Giảm tổn thất điện năng:
Thu lại hàng trăm tỉ đồng từ… “không khí”?
(Petrotimes) - Gần 60 năm phát triển, ngành điện Việt Nam đã và đang nỗ lực trong “cuộc chiến” giảm thiểu các tổn thất về điện năng. Mỗi năm, ngành điện lực tổn thất hàng tỉ kWh điện do kỹ thuật, thiết bị lạc hậu… tương đương hàng trăm tỷ đồng “biến mất” trên lưới điện. Từ mất đi hơn 20% tổng lượng điện thương phẩm mỗi năm đã giảm xuống chỉ còn xấp xỉ 9%. Nói cách khác, EVN đã “thu về” cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ… “không khí”.
Thước đo phát triển công nghiệp điện
Khi đánh giá nền công nghiệp điện của một quốc gia, một trong những tiêu chí quan trọng là tỷ lệ tổn thất điện. Tổn thất điện được tính bằng hiệu số của điện sản xuất ra và điện tiêu thụ (điện thương phẩm). Tỷ lệ này được căn cứ trên các yếu tố như công suất cực đại, sản lượng điện bình quân đầu người (tổng điện thương phẩm/ dân số) và tổng tổn thất điện năng.
Theo thống kê của EVN, năm 2007, tổng mức tổn thất điện năng vào khoảng 10,56%, năm 2012 đã thành công giảm còn 9% (tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải là 2,35%, trên lưới điện phân phối là 6,65%). Năm 2012, tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 105,474 tỉ kWh, tỉ lệ tổn thất điện năng giảm xuống còn 9% (giảm 0,38% so với năm 2011, tiết kiệm 466 tỉ đồng). Năm 2013, EVN phấn đấu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống còn 8,8%, trong đó tỷ lệ tổn thất trên lưới truyền tải đạt 2,3%, trên lưới phân phối 6,5%. Tuy rất khó khăn về vốn để đầu tư cải tạo, phát triển lưới điện nhưng các đơn vị truyền tải và phân phối điện của EVN đã rất nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để giảm tổn thất điện năng và đạt chỉ tiêu giao về tổn thất điện năng.
Công nhân đang sửa chữa "nóng" sự cố trên lưới điện
Một số nguyên nhân chính gây tổn thất điện như lưới điện trải dài theo lãnh thổ, đầu tư cho cải tạo nâng cấp còn hạn chế. Khi nền công nghiệp điện của chúng ta còn dựa quá nhiều vào thủy điện với tỷ trọng gần 40%. Đặc biệt vào mùa mưa khai thác thủy điện cao (có khi chiếm đến gần 60% lượng điện sản xuất) nên tổn thất điện năng trên lưới truyền tải càng tăng do đa số các nhà máy thủy điện ở xa trung tâm, truyền tải điện trên đường dây dài nên dẫn đến lượng phụ tải truyền điện lớn, tổn thất trên lưới truyền tải cao. Bên cạnh đó, tình trạng các thiết bị điện lâu đời, lạc hậu khiến lượng điện tổn thất do xảy ra các sự cố về điện trong quá trình truyền tải cũng khiến lượng điện tổn thất khó giảm xuống.
Ngoài ra, một số vấn đề kỹ thuật không thể lập tức khắc phục như thiếu công suất vô công (giờ cao điểm tiêu thụ điện, lượng điện tải trên hệ thống sẽ rất lớn dẫn đến tổn thất điện áp trên đường dây tăng), điện áp nút (chênh lệch điện thế) một số nơi không đảm bảo do sự chênh lệch các mạng lưới điện của nước ta theo vùng. Một vấn đề khác là trong cơ cấu phụ tải điện ánh sáng, sinh hoạt vẫn chiếm tỷ trọng lớn, sản lượng điện công nghiệp thấp và công tác quản lý vẫn còn hạn chế, vẫn còn tổn thất thương mại.
Theo báo cáo nghiên cứu năng lượng Mỹ (Electric Power Reseach Intitute), tổn thất điện năng trên lưới điện có cơ cấu trung bình như sau: Lưới điện truyền tải mức thấp là 4,0%, mức cao vào khoảng 8,5%; Lưới điện phân phối mức thấp vào khoảng 3,0%, mức cao vào khoảng 7,0%. Tổng tổn thất mức thấp là dưới 7,0% mức cao là trên 15,5%. Hiện nay, tổn thất điện năng của Việt Nam ở mức trung bình. So với một số nước có mức điện bình quân đầu người tương tự hoặc cao hơn của Việt Nam như Ấn độ, Pakistan thì chúng ta thực hiện tiết giảm điện năng tổn thất tốt hơn hẳn.
Giải pháp giảm tổn thất điện năng
Hằng năm, EVN đã đầu tư và vận hành nhiều công trình nguồn và lưới điện truyền tải nhằm đáp ứng sự tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện, rút ngắn bán kính cấp điện, đảm bảo chất lượng điện áp và giảm tổn thất điện năng. Mặc dù kết cấu và vận hành lưới điện còn nhiều hạn chế song do có sự đầu tư trọng điểm, các giải pháp công nghệ, kỹ thuật tổn thất điện năng trên lưới điện đến nay đã giảm đáng kể. Trước năm 1990, tổn thất điện luôn ở mức 15 đến 20% thì từ vài năm gần đây, tỷ lệ tổn thất trên lưới truyền tải và phân phối đến năm 2012 chỉ còn 9%.
Các công trình phát triển và cải tạo lưới điện từ lưới điện 220kV đến 500kV, nhìn chung đã đáp ứng việc truyền tải từ các nhà máy điện đến trung tâm phụ tải. Song song với các công trình lưới điện truyền tải, các Công ty Điện lực đã tiến hành cải tạo lưới điện trung, hạ áp, nâng tiết diện các xuất tuyến; thay thế cáp ngầm thay thế thiết bị cũ trên lưới bằng thiết bị chất lượng tốt… góp phần nâng cao độ tin cậy cấp điện và giảm tổn thất điện năng. Chỉ tính riêng trên đường dây 500kV Bắc - Nam, tỷ lệ tổn thất đã giảm từ 9,92% năm 1994 xuống còn 3,99% vào năm 2007.
Định hình và tiêu chuẩn hóa các công trình lưới điện như các loại sơ đồ kết cấu cột, chuẩn hóa gam máy biến áp, định hình các kết cấu trạm biến áp hợp bộ, đường dây… là những giải pháp hiệu quả giúp đồng bộ hóa, giảm giá thành xây dựng lưới điện, giảm tổn thất điện trên lưới. Điển hình như một số sơ đồ cột đường dây trên không (ĐDK) nhiều mạch đã được áp dụng như sơ đồ cột 4 mạch trên một hàng cột như ĐDK 220kV Phú Mỹ - Nhà Bè - Phú Lâm, Sơ đồ 4 mạch hỗn hợp 220kV - 110 kV Nhiệt điện Hải Phòng đi Đình Vũ…; Công nghệ trạm biến áp có thiết bị cách điện bằng khí ở các cấp điện áp từ 35kV đến 220 kV rất có hiệu quả, đặc biệt khi xuất hiện yêu cầu xây dựng các trạm biến áp tại các đô thị lớn. Đến nay, EVN đã đưa vào vận hành và phát huy hiệu quả cao một số trạm tại Hà Nội và TP HCM. Việc thay thế dây dẫn và cách điện trên các đường dây cũ với dây lõi nhôm, lõi thép và cách điện thủy tinh bằng dây dẫn chịu nhiệt, hợp kim, cách điện composite, xà cách điện đã nâng cao khả năng truyền tải, giảm tổn thất điện năng của hệ thống.
Được biết, hệ thống vận hành lưới điện của Việt Nam gồm Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao), các trung tâm Điều độ điện và các công ty truyền tải điện. Nâng cao hiệu suất truyền tải điện trong vận hành lưới có tác động đáng kể đến việc giảm giá thành truyền tải phân phối điện. Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia là bộ não điều phối điện. Trung tâm phụ trách kiểm tra cập nhật tình hình hệ thống điện, dự báo phụ tải, tính toán phương thức vận hành các nhà máy điện, lưới điện truyền tải, điều khiển hợp lý nguồn vô công phát cho lưới điện, điều khiển điện áp ở mức cao cho phép, lập các đề án lắp đặt và vận hành tụ bù vô công… Các công ty truyền tải điện vận hành lưới điện truyền tải theo phương thức an toàn và tổn thất điện năng thấp, chủ động phối hợp với các trung tâm điều độ hệ thống điện bố trí lịch cắt điện hợp lý để sửa chữa, thí nghiệm định kỳ đường dây và các trạm biến áp giảm tối thiểu số giờ vận hành theo phương thức bất lợi có tổn thất điện năng cao.
Có thể đánh giá, công tác giảm thiểu tổn thất điện năng của EVN đã và đang đi đúng lộ trình với những nỗ lực vượt bậc góp phần quan trọng vào sự phát triển ngành công nghiệp điện Việt Nam ngày càng hiện đại, tiên tiến.
Thành Công