thành quả khoa học kỹ thuật thì không thể có năng suất, chất lượng cao, khó có thể đứng vững trên thị trường.
Đổi mới công nghệ, ngoài ý thức chủ quan của doanh nghiệp đối với công nghệ, ngoài năng lực tài chính ra còn phụ thuộc rất nhiều vào chính sách phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo và chính sách phát triển nguồn nhân lực. Vì nói đến khoa học là nói đến tri thức, nói đến hàm lượng trí tuệ, đến lao động trí óc. Do đó, giáo dục được coi là nền tảng của KHCN. Các chuyên gia cũng khẳng định: Đầu tư vào phát triển KHCN, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho chiều sâu, đầu tư sinh ra lợi nhuận lớn nhất.
Tuy nhiên, vấn đề giáo dục hiện nay của nước ta lại đang có nhiều bất cập ở tất cả các cấp, từ giáo trình đến cung cách dạy và học, từ trong khoa học cơ bản đến ứng dụng, chính sách sử dụng hiền tài, chính sách đãi ngộ, tuyển dụng công khai, minh bạch và công bằng... Dẫn đến một nền giáo dục “bằng cấp nhiều nhưng ít chất xám”. Đây là một rào cản lớn đối với sự phát triển của KHCN mà chúng ta cũng đang từng bước khắc phục.
Ngoài ra, hiện trạng của chúng ta hiện nay là có hàng trăm, hàng ngàn đề tài khoa học nhưng toàn đầu tư một cách rải rác, đề tài nào cũng hoàn thành, công trình nào cũng nghiệm thu “xuất sắc” nhưng không nhiều công trình đem lại kết quả đáng kể cho Nhà nước, cho xã hội. Chúng ta không thiếu gì sách vở, không thiếu số lượng những công trình nghiên cứu khoa học trong hàng chục năm nay nhưng rất ít những công trình lớn, sách vở in ra không mấy người đọc, công trình tuổi thọ ít, “chết yểu”, hiệu quả thấp.
Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh để phát triển KHCN cần phải thay đổi cách phương thức quản lý và đầu tư cho phát triển KHCN, tránh bệnh phù phiếm, bệnh hình thức, tham lam quá sức hay nể nang, rồi từ đó sinh ra cơ chế “ban phát”, “xin - cho”. Để có được những công trình khoa học có giá trị cao, cần đầu tư trọng điểm, đầu tư đúng địa chỉ vào các học giả, các chuyên gia, những người xứng đáng là chủ các công trình, các đề tài và phải đầu tư “ra tấm ra món”, tránh kiểu đầu tư rải rác, phân tán, manh mún không đi đến đâu! Ngoài ra, cũng cần lưu ý việc đánh giá, lựa chọn công nghệ để ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an toàn với môi trường sinh thái, tránh trở thành “bãi rác” công nghệ.
Bên cạnh đó, điều quan trọng là từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp cần nhận thức rằng, trong cuộc cạnh tranh kinh tế ngày càng khốc liệt và không ngừng biến đổi... muốn tồn tại được thì phải luôn đổi mới, mà trong đó không thể thiếu yếu tố KHCN trong chiến lược phát triển của mình.
Mai Phương